Tệ nạn ăn xin tái phát

Đầu năm 2015, TPHCM quyết liệt chấn chỉnh tệ nạn ăn xin, chính quyền các phường làm thủ tục đưa những người lang thang ăn xin vào trung tâm bảo trợ xã hội. Một thời gian dài trên đường phố vắng bóng “đệ tử Cái bang”, hình ảnh TPHCM đẹp hơn trong mắt du khách. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tệ nạn ăn xin tái phát.
Ăn xin xuất hiện nhiều ở vùng ven
Sau sự việc một phụ nữ ẵm theo con nhỏ ngồi xin tiền ở cổng Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM để cùng người tình mua ma túy chích khiến người dân phẫn nộ, Báo SGGP cũng nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc cho biết hiện tình trạng ăn xin, nhất là phụ nữ dắt theo trẻ nhỏ đi xin, xuất hiện ở nhiều giao lộ.
Gọi đến đường dây nóng Báo SGGP, ông Phạm Thành Nhân (ngụ đường Nguyễn Hoàng, quận 2) phản ánh: “Không biết chủ trương của chính quyền TPHCM về việc chấn chỉnh tệ nạn ăn xin có còn thực hiện không, mà dạo gần đây người ăn xin lại xuất hiện nhiều quá”. 
Từ phản ánh của bạn đọc, phóng viên Báo SGGP đã đi thực tế và ghi nhận đúng là tại nhiều giao lộ có người ăn xin, không ít người ăn xin còn dắt theo trẻ nhỏ để gợi sự thương hại của người qua đường.
Tệ nạn ăn xin tái phát ảnh 1 Người phụ nữ địu theo trẻ nhỏ xin tiền ở giao lộ Mai Chí Thọ - Nguyễn Cơ Thạch (quận 2)
Tại nút giao thông An Phú (quận 2), có 3 đứa trẻ, bé gái chừng 13 - 14 tuổi dắt theo 1 bé trai và 1 bé gái khác khoảng 4 tuổi len lỏi giữa làn xe máy để xin tiền những người đang chờ đèn đỏ.
Cách giao lộ khoảng 50m có 1 phụ nữ ngồi trên ghế ở vỉa hè quan sát nhất cử nhất động của mấy đứa trẻ đi xin. Thấy chúng tôi giơ máy ảnh lên chụp, người này vội gọi đám nhỏ lại rồi dắt chúng đi chỗ khác. Tại giao lộ Mai Chí Thọ - Nguyễn Cơ Thạch (quận 2), có 2 phụ nữ dắt theo trẻ em đứng xin tiền vào mỗi buổi chiều.
Phía đường Mai Chí Thọ (hướng về hầm vượt sông Sài Gòn) có một phụ nữ địu đứa bé vài tháng tuổi và dắt theo bé gái khoảng 3 tuổi. Trong khi bé gái đi xin tiền của những người đi xe máy dừng đèn đỏ, thì người phụ nữ gõ cửa các ô tô xin tiền.
Còn phía đường Nguyễn Cơ Thạch có 1 phụ nữ khác địu theo bé trai hơn 1 tuổi liên tục gõ cửa xe hơi cho đến khi tài xế xe hơi hạ kính. Người này đưa hẳn tay vào trong cửa xe để xin và chỉ rút tay ra khi đã được cho tiền. Thi thoảng 2 phụ nữ này tập trung lại đếm tiền, uống nước rồi tiếp tục tản ra đi xin.  
Nhiều tháng nay, tại cầu Calmette (hướng từ quận 1 sang quận 4) có một người đàn ông lớn tuổi ngồi vật vờ xin tiền từ sáng tới khuya. Ở vị trí người này ngồi có một chiếc dù được cột sẵn vào lan can cầu để che mưa nắng. Trên cầu Chữ Y (hướng quận 5 sang quận 8) cũng có một người đàn ông xin ăn, dùng cách lấy lòng thương hại của người đi đường khi để đầu trần đứng dưới mưa xin tiền.
Anh Hoàng Tuyên (ngụ quận 4) cho biết: “Nhìn dáng vẻ run cầm cập trong bộ đồ ướt sũng, nhiều người chạnh lòng rút tiền ra cho, có người còn cho nhiều tiền. Chính vì xin tiền quá dễ như vậy nên họ lợi dụng hoài, trận mưa nào cũng thấy đứng đó”.
Mọi năm, các nhóm xin ăn thường tập trung tại các giao lộ trong trung tâm thành phố, nay họ tản ra các quận - huyện vùng ven, nơi có giao lộ lớn và có thời gian chờ đèn tín hiệu giao thông lâu như giao lộ Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Thị Thập (quận 7), Tây Thạnh - đường D9 (quận Tân Phú); ngã tư Bốn Xã (quận Bình Tân)…
Đường dây nóng đã… nguội ngắt
Song song với việc đi tuần tra để phát hiện, đưa người ăn xin vào trung tâm bảo trợ xã hội, các cơ quan chức năng còn tiếp nhận thông tin từ người dân báo đến qua số điện thoại đường dây nóng.
Thế nhưng, ông Phạm Thành Nhân cho biết khi phát hiện người ăn xin trên đường, ông gọi đến các số đường dây nóng của Sở LĐTB-XH TPHCM để báo tin, nhưng không ai bắt máy. Gọi đến UBND các phường thì họ chỉ tiếp nhận rồi để đó, không thấy xử lý gì. 
Để kiểm chứng thông tin, chúng tôi cũng thực hiện nhiều cuộc gọi vào các số điện thoại mà trước đây Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐTB-XH) công bố trên báo để tiếp nhận thông tin từ người dân về nạn ăn xin.
Với số điện thoại 028.38292491, chúng tôi nghe có đổ chuông nhưng không có người bắt máy, còn số điện thoại 028.35553258 được báo là không tồn tại. Riêng số điện thoại di động 0903959929 thì chủ nhân số điện thoại này là ông Lê Chu Giang, nguyên Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐTB-XH), nhưng vì đã nghỉ hưu nên hiện không còn tiếp nhận thông tin này. 
Phóng viên liên hệ tới Sở LĐTB-XH để nắm thông tin về công tác chấn chỉnh tệ nạn ăn xin, và hỏi về việc bạn đọc phản ánh các số điện thoại đường dây nóng không liên lạc được.
Tuy nhiên, sau khi phóng viên để lại nội dung cần trao đổi và nhiều lần liên hệ, sở này vẫn chưa hồi đáp để Báo SGGP thông tin tới bạn đọc.
Lý do đưa ra là vì hiện Phòng Bảo trợ xã hội chưa có trưởng phòng, vì quy chế phát ngôn của sở và vì người phụ trách liên tục bận họp, bận tiếp đoàn khách nước ngoài nên chưa chuẩn bị được thông tin cung cấp cho báo (?!) 

Tin cùng chuyên mục