Tây Ninh đột phá đầu tư phát triển nông nghiệp

Là tỉnh có tiềm năng về đất đai, lao động và là vùng chuyên canh các loại cây lương thực, thực phẩm, ăn trái như mía, mì, mãng cầu…, Tây Ninh đã chọn phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) - nông nghiệp sạch như là bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Bước đầu hướng đi này đã thu được kết quả tích cực.
Tây Ninh đột phá đầu tư phát triển nông nghiệp
Cánh đồng mía theo mô hình mía sạch - ứng dụng NNCNC của Công ty Nông nghiệp Thành Thành Công ở xã Thành Long, huyện Châu Thành

Những con số ấn tượng

Theo Sở KH-ĐT tỉnh Tây Ninh, trong năm 2018, tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện các nhóm giải pháp được xem là đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội do  Bí thư Tỉnh ủy Trần Lưu Quang làm Trưởng ban, gồm giải pháp về đầu tư cơ sở hạ tầng, về nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch - ứng dụng NNCNC, về nguồn nhân lực và đột phá về phát triển du lịch. 

Tính đến nay, tỉnh đã thu hút được 57 dự án (DA) đầu tư vào nông nghiệp trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản với tổng vốn đầu tư lên đến 2.100 tỷ đồng, chiếm 1/3 tổng số vốn đầu tư trong nước vào tỉnh. Trong đó, đáng chú ý nhất là các DA xây dựng nhà máy chế biến rau, củ, quả có công suất 500 tấn/ngày; đầu tư chăn nuôi bò thịt công nghệ cao của Công ty CP Nutrivision, trên diện tích 94,24ha, tổng vốn 100 tỷ đồng tại xã Ninh Điền, huyện Châu Thành; DA nhà máy giết mổ gia súc công nghệ hiện đại trên diện tích 16ha tại xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu và DA chăn nuôi gà đẻ trứng thương phẩm của Công ty TNHH QL Việt Nam tại xã Mỏ Công, huyện Tân Biên với công suất 1 triệu quả trứng/ngày.

Còn theo đánh giá của Sở NN-PTNT tỉnh, kết quả bước đầu trong tái cơ cấu nông nghiệp theo mô hình NNCNC trên cây ăn trái đã mang lại hiệu quả kinh tế cao với doanh thu bình quân khoảng 300 triệu đồng/ha, tăng gấp 2-5 lần so với canh tác theo lối truyền thống. Trong đó, diện tích canh tác có ứng dụng NNCNC trên cây mãng cầu là 4.700ha, nhãn 3.300ha, xoài 2.300ha, chuối 1.700ha, đồng thời đã từng bước mở rộng diện tích trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP - đã chứng nhận được 2.090ha và rau được 168ha. 

Toàn tỉnh cũng đang có 39 trang trại chăn nuôi heo quy mô doanh nghiệp theo hình thức nuôi tập trung, có hệ thống máng ăn, uống tự động, hầm biogas để xử lý chất thải, kết hợp máy phát điện và một số công ty lớn đã đầu tư quy trình chăn nuôi tự động, khép kín với công nghệ lạnh, sản phẩm được hợp đồng bao tiêu với Công ty CP Nutrivision. Ngoài ra, có thể kể thêm DA ứng dụng dây chuyền sản xuất cá tra xuất khẩu có quy mô 300 tấn/năm của Công ty CP XNK thủy sản miền Đông. 

Gắn sản xuất với đầu mối tiêu thụ

Mặc dù có những kết quả bước đầu hết sức tích cực nhưng theo ông Võ Đức Trong, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn do nhận thức của người dân và doanh nghiệp còn sợ rủi ro nên chưa mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu, thói quen canh tác; nguồn vốn tín dụng hạn hẹp, trong khi nhu cầu đầu tư lớn, trong đó hạn mức tín dụng ưu tiên cho loại hình NNCNC chưa tương xứng; biến động thị trường quá nhanh, giá cả một số loại nông sản thấp kéo dài, sản xuất nhìn chung vẫn còn manh mún, thiếu liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ. 

Tuy vậy, với quan điểm xu thế nông nghiệp sạch là tất yếu không thể đảo ngược, đã từng bước mang lại những chuyển biến tích cực cho ngành nông nghiệp địa phương, cho nên Sở NN-PTNT tỉnh đã đề ra một số giải pháp cần tập trung thực hiện như: Chú trọng tổ chức lại sản xuất theo hướng an toàn, đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành theo chuỗi giá trị với các cây ăn trái chủ lực, có diện tích lớn như: mãng cầu, chuối, xoài, bưởi, thơm… hướng đến xuất khẩu hoặc làm nguyên liệu cho chế biến; xây dựng chính sách phù hợp để thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là các DA chuyên sâu về công nghệ có tính dẫn dắt nông dân cùng phát triển, giúp người nông dân tiếp cận và tăng hiểu biết về NNCNC, để qua đó chuyển đổi hình thức làm nông nghiệp từ truyền thống sang ứng dụng NNCNC.

Theo định hướng đó, Sở NN-PTNT tỉnh sẽ tiếp tục ký thỏa thuận hợp tác trong xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ rau, quả, thực phẩm (thịt bò, thịt heo, trứng) với Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) và làm đầu mối - bảo lãnh giới thiệu cho Saigon Co.op ký hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ sản phẩm xoài Úc, bưởi da xanh giữa Công ty TNHH MTV Thanh niên xung phong với các doanh nghiệp, HTX ở địa phương (trong đó có Công ty TNHH Sáu Như Một). Tỉnh sẽ ký thỏa thuận với Công ty TNHH XNK và phát triển công nghệ cao Bình Dương về đầu tư trồng mới và bao tiêu sản phẩm chuối Cavendish đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Tin cùng chuyên mục