Tập trung kéo giảm chi phí trong vận tải

Mặc dù đã có nhiều cải thiện nhưng chi phí cho dịch vụ logistics Việt Nam vẫn ở mức cao (khoảng 20,8% GDP) so với nhiều nước. 
Vận tải bằng đường bộ chi phí còn cao Ảnh: Thành Trí
Vận tải bằng đường bộ chi phí còn cao Ảnh: Thành Trí

Trong đó, chi phí vận tải chiếm tới 59%,  trong khi các nước phát triển chỉ 9-14%. Kéo giảm chi phí vận tải đang được các cơ quan liên quan tập trung thực hiện, tuy nhiên…

Chuyển biến chưa nhiều

Một trong những nguyên nhân khiến chi phí vận tải trong hoạt động logistics tăng cao là do hàng hóa được chuyên chở chủ yếu bằng đường bộ. Phương thức vận tải có chi phí cao hơn hẳn so với  đường thủy và đường sắt. Thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan đã có nhiều nỗ lực để cân đối lại cơ cấu vận tải nhưng chưa thu được kết quả như kỳ vọng. Là một trong những doanh nhân có thâm niên trong ngành vận tải hàng chục năm, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vận tải-Thương mại - Dịch vụ Vinh Quan, cho biết, hiện nay vận chuyển bằng đường thủy đang có bước phát triển.

Tuy nhiên yếu kém về kho bãi, công tác bốc xếp hàng, thời gian giao nhận hàng hóa kéo dài tại nhiều bến thủy đã không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp logictisc. Ông dẫn chứng sà lan của ông vận chuyển bằng đường thủy có khi cả tháng mới được một chuyến hàng (bởi thời gian bốc xếp, dỡ hàng mất tới 25 ngày). Thời gian nằm chờ hàng, chi phí ăn uống cho tài xế, và không quay đầu xe kịp để chở hàng khác đã làm tăng rất nhiều chi phí cho DN. Trong khi đường sắt thì lại gặp khó về các trạm trung chuyển hàng hóa, các ga thường rất nhỏ hẹp. Nên doanh nghiệp không mặn mà với hai loại hình vận tải này.

Hàng hóa tập trung chuyên chở nhiều bằng đường bộ song theo nhiều đơn vị vận tải, hiện nay hạ tầng vận tải đường bộ dù được đầu tư nhiều nhất nhưng vẫn còn thiếu và chưa theo kịp tốc độ phát triển của lưu lượng vận tải. Phí bảo trì đường bộ, phí cầu đường, cầu cảng đặc biệt là phí thuê bãi đậu xe liên tục tăng. Hiện nay các cảng ở TPHCM đều thiếu chỗ để đậu xe tải, phần lớn các doanh nghiệp đều phải thuê bãi đậu với giá cao từ 50-100 triệu/m2.

Đó là chưa kể, hoạt động vận tải này chưa được kết nối có hiệu quả, cách nay hơn 2 năm, tỷ lệ xe chạy “rỗng” chiều về lên tới khoảng 50%. Hiện nay do các DN logistics đã chủ động kết nối được với các bạn hàng ở các địa điểm khác nhau, nên tỷ lệ xe rỗng chạy một chiều đã giảm xuống còn 20-30%. Cuối tháng 12-2015, Bộ GTVT cũng đã cấp phép cho sàn giao dịch vận tải Vinatrucking đi vào hoạt động với kỳ vọng kết nối DN vận tải và DN có nhu cầu vận chuyển hàng. Thế nhưng, theo nhiều DN vận tải, gần như sàn này chỉ có DN ngoại tham gia vì họ có kinh phí làm marketing. Còn DN Việt chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ nên không đủ kinh phí để làm công tác này. 

   Phải quy hoạch lại…

Ông Bùi Văn Quản kiến nghị, để đưa hoạt động logistics thành ngành chủ lực trong phát triển kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ thì Chính phủ cần siết chặt hoạt động xe chở quá tải; quy hoạch cụ thể số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, tránh trường hợp mạnh ai nấy làm để rơi vào tình trạng cung vượt cầu. Đồng thời, quy hoạch lại các bến bãi đỗ, yêu cầu các cảng phải đầu tư nhiều chỗ đậu xe cho DN. Song song với đó là việc nâng cấp các bến bãi chứa hàng hóa, cải tiến công tác bốc xếp, dỡ hàng ở các bến cảng đường thủy và các trạm trung chuyển ở đường sắt. Đối với đường bộ thì giải quyết tình trạng kẹt xe. 

Nhiều đơn vị vận tải khác cho rằng, đối với lĩnh vực logistics, không có cơ sở vật chất đồng bộ và hiện đại thì khó có thể mang lại hiệu quả cao. Cụ thể, bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Cảng quốc tế Long An, cho biết, hệ thống hạ tầng hậu cần phục vụ logistics rời rạc, thiếu tính liên kết, khoảng cách từ các depot đến ICD, cảng biển quá xa, khiến gia tăng chi phí vận chuyển và thời gian lưu thông hàng hóa. Muốn cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả dịch vụ logistics, các cơ quan quản lý cần phối hợp trong việc quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, hợp lý hơn để rút ngắn khoảng cách vận chuyển. 

Theo kết quả thống kê, tổng diện tích của các trung tâm (TT) logistics hiện nay là không lớn (279,8ha). Trong đó, diện tích các trung tâm ở miền Nam là 265,1ha, chiếm tới 94,7% tổng diện tích các trung tâm trên cả nước. Chỉ duy nhất 1 trung tâm có diện tích rất lớn tới 250ha là TT logistics Cát Lái (TPHCM). Phần lớn các TT logistics chủ yếu làm dịch vụ hậu cần cho DN trong 1 tỉnh/thành phố. 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, cho biết hiện một số địa phương đã điều chỉnh, thay đổi quy hoạch phát triển không gian đô thị, quy hoạch GTVT. Theo các quy hoạch này, một số cảng đề nghị được bổ sung, điều chỉnh quy mô, có cảng được đề nghị di dời. Hiện Bộ GTVT đang phối hợp với các địa phương rà soát quy hoạch điều chỉnh, có cơ chế chính sách đặc thù để đảm bảo yêu cầu quy hoạch đồng bộ hệ thống cảng biển, hệ thống giao thông…giữa Trung ương và địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư phát triển cảng và hạ tầng giao thông tới cảng.

Nhiều địa phương trong đó có TPHCM đã và đang đầu tư mạnh cho hạ tầng. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông đến các khu cảng vẫn chưa được quan tâm thích đáng. Trong thời gian tới, các địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa cùng Bộ Giao thông Vận tải xây dựng hạ tầng kết nối đồng bộ đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, tạo động lực thúc đẩy phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp lớn tại Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương.

Tin cùng chuyên mục