Giám đốc Sở Công thương TPHCM Phạm Thành Kiên:

Tập trung hỗ trợ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp

Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đã đặt mục tiêu đến năm 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động, riêng  TPHCM - đầu tàu kinh tế lớn nhất nước, có ít nhất 500.000 DN vào thời điểm đó.
 Cùng với số DN thành lập mới, các hộ kinh doanh cũng trở thành đối tượng chính để hiện thực hóa con số nêu trên. Ngành công thương sẽ triển khai chủ trương này ra sao? Hộ kinh doanh được hưởng lợi gì khi lên DN?... Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, để làm rõ những nội dung trên. 
Tập trung hỗ trợ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp ảnh 1 Hộ kinh doanh cá thể, cửa hàng buôn bán nằm trong diện ưu tiên hỗ trợ phát triển thành doanh nghiệp. Ảnh: THÀNH TRÍ
 ° Phóng viên: Ông có thể cho biết quan điểm của sở về chủ trương chuyển đổi các hộ cá thể lên DN?
° Ông Phạm Thành Kiên: Theo tôi, chủ trương vận động hộ kinh doanh chuyển đổi sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp là chủ trương phù hợp với xu hướng phát triển, tạo động lực để doanh nhân TPHCM phát huy năng lực kinh doanh, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của đất nước.
° Hiện sở đã bắt tay triển khai rộng rãi chưa hay chỉ mới làm thí điểm. Nếu có thì kết quả đạt được ra sao?
° Ngay sau khi UBND TPHCM ban hành Quyết định 1482 vào ngày 27-3-2017 về Kế hoạch phát triển 500.000 DN đến năm 2020, Sở Công thương TP đã cùng các sở ngành, quận huyện tích cực triển khai các hoạt động để thực hiện kế hoạch. Về phạm vi, sẽ triển khai trên toàn thành phố nhưng tập trung vận động các hộ sản xuất, kinh doanh đủ điều kiện lên DN. 
Công việc cụ thể, Sở Công thương đã chỉ đạo Trung tâm Hỗ trợ và phát triển DN phối hợp các quận huyện gặp gỡ trực tiếp các hộ để tuyên truyền lợi ích của loại hình DN so với hộ cá thể, như thuận lợi về vấn đề vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; thuận lợi về tư cách pháp nhân khi tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh… Đến nay đã tuyên truyền được tại 5 quận với 1.000 lượt hộ cá thể tham dự (chủ yếu là những hộ có đủ điều kiện lên DN).
Qua công tác tuyên truyền, chúng tôi thấy rằng khi chuyển đổi mô hình lên DN, các hộ kinh doanh thường gặp khó khăn về kê khai và thực hiện hồ sơ thuế. Để hỗ trợ các hộ về vấn đề này, Sở Công thương phối hợp với Cục Thuế TP và sự hỗ trợ của Công ty TS24 cung cấp miễn phí phần mềm quản lý DN, thực hiện báo cáo thuế, quyết toán thuế cho DN. Đặc biệt, Trung tâm Hỗ trợ và phát triển DN đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện giúp thủ tục hành chính chuyển đổi DN trong vòng 2 ngày làm việc.
° Trên thực tế, những hộ kinh doanh đều đã được phân cấp cho các quận huyện quản lý, Sở Công thương sẽ phối hợp cùng các sở ngành và quận huyện ra sao để đạt hiệu quả tốt nhất?
° Như đã nói, Sở Công thương đã giao nhiệm vụ trực tiếp cho Trung tâm Hỗ trợ và phát triển DN đến từng quận huyện để tuyên truyền, vận động các hộ đủ điều kiện chuyển đổi mô hình lên DN. Cùng với công tác tuyên truyền là hướng dẫn, hỗ trợ giải pháp quản lý, thủ tục hành chính, miễn phí khi chuyển đổi các giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực công thương như kinh doanh khí LPG, CNG, LNG… cho các hộ khi chuyển đổi mô hình.
° Ông có thể cho biết những vấn đề khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai thực hiện là gì?
° Theo tôi, rào cản lớn nhất đối với đại bộ phận các hộ kinh doanh vẫn là tâm lý, họ nghĩ rằng DN là phải có quy mô lớn, phát sinh chi phí tổ chức quản lý, thực hiện các thủ tục về thuế… Do vậy, song song với việc đưa ra các giải pháp ban đầu để hỗ trợ miễn phí các phần mềm quản lý, chúng tôi tiếp thu ý kiến của các hộ để bổ sung thêm những giải pháp phù hợp. Tôi cho rằng, công tác tuyên truyền vận động phải được thực hiện thường xuyên và các nội dung tuyên truyền phải cụ thể, phù hợp với những khó khăn, vướng mắc của từng hộ kinh doanh. Đặc biệt phải giúp các hộ gia đình hiểu được ý nghĩa của việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang loại hình DN.
° TPHCM hiện có hơn 280.000 hộ kinh doanh cá thể ở nhiều ngành hàng, lĩnh vực khác nhau. Như vậy, việc chuyển đổi sẽ được thực hiện trên diện rộng hay chỉ tập trung vào một số lĩnh vực?
° Như đã nói, Sở Công thương sẽ cùng các quận huyện vận động đến các hộ sản xuất kinh doanh đủ điều kiện thành lập DN trên toàn địa bàn TP. Trong thời gian tới, ngoài việc vận động như nêu trên, Sở Công thương sẽ phối hợp với UBND các quận huyện vận động tiểu thương tại các chợ trên địa bàn chuyển đổi sang hình thức DN, nếu có đủ điều kiện.
° Là một trong những đơn vị chủ công thực hiện kế hoạch của TP, sở đã đưa ra những biện pháp gì để triển khai các chủ trương, chính sách của UBND TP trong việc hỗ trợ các DN thành lập mới nói chung và hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN nói riêng?
° Để triển khai các chủ trương, chính sách của UBND TPHCM trong việc hỗ trợ các DN thành lập mới, Sở Công thương đã triển khai các nhóm giải pháp cụ thể như sau: 
(1) Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực công thương để tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Hiện nay nhiều thủ tục của Sở Công thương đã ở cấp độ 3, cấp độ 4.
(2) Tiếp tục triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng - DN để hỗ trợ các DN tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng với lãi suất phù hợp, giúp DN duy trì, ổn định sản xuất kinh doanh.
(3) Triển khai chương trình kích cầu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ nhằm thúc đẩy DN đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, nâng cao trình độ công nghệ.
(4) Đẩy mạnh công tác hỗ trợ theo hướng các phòng, đơn vị thuộc sở chủ động đến DN để trao đổi các vấn đề DN cần hỗ trợ, chứ không để DN khi có khó khăn mới tìm đến Sở Công thương phản ánh. Như vậy đã chuyển đổi cách thức từ đợi DN sang tự tìm đến với các DN.
(5) Tham mưu thành lập Trung tâm Khởi nghiệp của thành phố nhằm tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ DN, hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ chuyển đổi mô hình hộ kinh doanh thành DN như hỗ trợ về thủ tục hành chính khi thành lập DN, thủ tục đầu tư, thủ tục thuế; hướng dẫn DN tiếp cận các cơ chế, chính sách của Trung ương, thành phố; hỗ trợ DN tìm hiểu công nghệ, chuyển giao công nghệ...
° Theo ông, việc chuyển đổi nếu thành công sẽ mang lại lợi ích, hiệu quả gì cho Nhà nước? Tương tự, với các hộ kinh doanh sẽ được gì từ chủ trương này?
° Đối với DN, việc chuyển đổi mô hình kinh doanh từ hộ cá thể thành DN, trước tiên mang lại lợi ích cho chính các DN như sẽ mở được chi nhánh, văn phòng đại diện để mở rộng phạm vi hoạt động; thuận lợi khi vay vốn đầu tư, tăng số lượng lao động để mở rộng quy mô sản xuất. DN sẽ tự tin và thuận lợi hơn trong giao dịch, cũng như tìm đối tác để liên kết.
Đối với nhà nước, khi DN mở rộng quy mô sản xuất sẽ ngày càng phát triển, tạo nên việc làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố; từ đó, TPHCM cũng từng bước xây dựng được đội ngũ DN lớn mạnh, cạnh tranh tốt hơn trong tiến trình hội nhập. 
° Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục