Tạo thị trường mỹ thuật, nhiếp ảnh lành mạnh

Ngày 6-12, tại Hà Nội, Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, Bộ VH-TT-DL đã ra mắt Trung tâm Giám định và triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh, với mong muốn chấm dứt tình trạng thật giả bất phân, góp phần giúp thị trường mỹ thuật trong nước trở nên minh bạch.

Trung tâm với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cùng sự phối hợp của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an, được ví như “trọng tài” trong công tác giám định, thẩm định tác phẩm mỹ thuật.

Tạo thị trường mỹ thuật, nhiếp ảnh lành mạnh ảnh 1  Làm tốt công tác giám định sẽ tăng thêm niềm tin của người dân với thị trường mỹ thuật, nhiếp ảnh. Ảnh: MINH AN
 Đòi hỏi cấp thiết

Chia sẻ với báo chí, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, cho biết, trước thực trạng tranh mạo danh tác giả, tranh sao chép không đúng quy định, tranh nhái phong cách tác phẩm, vi phạm bản quyền tác giả đang tác động xấu đến thị trường mỹ thuật Việt Nam. Nhu cầu cần có đơn vị làm công tác “trọng tài”, giám định tác phẩm mỹ thuật - nhiếp ảnh trở nên một đòi hỏi cấp thiết.

Theo thông lệ quốc tế, các cá nhân, tổ chức phi chính phủ sẽ đứng ra thực hiện công việc giám định tác phẩm mỹ thuật - nhiếp ảnh. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hiện nay không có đơn vị, cá nhân, tổ chức phi chính phủ nào đứng ra thực hiện công việc này. Từ đó, cục đã đề xuất với lãnh đạo Bộ VH-TT-DL bổ sung thêm chức năng giám định tác phẩm mỹ thuật - nhiếp ảnh cho Trung tâm Giám định và triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh.

Đại diện Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm cho biết, đã từng vận động nhiều tổ chức đứng ra thực hiện công việc giám định nhưng không ai muốn làm vì quá khó. “Trong khi xã hội không ai muốn làm, không ai chịu làm thì Nhà nước sẽ đứng ra làm một thời gian để công việc dần đi vào nề nếp; để minh bạch, công khai hóa thị trường mỹ thuật. Có thể một thời gian nữa, sẽ có cá nhân, tổ chức nào đó nhiệt tình đứng ra gánh vác”, ông Vi Kiến Thành nói. Hội đồng giám định của trung tâm đã định hình với nhiều tên tuổi uy tín trong giới mỹ thuật, nhiếp ảnh như: họa sĩ Lương Xuân Đoàn, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, nhà điêu khắc Vương Học Báo, nhà điêu khắc Lê Lạng Lương, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Quốc Khánh…

Theo đó, quy trình thực hiện giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh gồm: Tiếp nhận hồ sơ, trả lời hồ sơ (sau 7 ngày tiếp nhận), ký hợp đồng giám định, nhận tác phẩm cần giám định, trả lời kết quả giám định bằng văn bản sau 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận tác phẩm đề nghị giám định. Đối với vụ việc phải sử dụng công nghệ, kỹ thuật của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an thì thời gian trả kết quả giám định sẽ được thỏa thuận giữa 2 bên theo hợp đồng giám định. Kinh phí giám định bao gồm kinh phí trả cho hội đồng giám định và kinh phí để kiểm tra bằng công nghệ kỹ thuật, kinh phí mời chuyên gia khi cần thiết. Kinh phí này được thỏa thuận giữa trung tâm và tổ chức, cá nhân yêu cầu bằng hợp đồng.

Giám định không làm thay đổi tác phẩm

Bên cạnh yếu tố con người, tức là mời được các chuyên gia uy tín trong từng lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh vào hội đồng giám định, để đảm bảo sự chuẩn xác hơn nữa thì việc bắt tay với Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an được coi là tăng thêm nhiều phần sức nặng của kết quả giám định. 

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng vẫn bày tỏ băn khoăn về độ chính xác của việc đưa công nghệ vào giám định các tác phẩm mỹ thuật. Ông nêu dẫn chứng: “Với những bức tranh giám định mà không được phép lấy ra một phần vật chất trong đó hay trường hợp làm giả cổ - như lấy cục đá, viên gạch ở Tháp Chàm - về chất liệu thì đúng về niên đại cổ, nhưng sau lại được đục đẽo để tạo thành tượng cổ… thì xác định độ thật giả như thế nào?”. Ông cũng cho rằng trong việc giám định tác phẩm mỹ thuật thì cảm nhận chiếm vai trò khá quan trọng, vậy thắc mắc, khi thẩm định thuần trên máy móc có đảm bảo được sai số chính xác hay không?

Giải đáp lo lắng này, Thượng tá Đồng Đắc Thọ (Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an) khẳng định việc giám định không làm thay đổi tác phẩm. Việc giám định chuyên sâu có thể tổng hợp nhiều biện pháp, phương pháp giám định mà không tác động đến tác phẩm như so sánh mẫu dựa trên chữ ký, hình dấu, ký hiệu riêng của tác giả… là một ví dụ.

Cùng nhằm giải tỏa những băn khoăn này, ông Vi Kiến Thành cho biết, trước khi thành lập trung tâm, cục đã dự tính mua sắm trang thiết bị, máy móc; chuẩn bị chi phí đào tạo nhân lực; duy trì, sửa chữa máy móc phục vụ giám định. Tuy nhiên đây là cản trở lớn vì số tiền dự tính không hề nhỏ. May mắn, vấn đề này được giải quyết khi trung tâm nhận được sự hợp tác với cam kết đáp ứng mọi nhu cầu về khoa học công nghệ, xét nghiệm, kiểm tra của Viện Khoa học hình sự.

Theo lãnh đạo cục, ở Hàn Quốc, công tác giám định mỹ thuật có 15 trung tâm đảm trách và họ cũng có thâm niên hoạt động được 15 năm với con số tác phẩm được thẩm định khổng lồ. Tuy nhiên, chưa có trường hợp nào phải sử dụng tới máy móc trước khi đưa ra kết quả giám định. Song ở Việt Nam lại khác, khi mà độ tin cậy lẫn nhau thấp, mọi thứ đều có thể nghi ngờ, thì việc vào cuộc của Viện Khoa học hình sự là không thể tránh được.

Bắt đầu từ ngày 6-12, trung tâm giám định chính thức đi vào hoạt động theo hình thức dịch vụ công đáp ứng nhu cầu của đời sống mỹ thuật, nhiếp ảnh. Việc chính thức đi vào hoạt động, tiếp nhận tác phẩm cần giám định theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân được kỳ vọng sẽ góp phần tích cực làm thị trường mỹ thuật, nhiếp ảnh lành mạnh, công khai, minh bạch.

Tin cùng chuyên mục