Tạo nguồn lao động 4.0

Trong khi tỷ lệ thí sinh vào các trường dạy nghề còn rất khan thiếu thì hiện nay, nguồn nhân lực cũng như hoạt động dạy nghề ở nước ta lại đối mặt với nguy cơ bị sa thải và tụt hậu do quá trình tự động hóa, robot, công nghệ mới và tin học được ứng dụng ngày càng mạnh mẽ. 
Làm cách nào để người lao động chủ động thích ứng, không bị sa thải bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là câu hỏi không chỉ chính người lao động lo lắng mà còn làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách, các trường dạy nghề. Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Minh (ảnh), Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB-XH) về những giải pháp cho vấn đề này… 
Tạo nguồn lao động 4.0 ảnh 1
 ° Phóng viên: Thưa ông, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang và sẽ tác động như thế nào tới việc làm của người lao động?

° Ông NGUYỄN HỒNG MINH: Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và Việt Nam cũng sẽ không tránh khỏi xu thế này, bởi đây là một xu thế tất yếu. Mặc dù vẫn đang ở giai đoạn đầu nhưng đã đặt ra hàng loạt vấn đề về đào tạo nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. Điểm nổi bật của cách mạng công nghiệp 4.0 chính là các doanh nghiệp sẽ dần thay thế các khâu sản xuất giản đơn bằng máy móc và robot, ứng dụng công nghệ thông tin... để đạt năng suất chất lượng cao, đảm bảo độ tinh xảo và chính xác. Khi đó, tỷ lệ phụ nữ và lao động không có kỹ năng dễ bị sa thải nhất. Theo khảo sát thì có nhiều ngành bị ảnh hưởng nhưng có thể nhìn thấy rõ nhất là đối với ngành dệt may, da giày. Đây cũng là những ngành sử dụng nhiều lao động nhất. Theo tính toán thì có khoảng 86% lao động dệt may và 75% lao động trong ngành điện tử của Việt Nam bị tác động. 

Trên thực tế, hiện nay đã có nhiều tập đoàn lớn đặt nhà máy tại Việt Nam đang du nhập và thay thế những công việc đơn giản bằng hàng ngàn cỗ máy robot để gia tăng năng suất và khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, quá trình du nhập công nghệ, ứng dụng tự động hóa cũng sẽ là thách thức đối với các doanh nghiệp và lại mở ra cơ hội cho người lao động. Thách thức đối với doanh nghiệp đó là việc sử dụng công nghệ thông tin, tự động hóa như thế nào, vì vậy mà đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng rất cao, có đủ kiến thức, kỹ năng, trình độ sử dụng công nghệ mới. Rõ ràng ngay từ bây giờ, chúng ta phải tính tới việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng và đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp 4.0. Để đào tạo được nhân lực thì phải bắt đầu từ việc thay đổi chính sách, nội dung và chiến lược dạy nghề cho người lao động. 

° Vậy theo ông, giáo dục và dạy nghề phải nâng tầm ra sao?

° Các trường dạy nghề chính là nơi trang bị và cung cấp nguồn nhân lực thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0. Như vậy, chúng ta không thể duy trì cách đào tạo nghề, đào tạo nhân lực theo phương pháp truyền thống. Dạy nghề đang đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ cả về chất lượng, nội dung đào tạo lẫn thiết bị, máy móc công nghệ. Các tiêu chuẩn cho học viên cũng thay đổi, trong đó ngoại ngữ là một thế mạnh để tiếp thu và sử dụng được công nghệ mới. Để tiếp cận các doanh nghiệp áp dụng công nghiệp 4.0, các trường trong hệ thống đào tạo nghề hiện nay cần đầu tư thiết bị để đào tạo nhân lực ở lĩnh vực tự động hóa, đặc biệt là đối với các nghề điện công nghiệp, cơ điện tử và cơ khí… Mỗi sinh viên trường nghề khi ra trường cần phải nắm chắc hai thứ “bảo bối” quan trọng là ngoại ngữ và kỹ năng làm chủ công nghệ. Yêu cầu trường dạy nghề tự chuyển mình để thích ứng cũng đồng nghĩa giáo viên dạy nghề phải tự đổi mới. Nếu không có sự thay đổi mạnh mẽ thì công tác giáo dục nghề nghiệp sẽ đứng trước nguy cơ lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu. 

Tôi cho rằng, sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0, máy móc thay thế sức lao động của con người cũng mở ra nhiều cơ hội mới cho người lao động, đặc biệt là sẽ hình thành một sự dịch chuyển về nguồn lực lao động. Sẽ có những nghề cũ mất đi và nhiều nghề nghiệp mới sẽ xuất hiện. Danh mục ngành nghề đào tạo cần phải điều chỉnh, cập nhật. Giải pháp để đổi mới giáo dục dạy nghề tại Việt Nam trong cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay là phải đổi mới về cơ chế chính sách, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đổi mới hoạt động đào tạo. 

° Tuy nhiên, phần lớn lao động ở Việt Nam hiện nay lại chỉ là lao động phổ thông, trong khi lao động tham gia học nghề rất ít. Vậy giải pháp nào giải quyết lực cản này?

° Để giải quyết bài toán này, việc quan trọng là nâng cao nhận thức của toàn xã hội về đào tạo nghề, giáo dục nghề nghiệp. Trên thực tế hiện nay, nhiều lao động qua đào tạo nghề đang có mức thu nhập cao và doanh nghiệp luôn săn đón. Có tới 70% học viên có việc làm ngay sau khi ra trường, một số nghề có 90% - 100% sinh viên ra trường có việc làm, thu nhập tốt. Vài năm gần đây, xã hội cũng bắt đầu có những thay đổi nhận thức về học nghề, đã có nhiều thí sinh sau khi tốt nghiệp THPT không thi đại học mà đi học nghề, cũng có nhiều người sau khi tốt nghiệp đại học lại đi học nghề... 

Trong năm 2017, để nâng cao chất lượng dạy nghề và chuẩn bị nguồn nhân lực, Chính phủ đã giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục dạy nghề cho Bộ LĐTB-XH (trừ các ngành và trường trung cấp, cao đẳng sư phạm). Cũng trong năm nay, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp chính thức tuyển sinh và hoạt động theo Luật Giáo dục nghề nghiệp. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Bộ LĐTB-XH đã triển khai, sắp xếp lại bộ máy quản lý. Về kết quả tuyển sinh, tính đến tháng 9-2017 đã đạt 1.381.355 người. Kết quả tuyển sinh cho thấy bước đầu đã có sự thay đổi nhận thức của xã hội, của cha mẹ học sinh và cá nhân học sinh khi quyết định chọn nghề nghiệp tương lai qua con đường học nghề, lập nghiệp. Kỹ năng nghề nghiệp của học sinh, sinh viên tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được nâng lên. Lao động qua đào tạo nghề tham gia vào hầu hết các lĩnh vực, đảm nhận được các vị trí, công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện (như trong lĩnh vực viễn thông, dầu khí, cầu đường...). Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã có 395 trường cao đẳng, 545 trường trung cấp và 1.039 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, bố trí rộng khắp trên phạm vi cả nước. 

° Giải pháp cho cả hệ thống đào tạo nghề trong thời gian tới là gì, thưa ông?

° Theo tôi, cách mạng công nghiệp 4.0 là một xu thế tất yếu và để chủ động tiếp ứng thì phải bắt đầu từ việc đào tạo nghề cho lao động 4.0. Vì vậy trong thời gian tới, giáo dục nghề nghiệp sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống cơ chế quản lý nhà nước về dạy nghề. Trước hết là phải rà soát sắp xếp mạng lưới cơ sở dạy nghề theo hướng đầu tư hình thành mạng lưới các trường chất lượng cao. Triển khai xây dựng các chuẩn đầu ra, trước mắt tập trung vào các nghề trọng điểm.

Vấn đề mấu chốt và đổi mới nhất vẫn là tập trung tuyển sinh, tổ chức đào tạo theo vị trí làm việc tại doanh nghiệp. Theo đó, cơ sở dạy nghề chủ động xây dựng chương trình đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp, tổ chức đào tạo tại doanh nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp đủ điều kiện trực tiếp tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc. Tăng cường quản lý, thực hiện có hiệu quả các chương trình đào tạo sử dụng ngân sách nhà nước, thống nhất thực hiện theo cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ theo kết quả đầu ra. Chỉ tổ chức đào tạo khi dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của việc làm sau khi học xong.

° Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục