Tạo không gian mua bán hàng đặc sản vùng, miền

Thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM, Sở Công thương TPHCM đang triển khai kế hoạch tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM với các tỉnh, thành, dự kiến diễn ra trong 3 ngày, từ 23 đến 25-11 tới đây tại Trung tâm Thương mại Triển lãm và Hội nghị quốc tế Việt Nam (VN - ITECC), TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre.
Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM với các tỉnh, thành thường thu hút đông đảo doanh nghiệp, người dân tới tham quan, ký kết hợp tác mua bán các đặc sản vùng miền. Ảnh: THÀNH TRÍ
Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM với các tỉnh, thành thường thu hút đông đảo doanh nghiệp, người dân tới tham quan, ký kết hợp tác mua bán các đặc sản vùng miền. Ảnh: THÀNH TRÍ

Một trong những nội dung quan trọng được đặt ra tại hội nghị kết nối năm nay là TPHCM sẽ tổ chức các hội thảo chuyên đề để tìm giải pháp sơ chế tại nguồn đối với các mặt hàng nông sản cung ứng vào thị trường TPHCM nhằm giảm thiểu lượng rác thải. Tính đến ngày 14-9, đã có 155 doanh nghiệp (DN) đến từ 7 tỉnh, thành đăng ký tham gia. 

Sơ chế nông sản tại nguồn 

Mục đích của hội nghị năm nay là tạo không gian cho các DN và nhà phân phối tìm kiếm cơ hội hợp tác để tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa và hướng đến xuất khẩu; tạo điều kiện để nông dân, các tổ hợp tác, HTX nông - lâm - ngư nghiệp tiếp cận, kết nối với các nhà phân phối sản phẩm trong và ngoài nước. Qua đó, thúc đẩy hiệu quả và chất lượng hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp các địa phương, hỗ trợ hình thành kênh phân phối sản phẩm nông sản đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP…

Đây cũng là dịp để TPHCM tiếp tục tìm kiếm nguồn hàng đặc sản trên cả nước cung cấp cho thị trường TP, phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Kỷ Hợi 2019, bổ sung nguồn cung hàng cho chương trình bình ổn thị trường. Mặt khác, hội nghị cũng góp phần thúc đẩy chuỗi liên kết để đưa nguồn hàng có giá cả hợp lý, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm vào bếp ăn tập thể tại các KCN-KCX, xí nghiệp có nhiều công nhân lao động. Chương trình đồng thời kết nối giữa các DN TPHCM và DN địa phương liên doanh, liên kết trong đầu tư sản xuất, tạo tiền đề xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa, thực hiện hiệu quả chương trình bình ổn thị trường tại TP. 

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, hội nghị sẽ tập trung hỗ trợ, ưu tiên thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa đặc sản, đặc trưng của các DN, HTX, hộ cá thể nhỏ lẻ ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Tây Bắc... và các sản phẩm đạt chuẩn an toàn thực phẩm, nuôi trồng, sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP và HACCP…

Dự kiến, hội nghị kết nối năm nay sẽ có khoảng 500 khách mời là lãnh đạo của các bộ ngành, tỉnh, thành và DN các địa phương. Ngay sau lễ khai mạc (ngày 23-11) là hội thảo chuyên đề “Giải pháp sơ chế tại nguồn đối với các mặt hàng nông sản cung ứng vào thị trường TPHCM”. Song song đó là các hoạt động tiếp xúc, giải đáp, kết nối giữa các nhà phân phối và đơn vị cung ứng tiềm năng; tiếp xúc giữa các chợ đầu mối, chợ truyền thống với các đơn vị cung ứng. 

Tăng cường kết nối

Hoạt động xuyên suốt của hội nghị là triển lãm giới thiệu sản phẩm đặc sản, đặc trưng của các địa phương đạt chuẩn an toàn thực phẩm. Không gian trưng bày hàng hóa được chia thành 2 khu là khu vực gian hàng địa phương sẽ do sở công thương của các tỉnh, thành đăng ký, chủ động trang trí và trưng bày sản phẩm. Mỗi cụm gồm 4 - 8 gian hàng tiêu chuẩn; khu vực gian hàng DN TPHCM sẽ trưng bày các sản phẩm chủ lực của TP, sản phẩm uy tín và có tiềm năng xuất khẩu. 

Trong phần kết nối, sở công thương các tỉnh, thành sẽ rà soát, lập danh sách các DN uy tín để cung cấp cho TPHCM và đăng trên website www.ketnoicungcau.vn; Sở Công thương TPHCM cũng tập hợp và cung cấp danh sách các sản phẩm, DN uy tín để đôn đốc các hệ thống phân phối trên địa bàn TP tìm hiểu thông tin, lựa chọn các nhà cung ứng tiềm năng. Sau khi xem xét, tìm hiểu sản phẩm thực tế tại hội nghị, các đơn vị tiến tới ký kết biên bản ghi nhớ, ký kết hợp đồng…

Theo Sở Công thương TPHCM, tính đến ngày 14-9 đã có 155 DN của 7 tỉnh, thành cả nước đăng ký tham gia hội nghị. Sở công thương các tỉnh, thành đang tổ chức các hoạt động quảng bá, thu hút thương nhân chợ đầu mối, chợ truyền thống và người tiêu dùng đến tham quan, tìm hiểu hàng hóa. Để tạo sự thuận lợi trong việc di chuyển, ban tổ chức sẽ bố trí 15 chuyến xe buýt đưa DN phân phối, thương nhân tại các chợ trên địa bàn TPHCM tham gia hội nghị. Cụ thể, tại mỗi chợ đầu mối là Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức sẽ có 5 chuyến xe đưa thương nhân đi dự VN - ITECC và ngược lại.

Lý giải về việc tổ chức hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa tại tỉnh Bến Tre, thay vì tổ chức tại TPHCM như nhiều năm trước, đại diện Sở Công thương TPHCM cho hay, Bến Tre là đầu mối giao thương giữa TPHCM với các tỉnh, thành khác ở khu vực Tây Nam bộ. Bến Tre cũng đồng thời là một trong những vùng nguyên liệu cung ứng các mặt hàng nông sản, thực phẩm rất đa dạng, phong phú cho thị trường TPHCM. Do vậy, việc tổ chức tại tỉnh Bến Tre sẽ tạo nhiều cơ hội cho các hộ sản xuất, trang trại ở vùng Tây Nam bộ tham gia trưng bày và giới thiệu hàng hóa. Thông qua hội nghị, TPHCM có thể phổ biến về chủ trương sơ chế hàng nông sản tại nguồn của TP, mong muốn sẽ thu hút được nhiều nhà vườn tham gia hiến kế để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao nhất. 

DN của TPHCM và các tỉnh, thành có nhu cầu tham gia Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa năm 2018 có thể đăng ký với Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương TPHCM, hoặc tại sở công thương các tỉnh, thành để được hướng dẫn chi tiết.

Tin cùng chuyên mục