Tạo hiệu ứng để cả xã hội nói không với tham nhũng

Singapore cấm 3 đời quan chức tham nhũng tham gia vào khu vực công. Các quan chức này sau khi thụ án tù trở về, dù còn trẻ cũng không được tiếp tục làm việc trong khu vực công. Không những thế, con và cháu cũng bị cấm tham gia khu vực công...

Việc thực hiện nghiêm túc cơ chế công khai, minh bạch, trong đó có việc công khai vi phạm sẽ khiến các sai phạm của cán bộ, đảng viên không thể che giấu được. 

Thực tế, công khai vi phạm là một biện pháp cụ thể của cơ chế giám sát về mặt xã hội đối với cơ quan công quyền, đã được nhiều nước áp dụng. Ở đó, sai phạm, nhất là về tiêu cực, tham nhũng, sẽ được công khai trên các cổng thông tin điện tử. Bất kỳ người dân thường nào cũng dễ dàng đọc được.

Chẳng hạn, Singapore được đánh giá một đất nước “rất sạch”, vì ở nước họ thực hiện nghiêm các hình thức xử lý vi phạm, chế tài về kinh tế (tịch thu, sung công tài sản tham nhũng). Tuy nhiên, điều “kinh khủng” nhất làm cho công chức nước này không dám tham nhũng là việc thực hiện cơ chế công khai, minh bạch các sai phạm.

Thứ nhất, họ cho công khai vĩnh viễn, toàn bộ bản án đối với các quan chức tham nhũng bị tù giam trên các cổng thông tin điện tử. Qua đó, bất cứ người dân nào cũng có thể tra cứu “ông đó thời còn làm quan chức đã vi phạm ra sao, bị xử lý như thế nào”.

Thứ hai, họ cấm 3 đời quan chức tham nhũng tham gia vào khu vực công. Các quan chức này sau khi thụ án tù trở về, dù còn trẻ cũng không được tiếp tục làm việc trong khu vực công. Không những thế, con và cháu cũng bị cấm tham gia khu vực công. Có nghĩa là, 3 thế hệ người vi phạm không được làm chính khách, không được tranh cử, không được làm quan thuế, thậm chí làm “lính quèn” cũng không được.

Chính phủ điện tử ở nước họ đảm bảo giám sát, thực hiện hữu hiệu bản án đạo lý này. Bản án tham nhũng của quan chức tham nhũng được mặc định trong hồ sơ lý lịch và những người bị cấm liên quan khi nộp hồ sơ đăng ký làm việc ở khu vực công sẽ bị từ chối ngay.

Việc cấm 3 đời như thế còn khiến con, cháu của quan tham oán thán vì đời cha vi phạm, đời con, đời cháu bị mất danh dự và tước đi cơ hội làm việc tại các cơ quan công quyền. Suy nghĩ “hy sinh đời bố, củng cố đời con” hoàn toàn không hề tồn tại ở đất nước họ.

Như vậy, quan tham dù đã thực hiện xong trách nhiệm pháp lý đối với các sai phạm là đã thụ án xong, đã bị xử lý về kinh tế thì vẫn phải gánh chịu một bản án khác. Đây là bản án đạo lý, có giá trị cao hơn bản án pháp lý.

Việc thực hiện nghiêm túc cơ chế công khai, minh bạch nêu trên cũng sẽ dần dần đảm bảo 4 không “không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, không cần phải tham nhũng, không được tham nhũng” và tạo hiệu ứng cho toàn xã hội nói không với tham nhũng.

Bắt đầu từ gia đình không ăn cắp vặt, đến trường thì không lấy đồ chơi của bạn, ra xã hội thấy đồ đánh rơi không len lén đút túi và đặc biệt, quan chức “nói không với tham nhũng”.

Tin cùng chuyên mục