Tạo dựng hình ảnh công chức chuyên nghiệp

Gần đây, xuất hiện một hiện tượng “soi cán bộ” trên mạng xã hội, dường như các hành vi, hành động, thái độ, diện mạo và các ứng xử của họ được mổ xẻ trên mạng mang cả ý nghĩa tích cực và tiêu cực.

Có những cán bộ được dân khen, nhưng rất nhiều bị chê, kể cả việc ném đá công chức rất hằn học như là một định kiến bất kể đúng sai. Chính điều này gây ra cho nhân viên công quyền nhà nước, nhất là những người tiếp xúc trực tiếp trước dân tâm lý ngán ngại, dè chừng, thậm chí bị ức chế.

Vì vậy, có địa phương đã ban hành quy định cấm, không cho quay phim, ghi âm, chụp ảnh trong khi làm việc khiến cho quan hệ giữa cơ quan công quyền và người dân trở nên căng thẳng, khoảng cách giữa dân và cán bộ có nguy cơ dãn cách, hiệu quả công việc giảm đi.

Thẳng thắn mà nói, một bộ phận cán bộ, công chức nhà nước có vấn đề không ổn về tư thế, tác phong và lối sống trước dân. Họ thể hiện cái gọi là “quan dạng”, tức là muốn tạo ra sự khác biệt để chứng tỏ mình là lãnh đạo, là người có quyền ra lệnh, ban phát. Hình ảnh thường thấy là đi đứng khệnh khạng, nói với dân nhát gừng, không thưa gửi, thậm chí to tiếng lấn át, nạt nộ, vung tay chém gió. Họ tự cho mình cái quyền nói ra là đúng, là chân lý mà không cần phải phân trần, thuyết phục. Điều này rất hay xảy ra khi đối diện với họ là những người “thấp cổ bé họng”.

Nhiều người có thể cố tình hay vô ý tạo ra cho mình một sự khác biệt quá đáng. Người cán bộ mà tay đeo đồng hồ đắt tiền, ăn vận quần áo hàng hiệu, tóc chải keo óng mượt, đi giày bóng loáng, trên miệng phì phèo xì gà có giá vài triệu xuất hiện ở nơi bà con lao động nghèo rơi vào cảnh ngặt nghèo như bị giải tỏa, hay nơi tiếp dân đang khiếu kiện thì quả thật rất khó coi.

Ai đó sẽ nói, họ có tiền, việc sử dụng ra sao là quyền của họ. Tuy nhiên, điều đó không thuyết phục. Bởi vì người dân họ rất tinh và không thể không đặt ra câu hỏi lương ông ấy là bao nhiêu mà hút điếu xì gà giá hàng triệu đồng, đeo đồng hồ có giá hàng trăm ngàn đô la Mỹ?

Cứ cho là anh chính đáng vì đó là tài sản thừa kế, nhưng với hình ảnh phản cảm như vậy vẫn là thiếu tế nhị, thiếu bản lĩnh chính trị và kém tầm văn hóa. Chưa kể nhiều cán bộ do cố ý hay bất cẩn sử dụng quyền lực của mình phục vụ cho gia đình, bạn bè, chẳng hạn việc sử dụng xe công đi lễ hội, thăm thú chùa chiền, lợi dụng vị thế chính trị giành quyền ưu tiên phục vụ để khỏi phải xếp hàng, bỏ qua các khâu tuần tự của quy trình hành chính như làm giấy tờ nhà đất, đóng thuế…

Tất cả những hành vi đó chắc chắn mang lại cho họ cái lợi về thời gian, tiền bạc. Song, cái mất thì lớn hơn rất nhiều, đó là uy tín, danh dự và hình ảnh. Gần đây một vị bộ trưởng do sơ suất (hãy đồng ý như thế) đã để cho xe mang biển số xanh, giấy phép đặc biệt vào đón vợ con tận chân cầu thang máy bay. Điều ấy đã làm suy giảm đi hình ảnh, uy tín mà vị bộ trưởng này bấy lâu nay dày công xây dựng và giữ gìn.

Ở một góc khác, khá nhiều cán bộ lại tỏ ra quá xuề xòa, áo bỏ ngoài quần, đi dép tổ ong, khi nói chuyện với dân thì bỗ bã, gác chân lên bàn, thậm chí khi nói chuyện lâu lâu lại chêm vài “tiếng đệm” vào. Chả biết từ bao giờ, trong một bộ phận cán bộ hình thành nên một kiểu tư duy truyền thống rằng xuề xòa như thế mới gần gũi với quần chúng, được quần chúng thương yêu, dễ làm việc. Quan niệm ấy đã xưa cũ lắm rồi. Ngày nay đòi hỏi mỗi công chức cho dù là cấp xã - phường thì cũng là đại diện cho chính phủ cấp địa phương trước dân.

Cả hai phong cách quan dạng hay xuề xòa đều không đúng với vai trò của người đại diện cho cơ quan công quyền. Khi chính phủ được coi là bộ máy thống trị, ban phát, chỉ bảo, dạy dỗ thì sẽ nảy sinh ra những tư tưởng quan liêu, bề trên, quan cách, xa dân. Nhưng tình hình nay đã đổi khác rồi. Bộ máy công quyền đã thay đổi chức năng, chuyển từ bộ máy đứng trên dân, bên ngoài dân sang bộ máy phục vụ nhân dân. Bởi nói cho cùng, bộ máy công chức nhà nước là người được dân ủy quyền thay mặt điều hành giải quyết việc công và hưởng lương từ tiền thuế của dân. Do vậy, hình ảnh của người đại diện phải khác đi sao cho thân thiện, gần gũi, cởi mở nhưng đủ lịch lãm, tế nhị và tự trọng.

Đừng vội lên án mạng xã hội. Chính nhờ nó mà dân biết nhiều hơn về đội ngũ công chức mà mình trả lương. Công chức qua đó cũng biết để tự sửa mình. Cho nên, nếu biết dùng đúng, mạng xã hội chính là công cụ giám sát tốt, như các nước khác đang làm.
Lâu nay, chúng ta đào tạo cán bộ thiên về bồi dưỡng chính trị, trình độ nghiệp vụ, nhưng thiếu hẳn những kỹ năng cơ bản của một công chức nhà nước. Nhiều cán bộ của ta rất lúng túng không biết phải ứng xử ra sao khi xuất hiện trong các hội nghị, chiêu đãi, lễ ký kết có người nước ngoài, rất nhiều quan chức xuất hiện trên truyền hình không biết thắt cà vạt sao cho đẹp, cán bộ địa phương gặp gỡ dân trong trạng thái bình thường hay cả khi có sự cố không biết phải làm sao cho tròn vai. Nhiều trường hợp đã “phạm sai lầm” là do nhận thức chưa tới.

Ở các nước có các trường đào tạo công chức nhà nước rất bài bản, chẳng hạn ở Singapore có Trường Hành chính công Lý Quang Diệu; ở Malaysia có 19 trường đại học hành chính - quản trị; ở Trung Quốc có trường đào tạo cán bộ chính quyền các cấp tại Thượng Hải. Những nơi đó, họ mời người đến dạy lãnh đạo cách xếp đĩa muỗng, cách cầm ly trong một buổi tiệc chiêu đãi. Trong lúc thừa hành công vụ, những công chức của Singapore xuất hiện luôn trong tư thế đĩnh đạc, lịch sự và đầy tự tin. Đó là kết quả của một quá trình đào tạo, vun đắp đội ngũ công chức chuyên nghiệp được khởi sự từ năm 1970.

Người dân biết về một bộ máy công chức thông qua những con người cụ thể, là một cán bộ phường, một nhân viên thuế, điện lực, một cảnh sát giao thông… Do vậy, việc tạo dựng hình ảnh đẹp của công chức không chỉ là cho cá nhân các công chức ấy mà chính là cho cả bộ máy công quyền mà ở vị trí đó, thời điểm đó anh đang là người đại diện. Trong bối cảnh hiện nay, việc Thủ tướng ban hành đề án “Văn hóa công vụ” để công chức và người dân gần nhau, hiểu nhau hơn là rất cần thiết.

Tin cùng chuyên mục