Tạo cơ chế công bằng xuất bản sách giáo khoa

Sáng 5-3, Đoàn đại biểu Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có buổi làm việc với Sở GD-ĐT TPHCM về thực hiện chính sách pháp luật trong xuất bản, in và phát hành sách giáo khoa (SGK) phổ thông giai đoạn 2012-2017. 

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết TP đang lưu hành 2 loại hình SGK, gồm: SGK do Bộ GD-ĐT chủ trì biên soạn (từ lớp 1 đến lớp 12) và sách theo mô hình trường học mới VNEN (được áp dụng thí điểm từ năm học 2014-2015 đến nay tại 63 trường tiểu học trên địa bàn TP). 

Đối với SGK do Bộ GD-ĐT chủ trì biên soạn, hàng năm Sở GD-ĐT đều tổng hợp và cung cấp số liệu học sinh cho NXB Giáo dục Việt Nam tại TPHCM tiến hành in ấn, thông qua Công ty Sách và thiết bị trường học và các hệ thống nhà sách, đơn vị phát hành sách đưa SGK đến tay học sinh. 

Đối với sách theo mô hình trường học mới VNEN, đầu mỗi năm học, Sở GD-ĐT TP thống kê số lượng học sinh, đăng ký với Bộ GD-ĐT. Sau khi tiến hành in ấn, Bộ GD-ĐT gửi sách trực tiếp về các phòng GD-ĐT quận, huyện để phân phối sách đến học sinh. Từ đó nảy sinh tình trạng học sinh làm mất hoặc muốn mua thêm SGK theo chương trình này không thể mua bên ngoài nếu không đăng ký trước ở trường học. 

Theo Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM, trong giai đoạn 2012-2017, sở này đã thanh tra, kiểm tra 155 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành, trong đó xử lý vi phạm hành chính 75 trường hợp vi phạm với tổng số tiền xử phạt hơn 1,8 tỷ đồng. Trong đó, tình trạng in lậu đã và đang diễn ra trên phạm vi rộng, có xu hướng ngày một gia tăng với các thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Tại buổi làm việc, Sở Công thương TPHCM đặt vấn đề về tính khách quan, công bằng trong cạnh tranh giữa các tổ chức, cá nhân trong biên soạn SGK, khi Bộ GD-ĐT vừa là cơ quan tổ chức biên soạn vừa chịu trách nhiệm phê duyệt và ban hành. Việc chỉ có một đơn vị độc quyền có thể dẫn đến nguy cơ xảy ra các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền gây hạn chế cạnh tranh, khó giảm giá thành SGK, nâng cao chất lượng sách giữa các nhóm tác giả biên soạn, khiến người tiêu dùng không có cơ hội chọn lựa.    

Để đảm bảo tính cạnh tranh trong lĩnh vực biên soạn, xuất bản, in và phát hành, các đại biểu kiến nghị nên có cơ chế khuyến khích các nhà xuất bản, cơ quan, tổ chức được cấp phép xuất bản tham gia vào việc khai thác bản thảo SGK đã được phê duyệt để biên tập, in ấn và phát hành. Cơ chế cạnh tranh này sẽ tạo động lực thúc đẩy các NXB tạo ra các bộ SGK có hình thức đẹp, sinh động, giá cả hợp lý, thuận tiện cho người tiêu dùng trong việc tiếp cận sản phẩm.

Tin cùng chuyên mục