Tạo chuyển biến sâu rộng trong sản xuất và tiêu dùng hàng Việt

Năm 2009, lần đầu tiên Bộ Chính trị phát động Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm khơi gợi ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tinh thần tự tôn dân tộc; góp phần quan trọng vào sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội trước những thời cơ và thách thức từ bối cảnh nước ta đang tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. 



Với vị thế là đầu tàu kinh tế của cả nước, 10 năm qua, TPHCM đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để thực hiện cuộc vận động đạt kết quả cao nhất.

Kiên trì với 5 nhóm giải pháp Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm, thực hiện Thông báo kết luận số 264 ngày 31-7-2009 của Bộ Chính trị về tổ chức Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) và Chỉ thị số 13 ngày 1-9-2009 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định số 1436 về chương trình hành động của TPHCM thực hiện CVĐ trên địa bàn với 5 nhóm giải pháp về thông tin, tuyên truyền, vận động; kết nối doanh nghiệp (DN) với thị trường tiêu thụ; nâng cao năng lực cạnh tranh của DN; triển khai chương trình khuyến khích sử dụng hàng Việt; kiểm tra, kiểm soát và quản lý thị trường. Trong suốt 10 năm qua, TPHCM đã kiên trì thực hiện 5 nhóm giải pháp trên; trong đó mỗi năm đều tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện, rút kinh nghiệm, điều chỉnh, đề xuất thêm nhiều giải pháp, cách làm mới phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát sinh để xây dựng kế hoạch triển khai chương trình hành động trong năm tiếp theo ngày một hiệu quả và thiết thực.
Tạo chuyển biến sâu rộng trong sản xuất và tiêu dùng hàng Việt ảnh 1 Chọn mua hàng Việt tại Co.opmart Cống Quỳnh           Ảnh: CAO THĂNG
Các hoạt động thông tin, tuyên truyền, vận động hưởng ứng CVĐ được triển khai từ cấp TP đến các cấp cơ sở và lan tỏa theo chiều sâu đến các khu dân cư, chợ truyền thống, trường học vùng sâu, vùng xa. Trên địa bàn quận huyện, công tác tuyên truyền được tổ chức thực hiện dưới nhiều hình thức sinh động, cổ động trực quan, lồng ghép trong các buổi họp tổ dân phố, buổi sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể... Gắn với các phong trào thi đua yêu nước và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Công tác thông tin, tuyên truyền, vận động còn được triển khai thông qua hoạt động của các cơ quan đoàn thể như Thành đoàn TPHCM và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam TPHCM. 
Ngoài ra, công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm Việt, DN Việt được thực hiện lồng ghép trong thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường (BOTT) trên các phương tiện truyền thông; thực hiện chuyên trang BOTT định kỳ mỗi thứ 2 hàng tuần trên trang 9 Báo Sài Gòn Giải Phóng; quảng bá logo miễn phí cho DN BOTT trên trang Doanh nghiệp và Thị trường Báo Sài Gòn Tiếp Thị và trên mục Câu chuyện thị trường vào sáng thứ 3 hàng tuần trên kênh HTV9, Đài Truyền hình TPHCM...   Ở nhóm giải pháp về kết nối DN với thị trường tiêu thụ thông qua phát triển hệ thống phân phối và tổ chức các hoạt động xúc tiến, đã góp phần nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cả về số lượng lẫn chủng loại, chất lượng hàng hóa và dịch vụ tiện ích. Đến nay, TPHCM có 239 chợ, 211 siêu thị, 48 trung tâm thương mại  và 2.360 cửa hàng bán lẻ hiện đại bao phủ rộng khắp địa bàn 24 quận huyện. Trong đó, DN nội địa vẫn chiếm ưu thế với tỷ lệ 72% trong hệ thống siêu thị, 58% hệ thống trung tâm thương mại, 67% chuỗi cửa hàng tiện lợi. Theo khảo sát của Sở Công thương TPHCM, tỷ lệ hàng Việt Nam bày bán tại siêu thị, cửa hàng tiện ích thuộc các hệ thống thương mại lớn trên địa bàn TP đạt bình quân khoảng 90%. Đồng chí Lê Thanh Liêm nhận định, thông qua các nhóm giải pháp, chương trình hành động đã truyền tải sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về mục đích và ý nghĩa của CVĐ; qua đó khơi dậy tinh thần tự tôn, lòng tự hào dân tộc, giúp thay đổi nhận thức và thói quen mua sắm, tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong nước của đại đa số người dân TP. Các hoạt động của chương trình hành động đã góp phần nâng cao nhận thức của DN về tầm quan trọng của việc khai thác tốt thị trường trong nước gắn với việc cải tiến hoạt động sản xuất - kinh doanh và năng lực cạnh tranh, là động lực và chỗ dựa cho DN yên tâm, mạnh dạn đầu tư, phát triển thị trường và chiếm lĩnh thị phần, đồng thời góp phần quảng bá sâu rộng và nâng cao vị thế của hàng Việt Nam trong nhận thức và hành vi ưu tiên tiêu dùng của nhân dân TPHCM.Xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện CVĐ cũng có những hạn chế, tồn tại chưa được khắc phục triệt để. Tuy tỷ lệ ngày càng giảm nhưng trên thực tế tâm lý sính hàng ngoại vẫn còn tồn tại ở một bộ phận người tiêu dùng, nhất là những người có thu nhập cao. Kết quả bước đầu chỉ mới ở mức độ phong trào, vận động, kêu gọi người tiêu dùng ủng hộ, mua sắm các nhóm hàng công nghệ phẩm mà chưa thực sự đi vào chiều sâu đến khâu sản xuất và mở rộng ra các nhóm hàng khác, đặc biệt là sản phẩm nông sản thực phẩm thiết yếu. Nâng cao nhận thức và hành vi ưu tiên tiêu dùng hàng Việt Nam đòi hỏi phải có quá trình vận động lâu dài, kiên trì, bền bỉ. Song song đó, đòi hỏi phải có sự cải thiện mạnh mẽ trong chất lượng và đa dạng hóa chủng loại hàng hóa và dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước. Theo định hướng chung của UBND TPHCM, việc thực hiện CVĐ trong giai đoạn mới sẽ hình thành và đảm bảo hoạt động của chuỗi liên kết, cung ứng hàng hóa nông sản an toàn, hiệu quả, ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân trên địa bàn; thực hiện hiệu quả giải pháp ổn định kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, hướng tới mục tiêu “Hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam”. Xây dựng và đảm bảo hoạt động kinh doanh thông thoáng, tiện ích, phát huy hết công năng, hiệu quả trong hoạt động kinh doanh, hướng tới văn minh thương mại, thực hiện chức năng cung cấp, phát tín hiệu thị trường để định hướng sản xuất ngày càng văn minh, hiện đại, an toàn, quy mô công nghiệp, đáp ứng tốt nhất nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.  Quản lý, đảm bảo môi trường kinh doanh an toàn, minh bạch, bình đẳng, giúp phát huy tiềm năng, tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.  Để thực hiện được mục tiêu chung, TPHCM tiếp tục thực hiện các giải pháp như bổ sung, hoàn thiện và đổi mới cách làm, nhân rộng các giải pháp, cách làm hay, chương trình có tính thiết thực, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Tăng cường liên kết, hợp tác thương mại giữa TPHCM với các tỉnh thành, xây dựng và hình thành chuỗi liên kết cung ứng - tiêu thụ chặt chẽ, bền vững và hiệu quả. Chuyển từ mục tiêu vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam sang hướng nâng chất, đi vào chiều sâu, nâng cao trách nhiệm nhà sản xuất, xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng, tiến tới “Hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam”, phát huy hiệu quả các chương trình hợp tác thương mại, kết nối cung cầu, xây dựng chuỗi liên kết cung ứng - tiêu thụ kết hợp với triển khai chương trình “Chắp cánh hàng Việt”.  Đối với hoạt động sản xuất, tập trung thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển mạnh doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, DN công nghiệp phụ trợ, hợp tác xã, tổ hợp tác. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, trong đó tập trung hỗ trợ phát triển DN nhỏ và vừa, tạo điều kiện cho DN nhanh chóng hấp thụ và phát triển được các công nghệ sản xuất mới. Triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và tiềm năng của TP. Xây dựng và triển khai “Kế hoạch Phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn TPHCM giai đoạn từ nay đến năm 2020, định, hướng đến năm 2025”.  Bên cạnh đó, TPHCM cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý thị trường để tạo sự bình đẳng trong sản xuất, kinh doanh. Có cơ chế khuyến khích sử dụng hàng Việt trong các cơ quan, DN.
Theo UBND TPHCM, với các giải pháp cụ thể đề ra, trong giai đoạn mới, nếu TP kiên trì thực hiện và các DN đồng lòng vào cuộc, chắc chắn CVĐ sẽ thực sự đi vào chiều sâu, tạo điều kiện cho DN sản xuất, kinh doanh phát triển bền vững tại thị trường nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu.

Tin cùng chuyên mục