Tăng tuổi nghỉ hưu, cả nước cùng được hưởng lợi

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khẳng định việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là áp dụng đối với những người làm việc trong điều kiện bình thường. Còn đối với những người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người bị suy giảm khả năng lao động thì vẫn tiếp tục được thực hiện với chính sách nghỉ hưu sớm hơn, nghỉ hưu trước tuổi so với độ tuổi quy định nêu trên.

Sáng nay 13-7 tại Hà Nội, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ giao lưu trực tuyến về cải cách chính sách BHXH hướng tới mục tiêu an sinh bền vững với sự tham gia của Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Doãn Mậu Diệp, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội và ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam. 

Tăng tuổi nghỉ hưu, cả nước cùng được hưởng lợi ảnh 1 Các chuyên gia tham gia đối thoại
Theo đó, vừa qua, tại Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, Đề án cải cách chính sách BHXH là một trong ba đề án rất quan trọng được đưa ra thảo luận và Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TƯ về cải cách chính sách BHXH. 

Vấn đề được người lao động hiện nay rất quan tâm là thay đổi quy định tuổi nghỉ hưu như thế nào, bao giờ thì chính thức áp dụng tuổi nghỉ hưu mới? Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, nâng tuổi nghỉ hưu là xu thế không thể cưỡng lại. Ở nước ta hiện nay tuổi thọ tăng cao, dân số già hoá trong khi về thị trường lao động thì “đầu vào” ngày càng có xu hướng giảm, "đầu ra" ngày càng tăng, nên nếu không tăng tuổi hưu thì số người đang làm việc không thể nuôi được số người nghỉ hưu. 

Cụ thể theo đề án về cải cách chính sách BHXH thì đã xác định tuổi nghỉ hưu mới sẽ bắt đầu áp dụng từ năm 2021 và phương án điều chỉnh cụ thể sẽ nêu ra khi trình Quốc hội sửa Bộ luật Lao động vào năm 2019, với 2 phương án:

Phương án 1: Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam cho đến khi đạt tuổi 62; mỗi năm tăng 6 tháng đối với nữ cho đến khi đạt tuổi 60. Như vậy, tuổi nghỉ hưu của nam sẽ đạt tuổi 62 vào năm 2028 và nữ đạt tuổi 60 vào năm 2030.

Phương án 2: Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam cho đến khi đạt tuổi 62; mỗi năm tăng 4 tháng đối với nữ cho đến khi đạt tuổi 60. Như vậy, tuổi nghỉ hưu của nam sẽ đạt tuổi 62 vào năm 2028 và nữ đạt tuổi 60 vào năm 2035.

Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH  Doãn Mậu Diệp cũng cho biết thêm, ở đây cũng cần khẳng định rằng việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là áp dụng đối với những người làm việc trong điều kiện bình thường. Còn đối với những người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người bị suy giảm khả năng lao động thì vẫn tiếp tục được thực hiện với chính sách nghỉ hưu sớm hơn, nghỉ hưu trước tuổi so với độ tuổi quy định nêu trên.

Theo ông Doãn Mậu Diệp, với việc tăng tuổi nghỉ hưu, không có ai riêng lẻ được hưởng lợi cả mà cả nước cùng được hưởng lợi. Tuy nhiên quy định tuổi nghỉ hưu mới sẽ được điều chỉnh từ từ để không tạo ra cú sốc cho người lao động và xã hội. 

Chẳng hạn như việc điều chỉnh đối với nhân viên văn phòng mà nâng thêm 6 tháng thì không vấn đề gì nhưng với công nhân mà thêm 6 tháng thì lâu. Vì vậy sẽ có điều chỉnh tuỳ theo đối tượng, những người làm việc trong các môi trường nặng nhọc, độc hại thì vẫn có thể nghỉ hưu sớm, giảm 3-5 năm. 

Còn theo ông Bùi Sỹ Lợi, khi đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, nhiều ý kiến phản đối chứ không phải ai cũng ủng hộ nhưng nếu chúng ta không giải quyết sớm, không tăng tuổi nghỉ hưu thì về lâu dài sẽ bất lợi, ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân, ảnh hưởng tới chính sách an sinh xã hội. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng không có chuyện tăng thêm tuổi hưu thì sẽ mất việc làm của giới trẻ. Trong bối cảnh hiện nay thì ai giỏi vẫn có việc để làm.

Trước nỗi lo lắng cuộc cách mạng 4.0 với sự thay thế của máy móc, robot đối với con người thì sẽ có nhiều lao động bị sa thải, mất việc làm trước tuổi 35, trong khi đó lại ra quy định kéo dài, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ gây khó khăn chồng chất cho người lao động,

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng nếu không tăng tuổi nghỉ hưu thì vẫn có sa thải. Vấn đề quan trọng đặt ra là phải có quỹ hỗ trợ và chính sách để giúp người lao động tạo việc làm, thu nhập khi không may bị thất nghiệp như mô hình ở Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn đang áp dụng. Ví dụ như tại Hàn Quốc, nếu người lao động bị mất việc làm thì Quỹ Hỗ trợ sẽ cho vay một khoản tiền để lập doanh nghiệp, tạo ra công ăn việc làm mới và tạo thu nhập. 

Tin cùng chuyên mục