Tăng trưởng tín dụng trong quý 1-2018 đạt 2,23%

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20-3, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,23% so với cuối năm 2017, cao hơn mức 2,88% cùng kỳ năm trước; huy động vốn của các ngân hàng thương mại tăng 2,20%, thấp hơn 2,43% cùng kỳ năm trước và tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 2,23%, thấp hơn mức 2,81% cùng kỳ năm trước.
Tăng trưởng tín dụng trong quý 1-2018 đạt 2,23%
Báo cáo cũng cho biết lãi suất huy động hiện nay khá ổn định. Lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,6% - 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3% - 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3% - 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5% - 7,3%/năm. Mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến của các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6% - 6,5%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8% - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3% - 11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng có tình hình tài chính minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4% - 5%/năm.

Riêng tại TPHCM, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết, tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong quý 1-2018 dự ước khoảng 3% so với cuối năm 2017, cao hơn tăng trưởng tín dụng chung của cả nước. Theo đó, dư nợ cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) chiếm 62,5% tổng dư nợ tín dụng toàn địa bàn. Tín dụng trong quý 1 năm nay tại TPHCM tiếp tục tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. 

Tin cùng chuyên mục