Tăng tốc xuất khẩu vào thị trường tiềm năng

Ngày 9-9, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TPHCM Lý Kim Chi cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của cả nước dù vẫn duy trì được đà tăng trưởng nhưng không cao, ước đạt 26,58 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Nguyên nhân là do các cơ quan chức năng của Trung Quốc đã ban hành nhiều quy định mới về quản lý nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; quy cách, nội dung thông tin sản phẩm trên tem nhãn; quy cách đóng gói hàng hóa, kiểm dịch; kiểm định chất lượng sản phẩm đối với thủy sản nhập khẩu. Các sản phẩm của Việt Nam chưa nhận được chấp nhận kiểm dịch tại Trung Quốc sẽ không được giao dịch biên mậu. 

Mặt khác, cũng theo quy định từ phía Trung Quốc, tất cả các sản phẩm cá nuôi hoặc đánh bắt từ biển (từ hải sản ướp đá) đều phải được lấy từ các công xưởng có đăng ký doanh nghiệp Việt Nam, khi khai báo hải quan phải xuất trình chứng thư về thủy sản do Nhà nước Việt Nam cấp.

Phía Trung Quốc cũng thông báo một số nội dung liên quan đến quản lý, giám sát hàng hóa, đặc biệt là tăng cường quản lý về kiểm dịch. Thực tế này đã khiến cho thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 8,9% so với cùng kỳ, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu của ngành giảm mạnh. 

Để đảm bảo đà tăng trưởng cho kim ngạch xuất khẩu, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu ngoài Trung Quốc. Cụ thể, tăng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.

Hiện Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam, chiếm tỷ trọng 20,8% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Tiếp đến là thị trường châu Âu (EU) chiếm 12,0%; ASEAN chiếm 9,5%; Nhật Bản chiếm 8,4%...

Riêng với lĩnh vực xuất khẩu gạo, ngay khi thị trường Trung Quốc giảm nhu cầu trong thời gian dài và chưa có dấu hiệu phục hồi, doanh nghiệp đã chuyển hướng sang xuất khẩu mạnh vào thị trường Philippines và hiện đang khai thác thị trường khá hiệu quả.

Philippines cũng đang trở thành nước đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 34,5% thị phần, tương ứng 589,4 triệu USD, gấp 3,2 lần về khối lượng và gấp 2,7 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Cũng theo bà Chi, tình hình xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm chế biến nước ta thời gian tới vẫn còn chịu áp lực cạnh tranh lớn và sự gia tăng các rào cản thương mại.

Giá xuất khẩu một số nông sản chủ lực vẫn còn xu hướng giảm và tiếp tục khó khăn thời gian tới. Do vậy, doanh nghiệp cần chú trọng mở rộng thị trường xuất khẩu mới, nhất là những thị trường như EVFTA, CPTPP… 

Tin cùng chuyên mục