Tăng tốc để bứt phá

Năm 2018 khép lại với nhiều chỉ tiêu quan trọng vượt kế hoạch. Thực tế, nền kinh tế vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức; số lượng các doanh nghiệp (DN) ngưng hoạt động và giải thể không giảm; sản xuất trong nước chưa thực sự bền vững; chưa thiết lập được các tập đoàn kinh tế lớn làm đầu tàu, chỗ dựa cho các DN nhỏ và vừa... 

Trong bối cảnh đó, vấn đề đặt ra cho kinh tế Việt Nam năm 2019 và chuẩn bị cho năm tiếp theo là gì? PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, để làm rõ những vấn đề nêu trên.

PGS-TS Trần Hoàng Ngân
 * PV: Thưa PGS-TS Trần Hoàng Ngân, ông có thể đánh giá khái quát những kết quả nổi bật trong năm 2018?

*PGS-TS Trần Hoàng Ngân: Năm 2018 là năm thứ 3 của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, cho đến giờ này chúng ta thấy Chính phủ đã triển khai quyết liệt các giải pháp nên kết quả đạt được khá trọn vẹn. Cụ thể GDP cả nước tăng trưởng 7,08%, cao hơn mục tiêu kỳ vọng là 6,7%. Riêng TPHCM, GRDP đạt 8,3%, đóng góp 24% vào GDP cả nước.

Năm nay chúng ta cũng đạt được mục tiêu kép, không chỉ tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt chỉ tiêu mà còn kiểm soát tốt lạm phát. Đây cũng là năm thứ 5 liên tiếp, Việt Nam đã kéo giảm mức lạm phát dưới 4%/năm. Chính sách tài khóa, tiền tệ được thực hiện chặt chẽ và linh hoạt hơn. Bội chi ngân sách đã được kéo giảm, dẫn đến kéo giảm nợ công. Cần nhớ, nợ công chính là mối lo lớn ngay từ đầu nhiệm kỳ vì từ năm 2016, nợ công lên tới 63,8%, năm 2017 xuống còn 62,6% và năm 2018 còn 61,4%. Đối với TPHCM, nhiệm vụ thu ngân sách đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện các chính sách tài khóa của cả nước vì TPHCM chiếm tới 28% tổng thu ngân sách cả nước. TPHCM cũng phấn đấu để đạt dự toán và thực hiện thành công các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của TP.

Nhìn chung mục tiêu tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội trong năm 2018 chúng ta đã thực hiện khá tốt trong giai đoạn 3 năm qua. 

* Bên cạnh những kết quả đạt được, có chỉ tiêu nào trong năm 2018 chưa đạt như mong muốn? Điều gì làm cho ông trăn trở đối với nền kinh tế của cả nước và TPHCM?

* Tôi có thể nói ngay, hiện nay tuy GDP tăng, thu nhập bình quân đầu người cũng tăng nhưng GDP bình quân đầu người không đạt mục tiêu như mong đợi (đến cuối năm 2020 đạt 3.200 - 3.500 USD). Cần nâng năng suất lao động, làm sao đưa công nghệ vào sản xuất càng nhiều càng tốt để nâng năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) tăng cao lên. Nói cách khác, bây giờ là thời đại công nghiệp 4.0 nên chúng ta cần có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các DN ứng dụng khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo vào sản xuất.
Một vấn đề khác cũng rất đáng suy ngẫm, năm 2018, kinh tế tăng trưởng nhưng đã xuất hiện một số thách thức. Đó là số lượng DN thành lập mới bắt đầu có tốc độ chậm dần, trong khi số lượng các DN ngừng hoạt động hoặc giải thể tăng lên. Thêm vào đó, những DN Việt Nam có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh với các tập đoàn lớn trên thế giới còn rất ít, nếu không nói chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do vậy, chúng ta cần thêm các chính sách để hỗ trợ, tạo điều kiện để nuôi dưỡng, có nhiều DN lớn mạnh, trở thành những DN đầu đàn dẫn dắt và làm chủ nội lực nền kinh tế. Hiện nay yếu tố vốn nước ngoài, đầu tư nước ngoài đang chiếm tỷ trọng ngày càng tăng, cũng đồng nghĩa kinh tế phụ thuộc vào yếu tố nước ngoài tăng. 

* Là thành viên của Tổ tư vấn, ông có thể cho biết, trong năm 2019 Chính phủ sẽ điều hành nền kinh tế như thế nào? 

* Năm 2019 là năm thứ 4 của giai đoạn 5 năm, hay còn gọi là năm có tính chất quyết định đến việc thực hiện kinh tế - xã hội của một nhiệm kỳ. Do đó năm 2019 phải là năm bứt phá, là năm của việc thực hiện quyết liệt các giải pháp mà chúng ta đã đề ra trong 3 năm vừa qua, đồng thời chúng ta phải dành thời gian để hậu kiểm, rà soát các chính sách đã thực hiện đến đâu để đạt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng năm 2019 là 6,6% - 6,8%, phấn đấu theo hướng đạt mức cao nhất là 6,8%.

Để tăng tốc và bứt phá, Chính phủ đã đưa ra các giải pháp rất cụ thể, gắn với việc thực hiện 3 biện pháp đột phá chiến lược. Đó là tái cơ cấu kinh tế hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Cá nhân tôi cho rằng, Chính phủ cũng cần thực hiện đồng bộ các biện pháp để giải quyết 2 điểm nghẽn lớn hiện nay là điểm nghẽn về thể chế và cải cách hành chính; giải tỏa về vấn đề hạ tầng giao thông.

* Ông có thể phân tích cụ thể hơn về những điểm nghẽn đang cản trở nền kinh tế phát triển?
 
* Hiện xung đột pháp lý đang diễn ra ở khá nhiều lĩnh vực. Ví dụ nhiều bộ luật mới ban hành đã phải tập trung để sửa như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công… nên tôi nói thể chế chúng ta chưa đồng bộ, chưa cụ thể là vậy. Do xung đột giữa các bộ luật, các quy định dẫn đến tình trạng các bộ, ngành, địa phương khi thấy hồ sơ, thủ tục đầu tư dự án hơi “vênh” với luật là dừng lại để hỏi ý kiến. Quá trình hỏi ý kiến giữa các đơn vị, bộ ngành tốn rất nhiều thời gian của DN.

Thực tế này đã phát sinh khá phổ biến trong năm 2018, do vậy năm 2019 chúng ta phải giải quyết triệt để, bằng cách rà soát các cơ chế chính sách, bằng chính tuyên bố của người đứng đầu về vấn đề khuyến khích sáng tạo và đổi mới. 

Về cải cách hành chính, chúng ta đã nói rất nhiều, có lúc đã triển khai Chính phủ điện tử nhưng làm thế nào để con người trong bộ máy hành chính phải làm tròn vai của mình trong từng ngành, từng lĩnh vực lại là một vấn đề khác.
Tăng tốc để bứt phá ảnh 2 Cải cách hành chính là một trong 2 chương trình đột phá 
trọng tâm của TPHCM trong năm 2019             Ảnh: VIỆT DŨNG
 TPHCM gần đây có Nghị quyết 54 của Quốc hội, đã có thể chi thu nhập tăng thêm cho hiệu quả của bộ máy hành chính. Như vậy, chúng ta có điều kiện động viên và hỗ trợ kịp thời cho cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Trong lĩnh vực hạ tầng, Chính phủ nên dành thời gian và công sức để cải thiện hệ thống giao thông. Hiện nay các tuyến đường Bắc - Nam, nhất là tuyến cao tốc, đã có vốn đầu tư nhưng vấn đề giải ngân trong đầu tư công vẫn rất khó khăn. Những hạn chế trong việc triển khai theo hình thức công - tư (PPP) ở một số con đường cao tốc như Trung Lương - Mỹ Thuận đã kéo dài nhiều năm, Chính phủ cần làm rõ để mở lối cho đầu tư hạ tầng phát triển. Tương tự, với nhiều khu vực khác, nếu chúng ta tập trung giải quyết tốt vấn đề giao thông, sẽ giải phóng được rất nhiều nguồn lực khác, giúp chi phí lưu thông hàng hóa giảm, hiệu quả kinh doanh tăng.  Ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khi hệ thống giao thông tốt hơn sẽ khuyến khích các DN đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài ngại đến vùng sâu, vùng xa vì ách tắc giao thông. Nếu giao thông đã tốt hơn thì chuyện ban hành các chính sách thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp sẽ dễ dàng hơn nhiều. Cần nhớ, nông nghiệp Việt Nam đang có rất nhiều tiềm năng, nếu chúng ta thu hút các nhà đầu tư lớn vào nông nghiệp sẽ giải được những bài toán về hiện đại hóa, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, khi đó năng suất lao động được cải thiện, giúp năng suất lao động cả nước tốt hơn.  Theo ước tính, hiện năng suất trong nông nghiệp chỉ bằng 38% năng suất lao động chung của cả nền kinh tế. Giải bài toán giao thông sẽ dẫn dắt đến bài toán trong nông nghiệp. Nông nghiệp phát triển vừa cung cấp được lượng hàng nông sản xuất khẩu mang thương hiệu Việt Nam, vừa thực hiện tốt về chiến lược an ninh lương thực, kiềm chế lạm phát. Hiện nay, trong rổ hàng hóa tính CPI, nhóm hàng hóa lương thực - thực phẩm, ăn uống chiếm tới 40%, nếu đảm bảo an ninh lương thực, chắc chắn sẽ ổn định được CPI. Điều quan trọng hơn, khi đời sống vật chất, thu nhập của người nông dân được cải thiện, chúng ta đã giải được bài toán về an dân, bởi lẽ người dân ở khu vực nông thôn vẫn chiếm tới 65% dân số cả nước.  Giao thông ách tắc nên chưa tạo động lực cho du lịch phát triển nhanh và mạnh. Việt Nam được thế giới xếp hạng 28/136 quốc gia có nhiều tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, nhưng năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực du lịch lại xếp thứ 67. Trong khi đó, theo Nghị quyết của Đảng thì du lịch phải được xem là ngành kinh tế mũi nhọn. Mặc dù năm 2018, lượng khách quốc tế đến Việt Nam là trên 15 triệu lượt, tức là đã có cải thiện nhưng so với tiềm năng còn quá nhỏ bé. Không cần nhìn đâu xa, tại sân bay Tân Sơn Nhất, du khách vừa tới Việt Nam đã bị ngay điểm nghẽn là rất khó bắt được taxi để về khách sạn… Tôi cho rằng, bằng mọi cách năm 2019, Chính phủ cần có các chính sách hữu hiệu để giải quyết triệt để về giao thông trên toàn cục, cũng như tại các sân bay, đường cao tốc để tạo ra động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. *Ông có khuyến nghị gì để kinh tế TPHCM phát triển bền vững?  * Năm 2019, TPHCM đã chọn 2 chương trình đột phá trọng tâm để thực hiện cùng với 7 chương trình đã và đang làm. Đó là cải cách hành chính và triển khai có hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội. Tôi cho rằng, chúng ta đã có đủ điều kiện để thực hiện 2 chương trình này với cơ chế phù hợp. Nhưng điều quan trọng là phải thực hiện một cách tập trung cao độ, có sự phân công, phân nhiệm thật cụ thể và đi đến cùng những điểm nghẽn thì mục tiêu đề ra cho tăng trưởng kinh tế của TPHCM năm 2019 có thể chạm ngưỡng cao nhất là trên 8,5%.  Mặt khác, TPHCM đang có các chính sách để phát triển TP thông minh, đô thị sáng tạo để hỗ trợ các start-up (khởi nghiệp sáng tạo), đầu tư các vườn ươm và phải tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa để tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh. Thông thường, ý tưởng ban đầu sẽ rất khó biết được đích đến của nó ra sao, nếu không tạo ra mảnh đất màu mỡ để gieo mầm thì rất khó mang lại hiệu quả. Khi ý tưởng này đã được định hình, chúng ta hoàn toàn có thể huy động vốn trên thị trường để tiếp tục đầu tư, phát triển.* Theo ông, đâu là yếu tố cốt lõi cho start-up phát triển? * Tại TPHCM, cần thống nhất một đầu mối để hỗ trợ khởi nghiệp. Tôi cho rằng Sở Khoa học và Công nghệ sẽ là nơi duy nhất để thực hiện. Tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất để nâng cao các vườn ươm mà chúng ta đang có như tại Công viên Phần mềm Quang Trung, Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao và hệ thống các phòng thí nghiệm. Khuyến khích các trường đại học tạo dựng các vườn ươm trong sinh viên. Chúng ta cũng cần kêu gọi các quỹ đầu tư mạo hiểm, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, ngân hàng cùng tham gia để có nguồn tài chính dồi dào. Về phía nhà nước cũng xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ thật cụ thể về mặt bằng, thuế, lãi suất… để thu hút các thành phần cùng tham gia. Theo tôi, đây chính là thời kỳ trí tuệ con người Việt Nam vốn dĩ rất thông minh, đã từng đạt nhiều thành tích ở các kỳ thi quốc tế nên cần nhiều hơn những vườn ươm để biến ý tưởng thành hiện thực, thành sản phẩm phục vụ cho xã hội, đất nước.

Tin cùng chuyên mục