Tăng tốc cải cách

Cuối tuần qua, hội thảo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh được Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức - chỉ một ngày sau khi Ngân hàng Thế giới (WB) công bố kết quả xếp hạng Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2019 (Doing Business 2019).


Bản báo cáo ghi nhận các nền kinh tế khu vực Đông Á Thái Bình Dương đã tiếp tục chương trình nghị sự cải cách mạnh mẽ, thực hiện 43 cải cách trong năm qua để tăng cường sự thuận tiện trong kinh doanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước. Trong đó, dù xếp thứ 69/190 nền kinh tế - tụt 1 bậc so với 2018 - Việt Nam vẫn được ghi nhận 3 cải cách (giúp các doanh nghiệp thuận tiện hơn trong thực thi hợp đồng, trả thuế và thành lập doanh nghiệp).

WB cũng cho rằng Việt Nam đã có những cải thiện tích cực trong 4 chỉ số thành phần, đặc biệt có 2 chỉ số cải thiện vượt bậc và ấn tượng là thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng. Tuy nhiên, cũng có nhiều chỉ số thụt lùi, cả về điểm số và thứ hạng, như: thuế và bảo hiểm xã hội, bảo vệ nhà đầu tư, thương mại qua biên giới, tiếp cận tín dụng, cấp phép xây dựng, giải quyết phá sản. Đặc biệt 2 chỉ số thuế và bảo hiểm đã tụt khá mạnh tới sau tốp 100 (đứng thứ 131). Riêng chỉ số phá sản doanh nghiệp liên tục đi xuống từ năm 2014 tới nay và hiện nằm ở vị trí 133.

Có thể thấy kết quả mới nhất của năm nay đã góp phần củng cố nhận định được nhiều chuyên gia tán thành tại cuộc hội thảo của CIEM: 5 năm qua, việc thực hiện các nghị quyết 19 của Chính phủ đã giúp Việt Nam tiến được khá xa trên bảng xếp hạng toàn cầu về môi trường kinh doanh (khoảng 30 bậc), nhưng vẫn còn chưa ổn định và vẫn ở nhóm trung bình thấp.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, nhấn mạnh, trong 5 năm qua, các nghị quyết 19 đã tạo rất nhiều khác biệt so với trước. Các nghị quyết đặt mục tiêu cao nhưng khả thi, rõ ràng, cụ thể, đo lường được - theo thang bậc đánh giá của WB, chứ không phải “tự đánh giá”. Đặc biệt, từ nhiệm kỳ này, Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã chỉ đạo cụ thể, quyết liệt, mạnh mẽ, nhất quán, thường xuyên và liên tục. Nếu như ở thời điểm Nghị quyết 19 đầu tiên trong loạt nghị quyết này được ban hành (năm 2014), hầu như chỉ có Bộ Tài chính, Tập đoàn Điện lực và TPHCM thực hiện các giải pháp trong Nghị quyết 19 của Chính phủ thì đến năm 2018, hầu hết các bộ ngành, địa phương đã vào cuộc với những khác biệt đáng kể trong chỉ đạo, điều hành nền kinh tế. Nỗ lực này thể hiện qua sự cải thiện nhiều chỉ số: chỉ số tiếp cận điện năng trong 5 năm qua tăng từ vị trí 156 lên thứ 27 một cách ấn tượng; chỉ số khởi sự kinh doanh đã được cải thiện, cấp phép xây dựng duy trì thứ hạng tốt, đăng ký sở hữu tài sản năm 2018 lần đầu tiên có cải thiện sau 5 năm, giải quyết tranh chấp hợp đồng cũng có được nhìn nhận tốt hơn nhiều với việc công khai các bản án…

Mặc dù vậy, kết quả đạt được vẫn còn khá xa so với mục tiêu, chưa đạt mức trung bình ASEAN 4. Duy trì được tốc độ phát triển nhanh trên thế giới, nhiều mục tiêu thiên niên kỷ đã được hoàn thành, nhưng thu nhập đầu người của Việt Nam vẫn đứng ở vị trí khoảng 125 trên thế giới, chỉ số phát triển nguồn nhân lực vẫn đứng ở khoảng 115 - 120, năng suất lao động rất thấp.

Trong khi đó, các nền kinh tế khác đang có những bước tiến vượt bậc. Với Doing Business 2019, Trung Quốc nằm trong nhóm 10 nước cải thiện nhất thế giới, tiến hơn 30 bậc. Nền kinh tế có quy mô lớn thứ nhì thế giới lần đầu tiên ghi tên mình vào nhóm 50 nền kinh tế có môi trường kinh doanh hàng đầu thế giới (đứng thứ 46). Malaysia cũng cải thiện đáng kể khi tự nâng mình lên được 9 bậc, đứng thứ 15. Trong 25 nền kinh tế khu vực có 2 nền kinh tế lọt vào nhóm 10 nền kinh tế đứng đầu thế giới, trong đó có Singapore đứng thứ 2 và Đặc khu Hành chính Hồng Công (Trung Quốc) đứng thứ 4…

Kết quả trên cho thấy Việt Nam phải tăng tốc cải cách, một mặt vì môi trường kinh doanh của chúng ta chưa tốt như mong muốn, mặt khác vì cả thế giới đang chuyển động mạnh mẽ trong đó nhiều nền kinh tế trong khu vực đã bứt phá ngoạn mục.

Tin cùng chuyên mục