Tăng tốc

Thủy sản được xem là lĩnh vực thế mạnh của các tỉnh/thành vùng ĐBSCL, cũng như nhiều địa phương ven biển trong cả nước. Theo nhận định của các nhà chuyên môn, ngành thủy sản đang “lên đời”, mang lại giá trị kinh tế cao cho nhiều địa phương, tạo sự đột phá trong tăng trưởng và giúp nhiều nông dân ở nông thôn vươn lên khá giả. 

Bộ NN-PTNT nhận định, ngành hàng thủy sản thật sự tạo ấn tượng to lớn khi năm vừa qua (2018) thiết lập cột mốc xuất khẩu mới với kim ngạch gần 9 tỷ USD, tăng 8,4% so năm trước. Và năm 2019 đang hướng tới mục tiêu xuất khẩu đạt 10 tỷ USD. Để làm được điều này, ngành hàng thủy sản cần tập trung khắc phục những hạn chế tồn tại, cũng như đẩy mạnh đầu tư chiều sâu nhằm phát triển bền vững, nhất là 2 ngành hàng tôm và cá tra.

Theo các doanh nghiệp (DN) “đầu tàu” về xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL, một trong những vấn đề trở ngại của cá tra lúc này là thiếu hụt con giống, nhất là giống chất lượng.

Tăng tốc ảnh 1 Cá tra là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam 
Hiện nay cả nước có khoảng 230 cơ sở sản xuất giống cá tra, hơn 4.000 hộ ương dưỡng cá giống; song vấn đề dịch bệnh thường xuyên xảy ra, chất lượng đàn cá bố mẹ giảm… khiến tỷ lệ cá giống sống thấp, dẫn đến việc nuôi cá tra thương phẩm hao hụt cao. Bộ NN-PTNT cho rằng, giống là khâu quan trọng trong nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra.

Do đó, cần nhanh chóng đầu tư con giống bằng việc thực hiện đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp”, với mục tiêu đạt 1,1 - 1,25 tỷ con vào năm 2020 (đáp ứng 50% nhu cầu giống chất lượng cao) và đạt 2,5 - 3 tỷ con vào năm 2025 (đáp ứng 100% nhu cầu giống).

Đến nay, tỉnh An Giang và Đồng Tháp đã triển khai đề án giống cá tra 3 cấp; điều đáng mừng là những DN lớn như Tập đoàn Việt - Úc, Công ty cổ phần Nam Việt… cũng mạnh dạn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng vào sản xuất giống cá tra đạt chất lượng.

Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng, cùng với con giống thì cần tập trung đầu tư nâng cao chất lượng cá tra nguyên liệu và tích cực cải thiện môi trường nuôi.

Cụ thể, nên tăng cường áp dụng công nghệ mới vào nuôi cá tra nhằm giảm giá thành và nâng chất lượng; đẩy mạnh chế biến nhiều sản phẩm giá trị gia tăng từ cá tra để đáp ứng cho nhiều thị trường khác nhau; xây dựng bản đồ vùng nuôi cá tra; siết chặt quản lý nghề cá từ đầu vào nguyên liệu đến đầu ra sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng. 

Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL thừa nhận, sau 20 năm hình thành và phát triển, nghề cá tra đã có những thuận lợi và từng trải qua các thời điểm khó khăn.

“Từ 2 năm nay, nghề cá tra đi vào ổn định và lấy lại vị thế trên trường quốc tế; hiện cá tra Việt Nam quyết định giá bán ở nhiều thị trường. Song, chúng ta không được chủ quan, không dễ dãi, tự mãn, nhất là không mở rộng diện tích tràn lan. Để bền vững thì điều quan trọng là tiếp tục đầu tư nâng chất lượng, đầu tư vùng nuôi để chủ động trong chế biến, xuất khẩu. Đây là điều sống còn mà các DN tâm huyết phải làm”, lãnh đạo Công ty Nam Việt đề xuất. 

Đối với con tôm là thế mạnh ở các địa phương ven biển, tuy nhiên năm qua giá tôm dao động không cao, dịch bệnh cũng thường xuất hiện gây lo lắng cho người nuôi. Hiện tại, hệ thống thủy lợi chưa hoàn chỉnh, con giống tôm chưa được kiểm soát tốt, thức ăn phụ thuộc vào nước ngoài… là những cái khó vây quanh ngành tôm.

Có thể nói, dù có mặt ở ĐBSCL rất lâu nhưng đến nay, giống tôm và thức ăn cho con tôm đa phần vẫn phụ thuộc các DN nước ngoài, khiến giá thành nuôi tôm của ta luôn cao hơn các nước khác từ 1USD - 3USD/kg, làm giảm sức cạnh tranh trong xuất khẩu.

Một trong những giải pháp mà các địa phương đang nỗ lực là thay đổi mô hình nuôi mới; trong đó có việc nuôi tôm siêu thâm canh ở Bạc Liêu cho hiệu quả rất cao.  

Theo Bộ NN-PTNT, sản phẩm tôm luôn được thị trường ưa chuộng và tiêu thụ rộng lớn trên thế giới. Vấn đề hiện nay là cần quy hoạch vùng nuôi tôm hợp lý, tránh manh mún, thiếu đầu tư; tăng cường ứng dụng công nghệ, từ khâu nuôi trồng đến chế biến; chú ý việc bảo tồn các điều kiện tự nhiên nhằm bảo vệ sinh thái cho con tôm; đề xuất các ngân hàng đầu tư vốn cho ngành nuôi tôm với lãi suất phù hợp, nhất là trong mô hình nuôi tôm công nghệ cao.

Để gỡ khó cho ngành tôm, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các ngành chức năng kiểm soát tình trạng độc quyền nhóm trong việc cung cấp thức ăn và con giống, tránh phụ thuộc vào nước ngoài; khuyến khích các DN trong nước tham gia lĩnh vực sản xuất thức ăn, con giống tốt; đẩy mạnh việc liên kết nhằm giảm chi phí trung gian, tăng sức cạnh tranh… 

Tin cùng chuyên mục