Tăng thuế môi trường xăng dầu: Tác động dai dẳng đến người dân

Chính phủ vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT), trong đó, nhiều loại thuế xăng, dầu sẽ tăng kịch khung. Nhiều chuyên gia đã có phản ứng khác nhau về vấn đề này nhưng quan điểm chung cho rằng, việc tăng thuế có thể sẽ ảnh hưởng lâu dài đến thu nhập, chi tiêu của người dân.
Đổ xăng tại cây xăng trên đường Nguyễn Thị Thập chiều 16-5. Ảnh: CAO THĂNG
Đổ xăng tại cây xăng trên đường Nguyễn Thị Thập chiều 16-5. Ảnh: CAO THĂNG
Tăng kịch khung thuế BVMT với nhiều loại xăng, dầu
Để khuyến khích tổ chức, cá nhân sản xuất, sử dụng sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường, đảm bảo lợi ích quốc gia khi thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế, Chính phủ đề nghị: xăng tăng mức thuế BVMT từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít; dầu diesel tăng mức thuế từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn: tăng mức thuế từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu hỏa tăng từ 300 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít…
Theo tính toán của Bộ Tài chính, hiện nay, giá bán lẻ xăng, dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN và châu Á. Theo bảng xếp hạng của trang web Global Petrol Prices vào ngày 2-3, giá bán lẻ xăng của Việt Nam đứng thứ 47 tính từ thấp đến cao trong tổng số 167 quốc gia (thấp hơn 120 nước) với mức giá là 19.980 đồng/lít xăng, thấp hơn so với 3 nước có chung đường biên giới với Việt Nam (thấp hơn Lào là 5.556 đồng/lít, Campuchia là 3.745 đồng/lít, Trung Quốc là 1.468 đồng/lít); thấp hơn một số quốc gia khác trong khu vực ASEAN, châu Á (như thấp hơn Singapore là 17.394 đồng/lít, Philippines là 3.451 đồng/lít…).
Việc tăng thuế sẽ khiến giá xăng E5 sẽ thấp hơn giá xăng gốc hóa thạch, từ đó góp phần khuyến khích sản xuất và sử dụng xăng sinh học. Ngoài ra, việc tăng thuế BVMT đối với xăng dầu như trên sẽ đảm bảo giá bán lẻ xăng, dầu của Việt Nam tương đồng với các nước trong khu vực, góp phần hạn chế buôn lậu.
Ngoài ra, để góp phần thực hiện mục tiêu giảm dần việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong tiêu dùng, phù hợp với thông lệ quốc tế, Chính phủ đề nghị tăng mức thuế BVMT từ 40.000 đồng/kg lên mức trần 50.000 đồng/kg, tương đương 200 - 400 đồng/túi.
Với đề xuất này, theo Bộ Tài chính sẽ khuyến khích việc sản xuất và sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường, từ đó góp phần BVMT. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều nước trên thế giới đang áp dụng mức thuế BVMT cao hoặc cấm sản xuất, bán, sử dụng túi ni lông. 
Gây khó khăn lớn cho người dân và doanh nghiệp
Đánh giá về mặt tác động xã hội, môi trường và thực hiện các cam kết quốc tế về BVMT, Bộ Tài chính cho rằng, việc điều chỉnh tăng mức thuế BVMT sẽ góp phần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường. Từ đó, sẽ giảm phát thải ô nhiễm, góp phần vào thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về BVMT. Việc điều chỉnh tăng mức thuế BVMT đối với xăng, dầu sẽ khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; chuyển dần sang sản xuất, sử dụng sản phẩm, nhiên liệu thân thiện với môi trường.
Về mặt kinh tế, theo Bộ Tài chính, với phương án tăng thuế BVMT với xăng dầu thêm 1.000 đồng/lít và nếu giá dầu thô không biến động nhiều, các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở xăng dầu không thay đổi thì mức độ tác động đối với giá bán xăng trong giá bán khoảng 4,9%; đối với dầu diesel khoảng 3,2%; đối với dầu mazut khoảng 8,9%; đối với dầu nhờn khoảng 0,6% và đối với mỡ nhờn khoảng 2,3%.
Còn về thu ngân sách, số thu từ thuế BVMT ước khoảng 57.612 tỷ đồng - tăng khoảng 15.189 tỷ đồng/năm. Trong đó, thu từ xăng, dầu dự kiến 55.096 tỷ đồng, tăng khoảng 14.368 tỷ đồng/năm; thu từ than đá khoảng 2.385 tỷ đồng, tăng khoảng 795 tỷ đồng/năm; thu từ túi ni lông khoảng 67,5 tỷ đồng/năm, tăng 13,5 tỷ đồng/năm… Cùng với đó, số thu từ thuế giá trị gia tăng cũng sẽ tăng lên khoảng 1.518 tỷ đồng/năm.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP về lập luận tăng thuế BVMT do giá xăng dầu của Việt Nam thấp hơn nhiều nước xung quanh, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), cho rằng giá bán lẻ xăng, dầu của Việt Nam theo thị trường thế giới nhưng vẫn thấp hơn nhiều nước.
Còn về tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), nếu phương án tăng thuế BVMT có hiệu lực từ ngày 1-7 tới thì sẽ tác động đến CPI tháng 6 khoảng 0,27% - 0,29% và CPI bình quân năm 2018 là 0,11% - 0,15%. Về thời điểm tăng thuế 1-7 như đề xuất, ông Thi thừa nhận, đây là đề xuất của Chính phủ và việc quyết định này phụ thuộc vào Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 
Một tính toán của Bộ Tài chính từng đưa ra cho biết, ảnh hưởng của việc tăng thuế sẽ làm cho tiêu dùng thực tế của hộ gia đình giảm khoảng 22.000 đồng/tháng ở nhóm có thu nhập thấp nhất và khoảng 130.000 đồng/tháng ở nhóm có thu nhập cao nhất; phúc lợi xã hội giảm trung bình khoảng 0,19% trong giai đoạn đầu và khoảng 0,45% trong dài hạn; mức lạm phát thấp hơn 0,2% trong giai đoạn đầu và nhỏ hơn 0,5% trong dài hạn.
Theo ông Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), việc tăng thuế BVMT xăng, dầu sẽ gây khó khăn lớn cho người dân và doanh nghiệp, tác động không tốt tới sản xuất. Điều này có thể khiến doanh nghiệp không thể cạnh tranh ngay trên sân nhà hoặc phá sản… Mỗi chính sách khi điều chỉnh đều có ưu điểm và hạn chế nhưng cũng cần hết sức thận trọng với việc tăng thuế. Thuế là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm đối với sản xuất, tác động lớn đến đời sống kinh tế xã hội, tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp… Do đó, cần thận trọng và có bước đi, lộ trình cụ thể.
Ngược lại, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc tăng thuế BVMT, đồng nghĩa với việc chi phí đầu vào tăng, khiến cho giá thành tăng lên. Nhưng theo lộ trình giảm thuế nhập khẩu như cam kết, giá thành sản phẩm xăng, dầu cũng giảm tương ứng. Nhìn tổng thể, việc tăng thuế BVMT không có tác động quá lớn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Thậm chí, việc tăng thuế BVMT còn trở thành động lực để các DN tìm các giải pháp công nghệ nhằm cải tiến sản xuất, đem lại năng suất, hiệu quả cao hơn, đồng thời giảm các phát thải ô nhiễm môi trường…
Một chuyên gia ngành tài chính bình luận, việc tăng bất cứ thuế nào cũng tạo ra mâu thuẫn giữa người tiêu dùng và Nhà nước. Nhà nước có nguồn thu nhưng người dân thì phải bỏ thêm chi phí và “không người nào thích cả”. Điều này gây “phản cảm” cho người chịu ảnh hưởng, “nhất là khi thành tựu giảm chi chưa thấy đâu”.
Về mức độ ảnh hưởng đến CPI, ông này cho rằng, tác động đến lạm phát năm nay không lớn vì tác động tăng giá hàng hóa chỉ một lần. Song ảnh hưởng lớn sẽ là thu nhập của người dân khi tỷ lệ trong chi tiêu dùng với xăng, dầu lớn và “điều đó sẽ kéo dài dai dẳng”.

Tin cùng chuyên mục