Tăng đầu tư vào công nghiệp chế biến thực phẩm

Việt Nam ưu tiên thu hút đầu tư phát triển ngành theo hướng nâng cao tỷ lệ chế biến các sản phẩm nông sản, thủy hải sản chủ lực, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình sản xuất, chế biến. 

Từ đó xây dựng thương hiệu và nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm thực phẩm Việt. Hiện nay, ngành công nghiệp thực phẩm đang được ví như “mỏ vàng” với nhiều dư địa phát triển để khối nội lẫn khối ngoại rót vốn đầu tư và cạnh tranh.

Dây chuyền công nghệ xử lý nông sản tại Nhà máy Tanifood
 Doanh nghiệp Việt không đứng ngoài  “cuộc chơi”


Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam đang có xu hướng tăng trưởng mạnh, từng bước cung ứng nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh cao, chiếm lĩnh thị trường nội địa và gia tăng xuất khẩu. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông sản thực phẩm chế biến của Việt Nam đã chạm mốc 40 tỷ USD, ngành nông nghiệp Việt Nam cũng đặt mục tiêu xuất khẩu trong năm 2019 với kim ngạch 42 - 43 tỷ USD. Đồng thời, năm 2019 được đánh giá sẽ là năm chuyển động mạnh hơn của các dòng vốn vào lĩnh vực chế biến nông sản. 

Nhận diện được tiềm năng thị trường trên, tổng số vốn đăng ký đầu tư lũy kế của các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước cũng tăng mạnh. Cụ thể, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực chế biến thực phẩm ước đạt 11,2 tỷ USD cho 717 dự án (không kể các dự án mua cổ phần và M&A). Còn DN nội đầu tư vào lĩnh vực này cũng đạt gần 11.000 tỷ đồng đầu tư vào 17 nhà máy chế biến rau quả, gia súc, gia cầm hiện đại. Trong số này phải kể đến Nhà máy sản xuất dừa tươi Kim Thanh (Bến Tre) của Công ty TNHH TM-DV- XNK Vina T&T. Đơn vị này đã đầu tư hơn 50 tỷ đồng (giai đoạn 1) xây dựng nhà máy chế biến dừa xuất khẩu, có công suất theo thiết kế 25 triệu trái dừa tươi/năm và dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2019. Đại diện công ty khẳng định, việc đưa nhà máy này vào hoạt động sẽ giúp tăng thời gian bảo quản trái dừa tươi, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm Việt tại thị trường Mỹ. Quan trọng hơn là giúp ổn định đầu ra quanh năm cho nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, tránh tình trạng được giá trong mùa nóng và rớt giá trong mùa lạnh. Tương tự, Công ty Lavifood cũng đưa vào hoạt động nhà máy chế biến các sản phẩm trái cây đông lạnh, nước ép, trái cây sấy khô, sấy dẻo, nước trái cây cô đặc… đạt tiêu chuẩn quốc tế, xuất khẩu sang thị trường các nước Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia. Nhà máy có vốn đầu tư lên đến 1.780 tỷ đồng, công suất chế biến đạt 60.000 tấn thành phẩm mỗi năm.
 
Đại diện Hội Lương thực, thực phẩm TPHCM cho biết, trong thời gian qua, ngành chế biến lương thực, thực phẩm trong nước đã chứng kiến sự đầu tư mạnh mẽ của các DN trong nước. Điều này cho thấy các DN đã bước đầu nhìn ra được thế mạnh phát triển của mình. Mặt khác, những cơ hội tiếp cận thị trường thế giới cũng đã có nhiều thuận lợi hơn cho các DN trong nước. Đặc biệt, sự chuyển hướng đầu tư của các DN từ xuất khẩu nông sản thô sang sản phẩm đã qua chế biến, có thương hiệu Việt, đã dần phát huy hiệu quả. Thương hiệu sản phẩm Việt hiện đã có vị trí nhất định trên thị trường quốc tế. 

Tăng cường kết nối

Theo Bộ Công thương, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam đang có xu hướng tăng trưởng mạnh, từng bước cung ứng nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh cao, chiếm lĩnh thị trường nội địa và gia tăng xuất khẩu. Những năm gần đây, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam có sự tăng trưởng ổn định ở mức khoảng 10%/năm. Giá trị tiêu thụ thực phẩm hàng năm ước tính chiếm 15% GDP. Với thị trường tiêu thụ nội địa, Việt Nam có dân số gần 100 triệu người, được đánh giá là một trong những khu vực có nhu cầu tiêu thụ thực phẩm lớn ở Đông Nam Á. Thêm vào đó, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ hội nhập nhanh vào nền kinh tế thế giới, thông qua việc tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Các hiệp định này đã và đang mở ra thị trường rộng lớn cho các DN đầu tư tại Việt Nam nói chung và các DN ngành chế biến thực phẩm Việt Nam nói riêng. 

Nông sản Việt Nam là lĩnh vực có thế mạnh, nhưng bao năm qua vẫn đang tìm lối ra, chưa tránh được sự loay hoay được mùa mất giá, được giá mất mùa. Việc đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến hiện đại sẽ giúp thế mạnh của Việt Nam, giúp nông dân có được thu nhập tốt mà nhà đầu tư cũng có điều kiện đóng góp cho đất nước. 

Ở góc độ DN, nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm bền vững cần có sự đầu tư bài bản vào sản xuất nông nghiệp, đảm bảo nguồn nguyên liệu có chất lượng tốt, đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Muốn vậy, cần có sự hợp tác, liên kết giữa các DN, nhà đầu tư từ khâu sản xuất đến chế biến sau thu hoạch. Trong đó, các nhà đầu tư có nguồn lực tài chính và kinh nghiệm giữ vai trò dẫn đầu, hỗ trợ các DN nhỏ. 

Bà Trần Kim Oanh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công thương), khẳng định, DN và nông dân phải liên kết chặt hơn, nghiên cứu đầu tư sản phẩm mà thị trường cần, không chỉ đơn thuần bán những thứ mình có; kết hợp với đầu tư công nghệ sản xuất, bao bì, tiếp thị sản phẩm. DN ngành công nghiệp chế biến thực phẩm phải nhanh chóng áp dụng công nghệ vào quản trị sản xuất, truy xuất nguồn gốc, bất kể đó là DN nhỏ hay lớn, nhằm kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn. Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, cũng cho rằng DN xuất khẩu không nên chỉ là người mua, đứng ngoài cuộc mà phải sát cánh cùng nông dân; tư vấn, hỗ trợ nông dân trong khâu cải thiện đất, phân bón, bảo đảm chất lượng đồng nhất. Xuất khẩu ổn định phải có hệ sinh thái sạch. Đặc biệt, nông dân, hợp tác xã, hiệp hội cần liên kết tạo sự phát triển bền vững về chuỗi giá trị.

Tin cùng chuyên mục