Tăng đầu tư, ổn định giá

Chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM với các tỉnh thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là một trong những nội dung quan trọng nhằm triển khai Chương trình hợp tác toàn diện giữa TPHCM và các tỉnh thành Nam bộ.

Sau 7 năm thực hiện, chương trình thực sự đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp (DN).

Doanh nghiệp TPHCM sản xuất sữa tại tỉnh Bình Dương
Ảnh: CAO THĂNG
Đầu tư phát triển sản xuất


Tháng 12-2011, Sở Công thương TPHCM ký kết với sở công thương các tỉnh thành Đông - Tây Nam bộ về Chương trình hợp tác thương mại với nhiều nội dung; trong đó tập trung việc tạo vùng nguyên liệu cung ứng cho thị trường TPHCM và kết nối cung cầu hàng hoá, tạo sự ổn định về mặt bằng giá cả cho cả vùng. 

Để thực hiện tốt nội dung trên, nhiều năm qua, Sở Công thương TPHCM và các tỉnh thành liên tục rà soát, lựa chọn DN để kết nối hợp tác đầu tư sản xuất kinh doanh. TPHCM xác định đội ngũ DN tham gia Chương trình bình ổn thị trường (CTBOTT) sẽ là lực lượng chủ lực thực hiện việc mở rộng liên kết đầu tư sản xuất, phát triển mạng lưới thu mua, tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh thành, hình thành chuỗi liên kết, chuỗi giá trị sản xuất - phân phối. 
 
Theo UBND TPHCM, tính đến hết năm 2018, các DN của TPHCM đã đầu tư 42 nhà máy, cơ sở sản xuất; 72 trang trại, cụm trang trại nuôi trồng tại các tỉnh thành Đông - Tây Nam bộ với tổng vốn đầu tư 30.112 tỷ đồng. Trong đó, cung ứng vốn cho nông dân chăn nuôi, trang trại rau sạch bình quân khoảng 3.000 tỷ đồng/năm.

 Qua chương trình, TPHCM và các tỉnh thành đã thực hiện nhiều đợt xúc tiến thương mại, phát triển hệ thống phân phối và chuỗi cung ứng hàng hóa sản xuất trong nước. Việc hàng hóa sản xuất tại các tỉnh thành tham gia vào hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ của TPHCM không chỉ góp phần phục vụ nhu cầu tiêu dùng của TP mà còn tác động tích cực đến hoạt động sản xuất hàng hóa ở các địa phương, chuyển dịch theo hướng văn minh, hiện đại, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông - lâm - thủy sản, đáp ứng yêu cầu chất lượng, mẫu mã của thị trường TPHCM. 

 Từ năm 2012 đến nay, TPHCM cũng thực hiện Chương trình Kết nối cung cầu hàng hoá giữa nhà sản xuất các địa phương với hệ thống phân phối của TP để hỗ trợ tiêu thụ hàng sản xuất trong nước, hàng đặc sản địa phương có chất lượng, an toàn và tiềm năng xuất khẩu. Chương trình đã kịp thời đáp ứng yêu cầu thiết yếu của DN và các nhà sản xuất, đặc biệt là hộ nông dân, HTX nông nghiệp nhỏ lẻ. Chương trình phát huy hiệu quả, được Bộ Công thương và các địa phương ghi nhận, đánh giá cao và nhân rộng thành phong trào cả nước. Đến nay, số địa phương, DN tham gia, số lượng hợp đồng và mặt hàng cung ứng được các bên ký kết ngày càng nhiều. Lũy kế đến nay đã có 2.662 hợp đồng đã được ký kết. 

Phát triển hạ tầng thương mại

Việc triển khai thực hiện Chương trình Hợp tác thương mại không chỉ tạo điều kiện cho DN TPHCM tăng cường đầu tư, phát triển sản xuất, tạo nguồn hàng cung ứng cho thị trường TP mà từ chương trình, các địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho DN TPHCM phát triển hệ thống phân phối, mở rộng thị trường bán lẻ, thúc đẩy phát triển kênh phân phối hiện đại.

Nắm bắt được lợi thế này, những năm gần đây, các DN phân phối của TP đã đầu tư mở hàng trăm siêu thị tổng hợp, siêu thị sách và siêu thị điện máy tại các tỉnh. Chỉ tính riêng Saigon Co.op đã phát triển hơn 30 siêu thị tại các tỉnh thành trong vùng, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, đồng thời thực hiện ứng vốn cho các địa phương liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lên tới hàng chục tỷ đồng. Nhiều DN các địa phương không ngừng gia tăng sản lượng cung ứng và trở thành nhà cung cấp chiến lược, sản xuất nhãn hàng riêng cho các hệ thống phân phối lớn của TPHCM. Không chỉ phân phối nội địa, hệ thống phân phối lớn của TP như Saigon Co.op, Metro, BigC, Lotte… còn lựa chọn nhiều mặt hàng tiềm năng để xuất khẩu thông qua kênh phân phối của các hệ thống này. Cụ thể, Saigon Co.op xuất khẩu sang Singapore vải, bưởi da xanh, thanh long thông qua hệ thống đại siêu thị Co.opXtra; Lotte xuất khẩu hàng chục mặt hàng tiêu dùng, đặc sản của khu vực thông qua hệ thống siêu thị Lotte tại Hàn Quốc...

Để có được những kết quả trên, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho rằng, Chương trình Hợp tác thương mại nhận được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Thành ủy TPHCM, Tỉnh ủy, UBND các tỉnh thành và sở ngành có liên quan của từng địa phương triển khai thực hiện, thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác, liên doanh liên kết.

Chương trình đã nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao, tạo điều kiện kết nối DN TPHCM với DN các tỉnh thành đầu tư hợp tác 2 chiều, giúp mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tạo nguồn cung ứng hàng hóa trên địa bàn TP, tiến tới ổn định giá cả thị trường trong toàn vùng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, hoạt động hỗ trợ kết nối, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, phân phối đến nay còn đối mặt với những khó khăn thách thức khi nhiều sản phẩm thế mạnh, tiềm năng của các địa phương vẫn còn sản xuất với quy mô nhỏ; chưa đảm bảo tiêu chí, quy chuẩn mẫu mã, bao bì sản phẩm và chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm theo yêu cầu, điều kiện để cung ứng vào các hệ thống phân phối hiện đại.

Trong thời gian tới, các bên sẽ tăng cường khả năng hợp tác để khắc phục những nhược điểm trên. Trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo nguồn hàng hóa từ các tỉnh thành cung ứng cho TP, sẽ tập trung kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm soát, sơ chế tại nguồn. Trước mắt, TPHCM tập trung sơ chế đối với các sản phẩm rau củ quả, hoa, thủy hải sản và thịt gia súc, gia cầm. Tăng cường phối hợp giữa các bên để mời gọi DN của TPHCM tham gia các hoạt động hội chợ, phiên chợ hàng Việt, giới thiệu hàng hóa tại các tỉnh thành và ngược lại, nhằm thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Tin cùng chuyên mục