Tăng đầu tư, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu nông sản

Giai đoạn năm 2013-2018, công nghiệp chế biến nông sản Việt Nam đã có bước phát triển mạnh về quy mô lẫn tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng, đạt khoảng 5% - 7%/năm. Kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng bình quân 8% - 10 %/năm.

Việt Nam hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến bảo quản nông sản với trên 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, hộ gia đình.

Đảm bảo chất lượng

Trong bối cảnh hiện nay, với tình hình nhập khẩu nông sản từ các nước ngày càng tăng và nhiều nước tham gia các hiệp định thương mại tự do, doanh nghiệp Việt Nam phải đầu tư công nghệ chế biến để cạnh tranh thị trường trong và ngoài nước.

Theo Phân Viện Cơ điện nông nghiệp, ngoài quy trình sản xuất trên đồng ruộng phải đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP, thì các khâu thu hoạch và sau thu hoạch cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu của HACCP, BRC... và công nghệ với những thiết bị phù hợp để đảm bảo chất lượng nông sản khi đến tay của người tiêu dùng.

Tùy thuộc vào quy định kiểm dịch thực vật và thị hiếu của người tiêu dùng mà mỗi thị trường tiêu thụ có những yêu cầu về công nghệ sau thu hoạch khác nhau. Ví dụ, Mỹ và Chile đòi hỏi trái cây phải được chiếu xạ; Nhật Bản, Hàn Quốc, lãnh thổ Đài Loan lại yêu cầu phải xử lý nước nóng hay hơi nước bão hòa...

Sau khi xuất khẩu thanh long, nhãn thành công sang thị trường Mỹ, mới đây Tập đoàn Vina T&T đã thử nghiệm vận chuyển mặt hàng xoài sang Mỹ bằng tàu biển, sau 23 ngày trên đại dương, lô xoài đầu tiên đã được đưa đến các chợ, siêu thị tại Mỹ.

“Thành quả đó là nhờ kiểm soát tiêu chuẩn và chất lượng nông sản về đầu vào lẫn đầu ra”, ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Tập đoàn Vina T&T, cho biết. Hay nhờ có công nghệ chế biến tiên tiến, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đang sở hữu 13 nhà máy và 12 trang trại tại Việt Nam, sản phẩm đã có mặt ở hơn 50 nước trên thế giới.

Ngoài ra, Vinamilk còn có 2 trang trại đạt chuẩn Organic châu Âu tại Việt Nam và đã khởi công xây dựng “resort” bò sữa tại Lào theo tiêu chuẩn Organic với quy mô giai đoạn 1 là 24.000 con.

Ông Phan Minh Tiên, Giám đốc điều hành Vinamilk, xác định với những nguồn lực này, Vinamilk sẽ tiếp tục phát triển công nghệ chế biến, đây được xem là khâu rất quan trọng để mang được sản phẩm tốt nhất và đảm bảo các điều kiện để xuất khẩu.

Vẫn còn tiềm năng

Công nghệ chế biến nông sản của Việt Nam đã đạt mức độ trung bình khá của thế giới. Tuy nhiên, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch cũng khá lớn, hơn 25% đối với các loại quả, trên 30% đối với các loại rau, 10% - 20% với các loại củ. Điều này làm hạn chế khả năng xuất khẩu của rau củ quả Việt Nam.

Trong khi đó, sự phát triển của ngành chế biến nông sản chưa tương xứng với tiềm năng, còn bộc lộ những tồn tại, nút thắt trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.

Giải thích nguyên nhân này, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến - Phát triển thị trường nông sản, nhìn nhận: “Nhiều ngành chưa sử dụng hết công suất chế biến, chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là cao điểm của mùa vụ; chỉ một số ngành mía đường, cá tra, tôm là tổ chức khâu chế biến tốt. Cơ chế chính sách chưa đủ hấp dẫn để đầu tư vào chế biến nông sản như đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học công nghệ… Các cơ sở chế biến phần lớn có quy mô nhỏ và vừa (chiếm trên 90%), trình độ công nghệ một số ngành hàng còn thấp. Mặc dù nông dân là bộ phận chủ lực trong sản xuất nông sản, nhưng thông tin về thị trường xuất khẩu không được cập nhật, nên sản phẩm thường mang tính tự sản xuất, không đảm bảo các tiêu chuẩn để xuất khẩu”.

Mục tiêu đến năm 2030, con số mong ước của Bộ NN-PTNT là kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp đạt 65 - 70 tỷ USD; song để đạt được mục tiêu này rất cần sự quan tâm, góp sức và trí tuệ của mọi người, nhất là các nhà khoa học, nhà quản lý cũng như doanh nghiệp.

Bên cạnh tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, ông Nguyễn Quốc Toản cho rằng, doanh nghiệp cần ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu và phát triển dây chuyền công nghệ, giống, bảo quản, làm sạch nông sản... nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho chuỗi giá trị nông sản Việt Nam; đồng thời đa dạng hóa và hoàn thiện chất lượng sản phẩm xuất khẩu phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường quốc tế.

Quan trọng hơn hết, nhà nước cần rà soát quy hoạch sử dụng đất, cơ cấu sản xuất, phát huy lợi thế so sánh của từng vùng để xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, đảm bảo đủ nguyên liệu cho cơ sở chế biến.

Các chuyên gia kinh tế góp ý, mỗi sản phẩm phải lựa chọn doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị, vận hành một cách thông suốt, hiệu quả.

Nhà nước hỗ trợ các dự án nâng cao năng lực chế biến nông sản; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về trình độ công nghệ chế biến, bảo quản nông sản để tiến tới hình thành thị trường khoa học công nghệ trong lĩnh vực này.

Đặc biệt, phải có chính sách tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi như nghiên cứu xây dựng chính sách phát triển riêng có tính đột phá; tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng vào công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp.

Tin cùng chuyên mục