Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh thực phẩm

Đó là chủ đề của “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2018 được Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM (ATTP) tổ chức phát động vào sáng 14-4 tại công viên 23-9.
Bà Phạm Khánh Phong Lan phát biểu
Bà Phạm Khánh Phong Lan phát biểu

Theo đó, “Tháng hành động về an toàn thực phẩm” năm 2018 sẽ diễn ra từ ngày 14-4 đến 15-5 trên địa bàn toàn TP. Trong thời gian diễn ra tháng hành động, ban Quản lý ATTP sẽ phối hợp với các Sở-ngành, UBND quận-huyện; UBND phường, xã, thị trấn mở những đợt cao điểm, phát động chiến dịch truyền thông tuân thủ quy định pháp luật về ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại các cấp quận, huyện và phường, xã, thị trấn. Đề cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt tại cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, các làng nghề; tăng cường vai trò giám sát của cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và người tiêu dùng đối với việc thực thi pháp luật về ATTP của cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Đồng thời, chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.

Phát biểu tại lễ phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018, bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng ban Quản lý ATTP cho biết, hiện nay trên địa bàn TPHCM tình hình ATTP còn phức tạp như: sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn diễn ra ở nhiều nơi; một lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xử, không đảm bảo ATTP vẫn lưu thông trên thị trường; thực phẩm nhập lậu vẫn diễn ra; điều kiện chăn nuôi, hạ tầng chợ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở giết mổ còn nhiều yếu kém; sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ vẫn không kiểm soát được an toàn vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn; công nghệ chế biến lạc hậu; tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng; yếu tố môi trường tự nhiên, môi trường sản xuất kinh doanh thực phẩm chưa được quan tâm đúng mức.

Cũng theo bà Phạm Khánh Phong Lan, một trong những nguyên nhân chính là do ý thức chấp hành các quy định pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm chưa cao do nhận thức yếu kém, chạy theo lợi nhuận và cố tình vi phạm của một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Ngay sau lễ phát động, Ban Quản lý ATTP sẽ thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để tiến hành thanh tra, kiểm tra ATTP tại những cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những bất cập, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về ATTP ở các địa phương; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm những điều kiện về ATTP.

Bên cạnh đó, hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ cho bữa ăn ngon đảm bảo an toàn sức khỏe, không tiêu thụ những thực phẩm không rõ nguồn gốc; hiểu rõ tác hại của các sử dụng rượu pha bằng hóa chất, cồn công nghiệp; khai báo, tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo ATTP…

Tin cùng chuyên mục