Tăng cường quản lý việc mua bán, sử dụng thiết bị bay điều khiển từ xa ​

Tại Công văn số 78/2018/BQP-TM, Bộ Quốc phòng đã giải đáp những băn khoăn của cử tri TPHCM liên quan đến việc mua bán thiết bị bay điều khiển từ xa, phương tiện bay siêu nhẹ nhằm giảm thiểu các hoạt động bay tự do, góp phần bảo đảm an toàn, an ninh hàng không và trật tự xã hội.

Bộ Quốc phòng cho biết, hiện nay, máy bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ, đặc biệt là thiết bị điều khiển xa flycam được ứng dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực như: quay phim, chụp ảnh từ trên cao phục vụ thông tin truyền thông, giải trí, nghiên cứu khoa học...

“Nếu không có biện pháp quản lý đồng bộ, hiệu quả đối vói loại phương tiện bay này, sẽ tiềm ẩn những nguy cơ như đe dọa an toàn bay, mất trật tự an ninh, an toàn xã hội”, Công văn nêu trên nhận định.

Theo quy định hiện hành về vấn đề này, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, thực hiện thiết kế, sản xuất, thử nghiệm, kinh doanh các loại máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ phải có công văn đề nghị Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chấp thuận trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Bộ Quốc phòng là cơ quan cấp phép bay; chủ trì điều hành và giám sát hoạt động bay… (theo Nghị định số 36/2008/NĐ-CP về quản lý máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ).

Tăng cường quản lý việc mua bán, sử dụng thiết bị bay điều khiển từ xa ​ ảnh 1 Một mẫu máy bay điều khiển từ xa đã có mặt tại thị trường Việt Nam. Ảnh: hdtech
Các điều kiện, tiêu chuẩn về kỹ thuật đối với cơ sở thiết kế, sản xuất, thử nghiệm; các yêu cầu đối với máy bay, chủ thể sử dụng máy bay khi khai thác máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ; phân cấp quản lý hoạt động bay theo khu vực, độ cao cũng đã được nêu rõ tại Thông tư số 35/2017/TT-BQP.

Thời gian qua, thực hiện chức năng chủ trì quản lý và bảo vệ vùng trời quốc gia, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các đơn vị trong quân đội phối hợp tốt với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng trong quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ, đã phát hiện và xử lý theo đúng quy định của pháp luật một số hoạt động bay của máy bay không người lái có tính tự phát, không làm thủ tục xin cấp phép bay, bay vào khu vực cấm.

Tuy nhiên, những tiện ích mang lại từ việc ứng dụng máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ một mặt tạo ra bước phát triển mới về quy mô, mặt khác, cũng tiềm ẩn yếu tố phức tạp, Bộ Quốc phòng đã đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 36 vào năm 2018.

Bộ Quốc phòng khẳng định “rất mong được sự tham gia đóng góp ý kiến của cử tri TPHCM và cả nước để hoàn thiện cơ sở pháp lý, góp phần quản lý tốt hơn các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ, phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội; đồng thời hạn chế tác động ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh, an toàn bay, trật tự an toàn xã hội”.

Tin cùng chuyên mục