Tăng cường quản lý các loài ngoại lai xâm hại

Theo Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ TN-MT), việc buôn bán, nhập lậu loài tôm hùm nước ngọt trong thời gian gần đây mới chỉ là một vụ việc điển hình. 

Trong thời gian qua, nhiều loài ngoại lai xâm hại đã xuất hiện, gây ảnh hưởng tới đa dạng sinh học và tổn thất kinh tế. Từ bài học trước đây về việc nhập ốc bươu vàng nhằm mục đích phát triển kinh tế. Sau một thời gian, ốc bươu vàng đã trở thành đại dịch làm điêu đứng ngành nông nghiệp Việt Nam và đến nay, loài này vẫn đang tiếp tục gây hại cho mùa màng.

Rùa tai đỏ cũng là một trong những loài đã được quốc tế cảnh báo là loài xâm hại nguy hiểm, tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học, các ngành kinh tế, nhưng vẫn tiếp tục được nhập khẩu, phát tán và nuôi tự phát tại Việt Nam.

Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ TN-MT yêu cầu các địa phương, đơn vị tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân về tác hại của loài ngoại lai xâm hại. Riêng Bộ NN-PTNT cần chỉ đạo tổ chức rà soát, đánh giá danh mục giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản và quy trình khảo nghiệm, công nhận giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, nhằm đảm bảo việc nhập khẩu và phát triển loại ngoại lai không gây tác động xấu đến môi trường và đa dạng sinh học.

Tiếp tục tăng cường kiểm soát hoạt động nuôi, trồng các loài ngoại lai và loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Đề xuất các loài ngoại lai đã được đánh giá thông qua các nhiệm vụ điều tra, đánh giá để đưa vào danh mục các loài ngoại lai xâm hại.

Tin cùng chuyên mục