Tăng cường kết nối chuỗi cung ứng sản phẩm sạch

Sở Công thương TPHCM đã triển khai chương trình Hợp tác thương mại giữa TPHCM với các tỉnh, thành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thành phố kết nối hai chiều, góp phần hình thành các chuỗi cung ứng sản phẩm sạch từ sản xuất đến tiêu thụ. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp thành phố đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối của các tỉnh, thành. 
TPHCM liên kết với nhiều tỉnh thành chủ động nguồn cung ứng nông sản sạch cho thị trường thành phố
TPHCM liên kết với nhiều tỉnh thành chủ động nguồn cung ứng nông sản sạch cho thị trường thành phố

Mở rộng chuỗi cung ứng hàng hóa sạch

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết tính đến nay, đơn vị này đã ký kết hợp tác ngành công thương với 22 tỉnh, thành (Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Cần Thơ, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Lâm Đồng, Kon Tum, Gia Lai).

Theo đó, các doanh nghiệp bình ổn thị trường thành phố đã đầu tư 38 nhà máy, cơ sở sản xuất và 54 trang trại, cụm trang trại nuôi trồng với tổng vốn đầu tư trên 27.428 tỷ đồng. Riêng về hệ thống phân phối, các doanh nghiệp đã đầu tư 13 trung tâm thương mại, 269 siêu thị tổng hợp, chuyên ngành và hơn 500 cửa hàng giới thiệu sản phẩm, đại lý, tổng đại lý tại các tỉnh, thành trong cả nước. Doanh nghiệp thành phố đã chi 2.500 tỷ đồng để thực hiện liên kết cung ứng vốn cho nông dân chăn nuôi, trang trại rau sạch. 

Không dừng lại đó, từ ngày 7-12 đến 9-12-2018 tại Nhà thi đấu Phú Thọ, Sở Công thương sẽ tổ chức hội nghị Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh với mục tiêu kết nối hai chiều, góp phần hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; đưa hàng hóa các tỉnh, thành vào hệ thống phân phối tại TPHCM và ngược lại. Đây cũng là giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nội thực hiện quảng bá sản phẩm đặc sản, đặc trưng vùng miền. 

Cần chính sách hỗ trợ hiệu quả 

Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay, việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và mở rộng thị trường rất quan trọng. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thành phố cần đẩy mạnh nhiều giải pháp để hỗ trợ tăng sức mua, giảm lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp, xem xét đề xuất giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo thêm nguồn vốn vay ưu đãi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Về lâu dài, cần thiết xây dựng cơ chế, chính sách phát triển thị trường bán lẻ trong nước bằng việc hỗ trợ các doanh nghiệp có thương hiệu bán lẻ mạnh cơ hội mở rộng thêm quy mô các cửa hàng hiện tại, tăng thêm số lượng cửa hàng mới tại các tỉnh, thành trong cả nước.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm soát chặt chẽ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong hệ thống giáo dục hiện nay trên địa bàn thành phố. Qua đó, kiến nghị lãnh đạo thành phố có chủ trương chỉ đạo ngành giáo dục triển khai kết nối, đưa các sản phẩm của doanh nghiệp ngành thực phẩm uy tín, có thương hiệu tốt trên thị trường có thể tiếp cận, cung cấp thực phẩm vào hệ thống giáo dục. Qua đó, giúp thế hệ trẻ được sử dụng nguồn thực phẩm chất lượng, an toàn, đảm bảo sức khỏe và phát triển về trí tuệ.

Ngoài ra, thành phố tăng cường các buổi tiếp xúc với doanh nghiệp. Trực tiếp lắng nghe và rà soát những quy trình thủ tục bất cập gây phiền hà cho doanh nghiệp và xác định những cơ quan, đơn vị Nhà nước gây khó dễ cho hoạt động của doanh nghiệp để có biện pháp hỗ trợ giúp doanh nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ các hội ngành nghề tăng cường tổ chức các buổi hội nghị đối thoại chuyên ngành giữa lãnh đạo các sở ban ngành với doanh nghiệp từng ngành nghề.

Trước mắt, cần tập trung giải quyết tình hình khó khăn liên quan đến sự sống còn của doanh nghiệp, như chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như đổi mới quy trình cho vay vốn theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt phiền hà cho doanh nghiệp, bảo đảm an toàn vốn vay, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mặt khác, nhanh chóng có cơ chế chính sách hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao tiềm lực tài chính, uy tín của Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát huy được hiệu quả của quỹ này trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh như mục tiêu đề ra của thành phố.

Các tổ chức hiệp hội, hội ngành nghề rất cần được hỗ trợ về cơ chế để tăng cường hơn nữa năng lực cũng như vai trò của mình. Thông qua các biện pháp nhằm tạo ra môi trường, cơ chế để các hiệp hội, hội ngành nghề có không gian phát triển như sớm hoàn thiện pháp luật về hội, tạo khung pháp lý an toàn, hợp lý để các hiệp hội, hội ngành nghề có thể hình thành thuận lợi, phát triển ổn định bền vững.

Đồng thời có các biện pháp tăng cường nguồn lực, năng lực hoạt động của các hiệp hội, hội ngành nghề nhằm hỗ trợ các hội ngành nghề đẩy mạnh triển khai các hoạt động trọng tâm mang lại giá trị lợi ích cho doanh nghiệp hội viên. Tiếp tục xây dựng kiện toàn tổ chức hội phát triển toàn diện, đóng góp hiệu quả vào tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Tin cùng chuyên mục