Tán thành việc gia nhập Công ước Istanbul 1990 về chế độ tạm quản hàng hóa ​

Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo về việc gia nhập Công ước Istanbul về tạm quản hàng hóa, UBTVQH thống nhất với sự cần thiết gia nhập Công ước này.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu

Sáng 20-9, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự thảo Hiệp định khung giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ về hợp tác sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình; Việc gia nhập Công ước Istanbul 1990 về chế độ tạm quản hàng hóa và đề xuất ký Bản ghi nhớ về việc thực hiện “Thu hoạch sớm” Hiệp định Tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước tiểu vùng Mekong mở rộng.

Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo về việc gia nhập Công ước Istanbul về tạm quản hàng hóa, UBTVQH thống nhất với sự cần thiết gia nhập Công ước này.

Công ước Istanbul có hiệu lực từ ngày ngày 27-11-1993 dưới sự quản lý của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) với mục tiêu là tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế và hài hòa hoá các thủ tục tạm quản, giúp cơ quan quản lý kiểm soát tốt hàng hóa tạm nhập, tái xuất và tạm xuất, tái nhập. Tính đến tháng 1-2017, đã có 70 quốc gia/vùng lãnh thổ là thành viên của Công ước Istanbul.

Khi Việt Nam gia nhập công ước, Chính phủ dự kiến ban hành một Nghị định hướng dẫn thực hiện Công ước Istanbul về tạm quản hàng hóa.

Cũng trong buổi sáng 20-9, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Trương Quang Nghĩa cũng đã trình bày Tờ trình về đề xuất ký Bản ghi nhớ về việc thực hiện “Thu hoạch sớm” Hiệp định Tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước tiểu vùng Mekong mở rộng.

Theo đó, bắt nguồn từ Hiệp định ba bên Việt Nam - Lào - Thái Lan về tạo thuận lợi cho vận tải bằng đường bộ giữa ba nước, Hiệp định Tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước tiểu vùng Mekong đã dần được mở rộng với sự tham gia của các nước Campuchia, Trung Quốc và Myanmar.

Sau 10 năm thực hiện, các nước tiểu vùng Mekong mở rộng đã thống nhất xây dựng dự thảo Bản ghi nhớ về việc thực hiện “Thu hoạch sớm” Hiệp định Tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước tiểu vùng Mekong mở rộng.

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng, việc đàm phán, ký kết Bản ghi nhớ này sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý thúc đẩy hơn nữa vận tải giữa các nước tiểu vùng Mekong mở rộng, bảo đảm hàng hóa lưu thông thông suốt, góp phần ổn định thị trường và giá cả, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, dịch vụ thương mại của doanh nghiệp Việt Nam; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của pháp nhân Việt Nam trong các hoạt động vận tải tại các nước thành viên tiểu vùng Mekong mở rộng.

Trình bày báo cáo thẩm tra đề xuất ký Bản ghi nhớ này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, dự thảo Bản ghi nhớ không trái với quy định của Hiến pháp năm 2013 và về cơ bản phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

Bản ghi nhớ chỉ có một nội dung khác với quy định của pháp luật Việt Nam về thời hạn nộp tiền phạt; nhưng chỉ được áp dụng đối với các đơn vị thực hiện hoạt động vận tải quốc tế của các nước tham gia Hiệp định. Quy định này phù hợp với Hiệp định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2009, phù hợp với điều kiện thực tế của các nước ký kết và Việt Nam.

Sau khi nghe tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại, UBTVQH tán thành việc ký kết Bản ghi nhớ này và giao Chính phủ tiến hành các thủ tục ký kết theo quy định của pháp luật.

Tin cùng chuyên mục