Tản mạn đầu xuân với nhà văn Tô Hoài

Tản mạn đầu xuân với nhà văn Tô Hoài

Nhà văn Tô Hoài đã bước vào tuổi 86 (ông sinh năm 1920 ở làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, nay là quận Cầu Giấy - Hà Nội). Dù tuổi cao nhưng nhà văn còn rất mẫn tiệp, ông vẫn viết và viết rất đều ở hai lĩnh vực văn chương, báo chí. Trong dịp đón xuân mới, tạm gác sang bên những trang viết dở, nhà văn ngồi thủng thẳng cùng chúng tôi về chuyện Hà Nội, chuyện đời, chuyện nghề...

Nói về đặc trưng của văn hóa Hà Nội, tôi cho rằng: đó là sự tổng hợp, là văn hóa của tất cả các địa phương gộp lại. Nếu nói Thăng Long theo nghĩa gốc thì xưa kia chỉ có một số cư dân chủ yếu làm nghề đánh cá ven sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sau định đô người các nơi kéo đến tạo thành không khí đô hội của nơi Kinh thành... Tôi nói như thế trên cơ sở những khảo cứu lịch sử.

Tản mạn đầu xuân với nhà văn Tô Hoài ảnh 1

Nhà văn Tô Hoài

Ở các trung tâm lớn các nước như Paris, Mátxcơva cũng thế; các nơi tập hợp đến và trở thành trung tâm, thành thủ đô. Quan trọng là tập hợp lại ngoài các mặt khác của đời sống thì văn hóa thành văn hóa gì? Văn hóa Hà Nội cũng đi theo quy trình khoa học, như quy luật của một số thủ đô của các quốc gia khác trên thế giới.

Ở ta văn hóa tiến hóa trên nền lịch sử của dân tộc mình. Có sự định đô và có sinh đô. Xa xưa văn hóa, văn minh châu thổ sông Hồng tập trung ở khu vực phía Bắc sau dần dần lan tỏa, tiến vào phía Nam. Trong lịch sử nhiều khi có chiều ngược lại. Lịch sử nước ta là phát triển về phía Nam, nhưng từ phía Nam ảnh hưởng ra phía Bắc cũng có.

Trong sách “Dư địa chí”của Nguyễn Trãi có ghi tên hành chính của các địa phương: người làm ruộng thì ở Hương, người buôn bán thì ở Phường, người Chăm thì ở Sở. Xung quanh Thăng Long ngày xưa có 21 sở (như làng) và ngày nay vẫn còn tên các địa danh như: Yên Sở (vùng Sấu - Giá huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây) quán La Sở, Xuân Tảo Sở, Sở Thượng...

Văn hóa Hà Nội là sự tổng hợp, một ví dụ: nói về tinh thần hiếu học, ham hiểu biết người ta hay nói đến người Nghệ An, Hà Tĩnh. Thực tế không phải, phải nói rằng Nghệ An cộng với Hà Nội và được Hà Nội hóa. Cái tích cực ấy nó phải hòa với Hà Nội, được thử thách ở Hà Nội rồi mới trở thành cái cả nước được, và đấy chính là văn hóa của đất trung tâm.

Các bạn đề cập đến vấn đề hay, lý thú thế nào là chất Hà Nội, chất con người Hà Nội... Tôi nghĩ rằng luôn luôn phải có những công việc có tính chất thảo luận thế nào là chất Hà Nội! Tôi nói rằng luôn luôn chứ không thể khẳng định được. Những cuộc thảo luận ấy do ai phụ trách, do thành phố Hà Nội phụ trách để khuấy động, phát hiện, tìm ra, khẳng định. Đây là vấn đề rất khoa học. Chất Hà Nội không phải là cái có sẵn, nó là sự tổng hợp, là lịch sử, là sự phát triển... Tôi ví dụ thế này: nước ta thời Tàu đô hộ cả nghìn năm, ta chuyển từ chữ Hán sang chữ Nôm, rồi mất nước vào tay Pháp lại sáng tạo từ chữ Nôm chuyển sang chữ Quốc ngữ.

Tất cả các giai đoạn lịch sử ấy nó phản ánh một thực tế về văn hóa tất nhiên luôn luôn biến chuyển, vận động. Bây giờ chẳng hạn, mình thấy người ta nói Tết ngày xưa nó khác nay quá. Từ kinh tế tem phiếu sang kinh tế thị trường là sự phát triển, là vận động; nhưng mà trong cái khác của hôm nay vẫn có những cái cổ kính như thờ cúng cha ông, tổ tiên ngày Tết, hay nhiều phong tục cũ...

Trong cải tạo người ta có thể thảo luận nên có ngày Tết, thờ cúng tổ tiên... nữa không! Tranh luận với nhau nhưng phải có như thế nào, chứ không cổ xưa như ngày xưa hoặc ồ ạt, tạp nham, phá phách như bây giờ. Thời nay ngày nào chả Tết, hôm nào cũng ăn tươi, nhiều món, bánh chưng thì cần là có ngay... Như vậy là không thể Tết như cũ được và cũng không thể như mới được; phải có sự điều hòa, phải có cái văn hóa của nó. Những cái hay phải phân tích ra được...

Văn hóa là cái chất mà mình lọc ra được trong từng thời kỳ lịch sử mà vẫn giữ được cái cốt cách của nó, để mà phát triển, mà tiến lên chứ đừng có để mất gốc, đứt đoạn. Ngày hôm nay có nhiều vấn đề lớn đặt ra với văn hóa. Người ta có những ý tưởng này kia với văn hóa, nếu phù hợp với tinh thần với truyền thống thì quý quá còn gì, nhưng nhiều khi lại là sự phá hoại cái văn hóa tôi tạm gọi là văn hóa cốt cách.

Cái phong trào xấu nó cản trở văn hóa truyền thống. Giáo dục thanh niên phải như thế nào! Mình không giáo dục họ trở thành những ông cụ, nhưng không phải là thiếu văn hóa, thiếu lễ độ, là trộm cắp, lưu manh, ma túy... Mình phải nên phát triển như thế nào khi mà bao nhiêu thế lực nó đang đánh mình. Tôi là người thích nghe đài, trời ơi, nó đánh mình ra rả; và còn rất nhiều phương tiện, hình thức nó có thể mượn, có thể dùng để đánh mình nữa chứ...

Trong văn hóa luôn luôn có sự đấu tranh xây dựng và đấu tranh tấn công (xây dựng những cái tốt đẹp, của mình; chống những cái hủ bại, lạc hậu, ngoại lai không tốt). Như tôi đã nói, Hà Nội xưa nó là cái làng, nay là thành phố, nhưng nó vẫn không mất đi cái cốt cách xưa. Bên cạnh đấy, Hà Nội lại hội tụ được cái tinh chất của văn hóa khắp các vùng để trở thành văn hóa của Hà Nội, văn hóa của cả nước.

Về văn học nghệ thuật tôi muốn nhấn mạnh đến văn học. Người ta cứ kêu là không có tác phẩm hay, không có đỉnh cao, là thiếu quá, ít quá... Bên cạnh sự sáng tạo ai cũng biết rằng phải có thực tế sâu sắc, mặc dù tôi biết người ta viết bằng những biểu tượng hai mặt, như viết về truyện thần tiên chẳng hạn. Ngay trong truyện thần tiên cũng phải có thực tế nhất định. Nói vấn đề này có vẻ như công thức, cũ quá, nhưng thực tế của lực lượng viết hôm nay hầu như không có. Hình như anh em chỉ chàng màng cái sự biết hôm qua, trước mắt chứ không có sự đi sâu khảo cứu, nghiên cứu.

Tôi không chủ trương viết người thực việc thực nhưng phải có người thực việc thực thì mới sáng tạo được. Cho nên, tôi thích đọc cuốn “Cơ hội của chúa”của Nguyễn Việt Hà. Tôi không cho rằng cuốn đó thành công nhất nhưng tôi cho là những cái trong cuốn sách có thật trong đời sống công chức. Phải am hiểu như thế mới thành công được. Từ những chuyện như thế có thể sáng tạo những chuyện thần tiên như KapKa... Tôi có cảm giác bây giờ người ta sống uể oải, bàng quan quá...  

CAO MINH ghi

Tin cùng chuyên mục