Tận dụng lợi ích của đào tạo trực tuyến

Việc khai thác hiệu quả các tiến bộ của công nghệ không chỉ nâng cao hiệu quả đào tạo mà còn tạo cơ hội cho người dân tiếp cận với môi trường đại học. Tuy nhiên, hệ đào tạo trực tuyến, đào tạo từ xa tại Việt Nam thời gian qua bộc lộ nhiều vấn đề đáng ngại, đòi hỏi tăng cường kiểm soát để đảm bảo chất lượng.
Một lớp học trực tuyến của Trường ĐH Mở TPHCM
Một lớp học trực tuyến của Trường ĐH Mở TPHCM

Nhiều trường áp dụng   

TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM, cho biết: Hiện ĐHQG TPHCM có 3 trường thành viên (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Bách khoa, ĐH Công nghệ thông tin) phát triển đào tạo từ xa và dạy kết hợp (blended) giữa học trực tiếp (truyền thống) với trực tuyến (e-learning). Ngay trong quy chế đào tạo của các trường này cũng quy định rất rõ là một chương trình đào tạo được áp dụng tối đa 20% tín chỉ học trực tuyến. 

Với Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, theo TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, trường cũng đã áp dụng hình thức đào tạo kết hợp trong vài năm nay ở một số chương trình quốc tế, chất lượng cao. Sau một thời gian áp dụng, hiệu quả rất khả quan và trường khuyến khích tất cả các khoa áp dụng. Trường đã đầu tư vài tỷ đồng để triển khai thí điểm hình thức đào tạo trên. Việc đánh giá người học cũng rất thuận lợi và dễ dàng.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cũng thông tin: Sau 5 năm cải cách toàn diện và triệt để chương trình đào tạo, số khóa học theo hình thức trực tuyến tăng từ 17 khóa (năm học 2013-2014) lên 45.000 khóa trong học kỳ 1 năm 2017-2018, với 5 triệu lượt truy cập/học kỳ. Song song đó, việc kiểm tra, đánh giá năng lực học tập của sinh viên tăng từ 2 lần lên thành 7 lần trong học kỳ.

Thực tế với phương pháp truyền thống, việc giảng dạy, đánh giá, kiểm tra tạo ra áp lực lớn cho giảng viên. Ví dụ như lớp 100 sinh viên, người dạy phải chấm 700 lượt bài tập lớn nhỏ, dự án, thuyết trình, tiểu luận… Tuy nhiên, khi đầu tư và áp dụng hệ thống trợ lý giảng dạy thì giảng viên giảm tải rất nhiều trong giảng dạy, kiểm tra, đánh giá. Người học (từ sinh viên đến học viên cao học) có thêm cơ hội học tập, tăng kỹ năng, kiến thức và giờ học linh hoạt. 

Tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, sau thời gian thí điểm, đến năm 2017 đã mở rộng áp dụng hình thức đào tạo blended cho tất cả các khoa và cả chương trình sinh hoạt đầu khóa cho sinh viên. Đến nay đối với sinh viên hệ liên thông, vừa làm vừa học, có khoảng 70% kiến thức các môn học đại cương, môn cơ sở ngành được giảng dạy theo hình thức học tập online, cùng hệ thống bài giảng được ghi âm, ghi hình, diễn đàn trao đổi. Điều đáng nói, số sinh viên đậu của hình thức học này rất cao, từ 86% -  94,8%.

Một số trường kết hợp với Tổ hợp công nghệ giáo dục TOPICA để tuyển sinh, đào tạo và cấp bằng cử nhân trực tuyến như: Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Trà Vinh, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Thái Nguyên, Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Mở Hà Nội…

Giảm tải, tăng hiệu quả 

Ông Trương Tiến Tùng, Viện ĐH Mở Hà Nội, nhìn nhận: Các  hệ thống học tập trực tuyến (trong đó có sử dụng hệ thống quản lý học tập - LMS) không chỉ dừng lại ở lưu trữ, tìm kiếm thông tin đơn thuần mà còn giúp người dạy, người học với nhiều chức năng như giám sát và đánh giá quá trình học tập. Khi cán bộ quản lý đăng nhập vào LMS, ngay lập tức có thể biết được mức độ chăm chỉ của sinh viên thông qua số lần sinh viên đăng nhập vào hệ thống, số lần làm bài, thời lượng tham gia học và làm việc trên hệ thống, tần suất tham gia các diễn đàn. Từ đó, LMS cũng lọc ra sinh viên có kết quả học tập chưa đạt và nhắc nhở, tư vấn. 

Bộ GD-ĐT mới ban hành Thông tư 21 về quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng, với các nội dung như: điều kiện, nội dung đào tạo qua mạng, tổ chức thực hiện; trách nhiệm quản lý việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng. 

Tuy nhiên, TS Nguyễn Quốc Chính cho rằng: Hình thức đào tạo trực tuyến trên thế giới đã phát triển mạnh và bằng cấp được thừa nhận. Tại Việt Nam, bằng cấp của chương trình đào tạo từ xa, trực tuyến chưa được đánh giá cao. Chỉ có những người nào có nhu cầu thật sự thì mới dám học.

Trao đổi thêm về vấn đề của đào tạo từ xa và đào tạo trực tuyến, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), phân tích: Lo ngại về chất lượng đào tạo trực tuyến (đào tạo từ xa và các chương trình đào tạo trực tuyến một số trường đang triển khai để cấp bằng) là đúng, vì chịu ảnh hưởng của văn hóa chạy đua bằng cấp và sự tuyển dụng không minh bạch nên làm méo mó hình thức đào tạo này. Để đào tạo có chất lượng, ngoài việc cung cấp dịch vụ giáo dục online chất lượng thì nhu cầu tự thân người học rất quan trọng, học vì muốn cải thiện năng lực của bản thân. 

Ngoài ra, cơ quan quản lý (Bộ GD-ĐT) phải hình thành cơ chế kiểm soát chất lượng, dù học kiểu gì cũng phải đảm bảo chuẩn đầu ra, dựa theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam để công nhận văn bằng chứng chỉ cho người học. Đó là điều kiện đầu tiên cho tuyển dụng và phải căn cứ theo năng lực thực để tuyển dụng và sử dụng. Bên cạnh đó, việc dạy từ xa hay dạy trực tuyến phải có phương pháp và chiến lược để dạy hiệu quả; cùng với việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật (máy móc, thiết bị, phòng học ảo….) thì giảng viên cũng phải được đào tạo.

Tin cùng chuyên mục