Tấm lòng của người bán rong mắc bệnh ung thư

“Nhiều người qua lại có thể nhìn tôi với con mắt khinh bỉ vì nghĩ tôi là kẻ ăn mày”, ông Yeo Siak Eing nói. Nhưng họ không biết rằng ông không chỉ là một ông già bán hàng rong kiếm sống mà còn đang lan tỏa những giá trị thánh thiện nhất ở đây.

Sáng sáng, tại một góc của tòa nhà Eunos Crescent (Singapore), người ta thấy một ông già 74 tuổi ngồi với nhiều đồ vật cũ xung quanh. Đó là những đồ vật mà người ta bỏ đi và ông Yeo Siak Eing thu gom về cho “gian hàng” của mình. “Nhiều người qua lại có thể nhìn tôi với con mắt khinh bỉ vì nghĩ tôi là kẻ ăn mày”, ông Yeo Siak Eing nói. Nhưng họ không biết rằng ông không chỉ là một ông già bán hàng rong kiếm sống mà còn đang lan tỏa những giá trị thánh thiện nhất ở đây. 

Ông Yeo, được người dân xung quanh trìu mến gọi là “ông nội Ah Gong”. Ông không chỉ là người bán đồ cũ mà còn cho đồ những người nghèo khổ hơn cần đến. Thậm chí ông còn cho tiền những người nghèo, đặc biệt là người cao tuổi và lao động nhập cư. Tất cả những gì ông cần là kiếm được 40 đô la Singapore mỗi ngày và khuôn mặt hạnh phúc của những người xung quanh. Những người khác có thể thấy đám đông mua đồ cũ của ông, nhưng người dân và chính quyền trong khu vực này thấy “một cộng đồng”. Thầy giáo người Trung Quốc Mdm Xue chia sẻ : “Ông ấy mang lại niềm vui bằng cách tập hợp mọi người lại với nhau một cách ấm áp”. 

Ông Yeo có một căn hộ 3 phòng ngủ ở khu Eunos 30 năm nay, nhưng cụ ông độc thân này hiện đang sống với 2 người bạn trong một căn hộ khác ở khu Tampines. Căn hộ của ông đã trở thành kho chứa hàng cũ và dạo gần đây chứa đầy hàng, đến nỗi cái chỗ ngủ cũng không còn. 

Mỗi sáng, vào lúc 4 giờ 45 phút, sau khi tập thể dục, ông bắt đầu đi quanh khu dân cư ở Tampines để xem có nhặt được đồ gì để bán hay để cho đi không. Thói quen này chính xác như một cái đồng hồ. Có hôm phóng viên của CNA định gặp ông nhưng đến trễ chỉ 2 phút, ông đã đi rồi. Ông bắt đầu làm việc này cách đây khoảng một thập kỷ, nhưng không đều đặn vì khi đó ông đang làm nhiều việc khác. 5 năm gần đây, nó trở thành việc làm hàng ngày. Mỗi ngày, ông đón xe buýt từ Tampines đến Eunos. 

Ông Yeo dường như có sở trường kết nối. Đã có nhiều người, từ khách mua hàng đã trở thành “trợ tá” của ông. Đó là ông Kwek Sui Heng, mới về hưu. Thỉnh thoảng vào buổi sáng, người đàn ông 63 tuổi này giúp ông Yeo dọn hàng, nhận hàng và bán hàng. Hay như ông Mohd Amin, thường đến vào buổi tối và hay mang đến một số thứ mua từ một người bán rong khác. Hoặc ông Jasin Ng, sống ở Bedok nhưng đến Eunos ăn sáng, thường mang đến những món đồ mà ông nhặt được tại các bãi rác công cộng. Ông Jasin Ng để lại cho ông Yeo bán và xem như một phần giúp bảo vệ môi trường cho mọi người. Các món đồ ông Yeo nhặt nhạnh mang về, từ quần áo cũ đến đồ chơi người ta vứt đi, thường được bán với giá chỉ từ 1 đến 2 đô la Singapore. Phần lớn người mua là người già và người giúp việc. 

Bền bỉ làm việc như một cái đồng hồ, nhưng ít ai biết rằng ông đang kè kè bên người một bịch chứa chất thải buộc một người ung thư ruột kết phải mang. Ông bị phát hiện mắc bệnh ung thư ruột kết giai đoạn 3 cách đây 4 năm và đã trải qua 3 lần phẫu thuật. Những ngày này, sức khoẻ của ông yếu đi, ông sụt cân nhiều và không có cảm giác thèm ăn nữa. Nhiều người tranh thủ đến giúp ông coi sóc gian hàng. Sức khoẻ của ông Yeo thay đổi theo tuổi tác và bệnh tật, nhưng đối với cư dân ở đây, ông vẫn giữ được một điều bất biến. Đó chính là thái độ của ông đối với mọi người. Thân thiện, hòa nhã, không hề cáu gắt với ai…

Lòng tự trọng cũng là một trong những vốn quý của ông Yeo khiến bao người ngưỡng mộ. Nhiều người đến không mua đồ mà mua thức ăn mang đến cho ông. Tuy nhiên, ông Yeo vẫn một mực xin được trả tiền vì còn có nhiều người nghèo hơn mình cần được giúp đỡ. Đối với người đàn ông có trái tim ấm áp này, “tiền không quan trọng”. Điều quan trọng nhất là không phụ thuộc vào người khác.

Tin cùng chuyên mục