Talư vang tiếng đàn

Đàn Talư xưa nay
Talư vang tiếng đàn

Cùng với việc tích cực nghiên cứu để hoàn thiện kỹ nghệ phục chế các loại nhạc cụ truyền thống nguy cơ thất truyền, nghệ nhân Hồ Văn Việt còn là thành viên tích cực của Đội văn nghệ xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Tiếng đàn và lời ca của anh góp phần tạo “mồi lửa” cho việc sưu tầm những làn điệu dân ca nguyên bản nhằm bảo tồn, chuyển tải nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Pa Cô đến với công chúng.

Nghệ nhân Hồ Văn Việt cùng cây đàn Talư ngân nga điệu lal lih chủ đề đoàn kết trong dân ca Pa Cô.

Đàn Talư xưa nay

Bên bếp lửa bập bùng, giữa căn nhà sàn đơn sơ dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ, nghệ nhân Hồ Văn Việt say sưa nói về kỹ nghệ chế tác và cách chơi từng loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Pa Cô. “Cuộc sống mưu sinh gắn với dòng sông, con suối uốn lượn quanh rẫy lúa, nương ngô tác động lớn đến nhân cách và lối sống đặc trưng đồng bào Pa Cô. Nhạc cụ truyền thống gắn với đời sống tinh thần của đồng bào cũng hình thành theo đặc trưng ấy. Bằng những nguyên liệu sẵn có từ thiên nhiên như tre, nứa, lá cây cùng một số loại cây rừng cộng đôi bàn tay lao động khéo léo và đầu óc cảm nhận âm thanh tuyệt mỹ, các thế hệ Pa Cô đã chế tạo ra những nhạc cụ độc đáo như Par Ngoong - nhạc khí như chiếc tù và; Con Quẩy - nhạc cụ để liên lạc cho các đôi uyên ương. T’Ren và những khúc nhạc yêu đời làm bằng ống tre hoặc nứa, có hình dạng như một cây tiêu nhưng chỉ có 3 lỗ… Đặc biệt, Talư là một loại nhạc cụ không thể thiếu được trong các buổi văn nghệ, nam nữ giãi bày tình cảm hay giải trí lúc nghỉ ngơi, ru con, giao duyên, cầu mưa thuận gió hòa, mừng lễ hội… ở khắp các bản làng người Pa Cô”, nghệ nhân Hồ Văn Việt chia sẻ.

Đàn Talư có từ hàng trăm năm trước. Xưa chỉ cần chọn tre già, chắc bằng cổ tay, chặt một khúc dài khoảng 50-80cm, khoét thông hai đầu ống. Từ đây, cây đàn bắt đầu hoàn thiện các phần dây kết bằng sợi dứa dại se lại để điều chỉnh cho căng dây đàn. Thời chống chiến tranh, sức mạnh cổ vũ tinh thần của loại đàn này góp sức cùng bà con nơi đây tiếp lương, tải đạn, đi theo cách mạng. Nghệ nhân Hồ Văn Việt tiếp tục nói về loại nhạc cụ mình tâm huyết: “Đàn Talư đặt giữa lòng hai bàn tay, người chơi chỉ cần dùng hai ngón tay cái để gảy đàn, các ngón tay khác luân chuyển tùy theo từng điệu nhạc. Âm thanh đàn phát ra rất trong. Người chơi đàn có thể vừa đánh đàn vừa hát ca những bài mình yêu thích. Tiện nhất là đàn Talư có thể chơi bất cứ ở đâu, hoàn cảnh nào và không phân biệt già, trẻ, trai, gái”.

Để đàn em cất tiếng ca vang

Tại Liên hoan Dân ca Việt Nam năm 2015 khu vực Bắc Trung bộ vừa diễn ra tại TP Huế, với tiết mục dân ca làn điệu lal lih chủ đề đoàn kết, đoàn huyện Đakrông đạt thành tích xuất sắc. Để có được kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của cây đàn Talư do nghệ nhân Hồ Văn Việt chế tác và biểu diễn cùng Đội văn nghệ xã Tà Rụt. Nghệ nhân Kray Sức, cán bộ văn hóa xã Tà Rụt chia sẻ, còn rất ít người lớn tuổi am hiểu tường tận ý nghĩa sâu xa trong từng loại nhạc cụ của làn điều dân ca Pa Cô. Mai này chẳng may những con người ấy mất đi, e rằng những nét đẹp văn hóa ấy sẽ bị mai một.

“Bao trăn trở âm ỉ bấy lâu nay may sao được Hồ Văn Việt “mồi lửa” bằng trái tim đầy nhiệt huyết, luôn mong muốn giữ gìn, phát huy những nét đẹp truyền thống về văn hóa của đồng bào Pa Cô nên đã cần mẫn sưu tầm phục chế các loại nhạc cụ cổ rồi truyền dạy cho thế hệ trẻ về cách chơi. Bốn mươi tuổi nhưng Hồ Văn Việt không chỉ đam mê giữ gìn nghề truyền thống của cha ông mà còn tích cực tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương”, Kray Sức tự hào khi nói về nghệ nhân Hồ Văn Việt ở quê mình. Cũng theo Kray Sức, Talư là nhạc cụ dây, phổ biến trong cộng đồng dân tộc Pa Cô, Bru - Vân Kiều ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Đàn không có hình dáng chuẩn mực. Đặc biệt, đàn Talư làm bằng tre trước đây với 2 dây bằng sợi dứa dại se lại, điều chỉnh độ cao cách nhau quãng bốn hoặc quãng năm tùy theo địa phương thiết kế. Do không có bộ phận tăng âm nên tiếng đàn nhỏ và mảnh, cao độ âm thanh không chuẩn. Khắc phục những nhược điểm này, nghệ nhân Hồ Văn Việt đã dùng những cây mớc nhiều năm tuổi để tạo dáng cây đàn rồi treo trên giàn bếp cho khô. Tiếp đó, dùng cưa, đục đẽo thành các phần bầu dưới, thân trên, phần trên cùng, các cung bậc, dụng cụ điều chỉnh dây, dây đàn bằng đồng thay vì sợi dứa lâu nay… Với kiểu cách tân này, đàn Talư do nghệ nhân Hồ Văn Việt sáng chế nhìn bên ngoài gần giống cây đàn măng đô lin (của phương Tây) hay đàn nguyệt nhưng nhìn kỹ lại rất khác biệt, thân đàn có hình bầu dục thon hơn và có 3 dây. Tùy theo sở thích của từng người mà chế tạo đàn to hay nhỏ. Điều đặc biệt, cây đàn cách tân này vẫn giữ được âm thanh êm ái và trong trẻo như cây đàn Talư nguyên thủy. Thường đàn nhỏ dành cho phụ nữ, loại đàn to dành cho đàn ông đánh.

Trước khi chia tay núi rừng Trường Sơn, Kray Sức chia sẻ: “Giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc hiện nay hết sức khó khăn. Nhưng không học hỏi, gìn giữ những làn điệu dân ca là có tội với cha ông, với tổ tiên. Nếu không có những chính sách động viên kịp thời, có giải pháp duy trì và phát triển “thương hiệu” đàn Talư thì liệu trong nay mai còn ai chăm chút giữ lấy nghề truyền thống cha ông? Liệu cây đàn Talư tiếp tục được duy trì để đi cùng năm tháng như những ca từ đẹp trong bài hát Tiếng đàn Talư của nhạc sĩ Huy Thục: Đàn Talư em cất tiếng ca vang cùng núi rừng mừng thắng trận quê em...”...

Văn Thắng

Tin cùng chuyên mục