Sức sống của “huyền thoại” Lưu Quang Vũ

Mùa thu năm 1988, giới văn nghệ sĩ và người yêu sân khấu, yêu thơ bàng hoàng trước sự ra đi đột ngột của cặp vợ chồng nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh. 
 Một cảnh trong vở Hoa cúc xanh trên đầm lầy
Một cảnh trong vở Hoa cúc xanh trên đầm lầy

30 mươi năm trôi qua, dấu ấn Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh dường như vẫn vẹn nguyên trong ký ức những người yêu nghệ thuật. Tháng 8 này, khán giả lại một lần nữa chìm trong không gian Lưu Quang Vũ: Một vở diễn mới ra mắt ở Nhà hát Kịch Việt Nam, 4 vở tại Nhà hát Tuổi Trẻ, đặc biệt đêm thơ - nhạc - kịch tưởng nhớ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh tại Nhà hát Lớn.

Vẹn nguyên tính thời sự 

Có thể nói, sức sống trường tồn của các kịch bản sân khấu Lưu Quang Vũ đã giúp các thế hệ đạo diễn ngày nay tìm thấy nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận. Từ kịch nói đến kịch hình thể, không một biên độ giới hạn nào được mở ra có thể ngăn được sức sáng tạo của các đạo diễn. Kịch của ông luôn luôn nồng đượm hơi thở của đời sống hiện đại, với những vấn đề luôn nóng hổi tính thời sự được phát hiện từ con mắt và tấm lòng tràn đầy yêu thương của ông với cuộc đời. Lưu Quang Vũ được xem là kịch tác gia lớn nhất trong văn học Việt Nam những năm cuối của thế kỷ 20. 

Nếu trước kia, Nhà hát Tuổi Trẻ được coi là bệ phóng cho những kịch bản đầu tiên của kịch tác gia Lưu Quang Vũ cất cánh thì vài năm trở lại đây, việc dựng lại các vở diễn của ông lại là một trong những cách đưa khán giả trở lại với sân khấu kịch.

Nhà hát Tuổi Trẻ vẫn chọn dựng lại kịch của tác giả tài ba này, từ vở thể hình Hồn Trương Ba, da hàng thịt cho tới những vở kịch nói như Ai là thủ phạm, Lời nói dối cuối cùng, Mùa hạ cuối cùng, Lời thề thứ chín và mới đây là Hoa cúc xanh trên đầm lầy. “Mọi người luôn lo lắng kịch Lưu Quang Vũ hơi cũ, nhưng tới rạp sẽ thấy khác. Kịch anh Lưu Quang Vũ vẫn hút khách, khán giả quan tâm và còn thích xem”, đạo diễn Nguyễn Sỹ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, nói. Thời buổi sân khấu thưa vắng khách, nhà hát vẫn bán được mấy chục triệu đồng tiền vé cho mỗi đêm kịch Lưu Quang Vũ là ổn lắm rồi. Và trong những ngày tháng 8 này, các vở kịch của ông lại sáng đèn trên sân khấu. 

Phân tích về sức sống trong những kịch bản của Lưu Quang Vũ, TS Nguyễn Thị Minh Thái từng chia sẻ: “Những vấn đề thời sự - xã hội nóng hổi được đưa vào trong kịch Lưu Quang Vũ cho đến nay vẫn còn vẹn nguyên tính thời sự, vẫn ám ảnh người xem. Hơn thế, có vở kịch của Lưu Quang Vũ đã chạm tới vấn đề có tính thời sự - nhân văn ở phạm vi toàn cầu, như trường hợp vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. 

Truyền sức sống cho sân khấu hiện đại

Cùng với việc dựng lại Hoa cúc xanh trên đầm lầy, kịch bản sân khấu hiếm hoi hàm chứa yếu tố giả tưởng của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, trong những ngày tháng 8 này, vở Nguồn sáng trong đời, một trong những tác phẩm cho thấy rõ tư tưởng của Lưu Quang Vũ về lòng nhân ái, sự cao thượng, lẽ sống và bản chất của nghệ thuật cũng được Nhà hát Kịch Việt Nam khởi dựng. Đảm nhận vai trò đạo diễn cho vở, NSND Hoàng Dũng chia sẻ từng có nhiều nơi dàn dựng vở Nguồn sáng trong đời, song để phù hợp với sân khấu hiện đại, đạo diễn loại bỏ các diễn biến phụ để gói gọn trong thời lượng 120 phút. “Vở diễn ngày nay tất nhiên phải mang cách vận động, thoại mới mẻ. Đối thoại kịch trước đây có tính văn học cao, bây giờ, lời thoại “đời” hơn”, NSND Hoàng Dũng chia sẻ.

Mổ xẻ việc các nhà hát cứ chọn dựng lại tác phẩm của Lưu Quang Vũ, đạo diễn Sỹ Tiến cho rằng chính là do kịch bản của ông với câu chuyện mở rộng trí tưởng tượng của người xem, đạo diễn không bị bó hẹp ở biến cố xã hội. “Kịch Lưu Quang Vũ tính triết lý cao. Tác giả là nhà thơ nên câu chuyện ngọt ngào, lời thoại dễ nghe và quan trọng là chính nhờ tính triết lý nên câu chuyện không bị lạc hậu, ít lên gân. Kịch Lưu Quang Vũ thường dựa vào biến cố, nhưng nó không phải yếu tố chính chi phối, đó chỉ là cái cớ để ông phát triển quan hệ con người, quan hệ xã hội”, đạo diễn Sỹ Tiến nói. Câu chuyện xảy ra trên sân khấu, khán giả sẽ liên hệ đến thực tại và những gì xảy ra xung quanh mình với những hỉ - nộ - ái - ố cùng với ước mơ về những giá trị chân, thiện, mỹ bên cạnh sự thờ ơ lãnh đạm, thói ranh ma... Và hơn nữa, tác giả muốn phơi bày “tính ác” của con người.

Thắp lên nguồn cảm hứng mãnh liệt mà tình yêu và tài năng của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh dành tặng cuộc đời trong quãng thời ngắn ngủi họ được sống, được yêu và được cống hiến, tối 26-8, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, gia đình của 2 nghệ sĩ, Nhà hát Tuổi Trẻ, Đài Truyền hình Việt Nam và Báo Dân Việt cùng phối hợp tổ chức đêm thơ nhạc Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh - Tình yêu ở lại. Chương trình gồm 3 phần, phần 1 là những bài thơ, ca khúc được phổ nhạc của 2 tác giả. Phần thứ 2 là những hồi ức đẹp nhất, những kỷ niệm lần đầu được kể về hình ảnh của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh trong trí nhớ và tình yêu bè bạn. Phần 3 là trích đoạn vở kịch nổi tiếng Hoa cúc xanh trên đầm lầy. Đêm diễn sẽ được ghi hình và phát sóng trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam vào ngày 29-8-2018.

Tin cùng chuyên mục