Sức bật tăng trưởng công nghiệp cuối năm

Sở Công thương TPHCM cho biết, chỉ số công nghiệp (IIP) TP tháng 9-2017 ước tăng 0,49% so với tháng trước và tăng 10,3% so với tháng cùng kỳ năm 2016.
Các startup làm việc trong không gian Sáng kiến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp
Các startup làm việc trong không gian Sáng kiến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017 ước tăng 7,84% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, để đạt được kế hoạch đặt ra là tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2017 ở mức 8,4% - 8,7%; trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,5% thì nhiệm vụ 3 tháng cuối năm của TP còn rất nặng nề.

Ngành điện, điện tử tăng đột biến

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết trong tháng 7 Âm lịch, sản xuất một số ngành giảm hoặc tăng chậm do xu hướng của người dân hạn chế tiêu dùng, đầu tư lớn như động thổ xây nhà, mua xe, khai trương cửa hàng… nên chỉ số IIP 8 tháng chỉ tăng 7,31%, thấp hơn mức tăng của 6 tháng (7,51%). Tuy nhiên, tình hình này đã được cải thiện trong cả quý 3-2017 với chỉ số IIP đạt 7,84%. Dự báo chỉ số này sẽ còn tăng trong quý 4-2017, bởi đây là thời điểm có nhiều ngày lễ, tết, tiềm năng thị trường tiêu thụ được mở rộng, tạo động lực cho các doanh nghiệp gia tăng sản xuất. 

Ngành sản xuất hàng điện - điện tử vẫn tiếp tục dẫn đầu tốc độ tăng trưởng với mức tăng lên tới 41,05%, chênh lệch cách biệt so với mức tăng cùng kỳ 9 tháng năm 2016 là 9,13%. Còn những ngành công nghiệp trọng điểm khác như cơ khí chế tạo, chế biến lương thực - thực phẩm, hóa chất - nhựa - cao su có mức tăng trưởng nhẹ, từ hơn 3% - 6% so với cùng kỳ. 

Lý giải vấn đề này, đại diện Sở Công thương cho biết, sở dĩ ngành hàng điện - điện tử có tốc độ tăng trưởng mạnh là do các doanh nghiệp FDI không ngừng mở rộng quy mô sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu. Tính chung 9 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện điện tử đã đạt 6,14 tỷ USD, tăng 36,1%, chiếm 27,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, trừ dầu thô của thành phố. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm trên tập trung chủ yếu ở Khu công nghệ cao, chiếm hơn 90% và phần lớn là sản phẩm của Samsung và Intel. Còn với ngành chế biến, 9 tháng ước tăng 3,04%, thấp hơn cùng kỳ năm 2016 (tăng 11,46%). Nguyên nhân do các doanh nghiệp ngành đồ uống, đặc biệt là sản xuất bia phải thực hiện điều tiết sản lượng phù hợp với nhu cầu thị trường, vốn đang chịu tác động của việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. 

Tương tự, ngành hóa chất - nhựa - cao su cũng chưa tăng trưởng mạnh vì nhiều doanh nghiệp đang phải di dời và tái cơ cấu lại sản xuất. Ngoài ra còn những khó khăn khách quan khác như giá nhựa PP và PE nội địa tăng từ tháng 7-2017 do giá chào hàng nhập khẩu tăng; mức tiêu thụ cao su thiên nhiên trong nước để chế biến sản phẩm còn ít nên ngành cao su phải xuất khẩu nguyên liệu thô, khoảng 70% tổng sản lượng… cũng tác động đáng kể đến hoạt động của ngành. 

Riêng ngành cơ khí chế tạo có mức tăng trưởng 9 tháng ước tăng 5,75% nhưng không đồng đều ở các phân ngành. Phân ngành sản xuất xe có động cơ tháng 9 tăng rất cao, đạt 35,37%, trong khi những ngành còn lại có mức tăng không đáng kể. 

Đẩy mạnh kết nối cung - cầu

Ông Phạm Thành Kiên nhấn mạnh, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8,5% trong năm 2017, chỉ số IIP bình quân tăng thêm 0,22%/tháng, giải pháp kết nối cung cầu sẽ là biện pháp chủ chốt để tạo sức bật cho ngành công nghiệp thành phố phát triển. 

Trên thực tế, xu hướng thị trường cho thấy khối đầu tư FDI tại địa bàn TPHCM và các địa phương lân cận đang có sự gia tăng quy mô sản xuất. Trong đó, phải kể đến những doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Điện tử Samsung, Công ty Điện tử Sneider Electronics, Công ty cổ phần Daehan Motors, Vinh Phat Motor... Do vậy, để đón đầu cơ hội đưa doanh nghiệp nội tham gia cung ứng sản phẩm cho các công ty trên, Sở Công thương TP đã chỉ đạo Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ (CSID) tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu sản phẩm cho các đơn vị sản xuất công nghiệp hỗ trợ với các đối tác. Sở Công thương TP thực hiện song song 3 giải pháp chính, đó là thông tin chi tiết sản phẩm mà các tập đoàn FDI như Samsung, Daehan, Intel… tìm kiếm nhà cung ứng nội địa. Định kỳ 2 - 3 tháng, CSID hỗ trợ giới thiệu 10 - 15 doanh nghiệp trong nước cho các tập đoàn trên xem xét để đưa vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Với những doanh nghiệp chưa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng được đánh giá có tiềm năng, sở sẽ cùng chuyên gia của các tập đoàn triển khai giải pháp hỗ trợ cải tiến năng suất trong 3 tháng để hoàn thiện các tiêu chí trở thành nhà cung ứng toàn cầu. Tính đến nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất như Ngân Hà, Phước Thành, Minh Nguyên, Hiệp Phước Thành, Tiến Thịnh, Vietronics Bình Hòa, Việt Hưng Sài Gòn, Việt Nhật… đang từng bước gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, có những doanh nghiệp đã khẳng định vị trí nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung, Daehan, Intel… 

Sở Công thương cũng kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo Ban quản lý Các khu chế xuất - khu công nghiệp rà soát quỹ đất phục vụ phát triển công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ. Cần thiết bố trí quỹ đất với tỷ lệ nhất định, ít nhất là 10% trong các khu công nghiệp với quy mô diện tích và khung giá cho thuê phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phối hợp quy hoạch, bố trí các phân khu công nghiệp hỗ trợ trong khu công nghiệp.

Ông Shim Won Hwan, Tổng giám đốc Tập đoàn Samsung tại Việt Nam, nhấn mạnh để có thể tham gia bền vững vào chuỗi cung ứng sản phẩm phụ trợ toàn cầu, doanh nghiệp trong nước cần mạnh dạn đầu tư đổi mới máy móc công nghệ, nâng cao kỹ năng tay nghề cho lực lượng lao động và cập nhật xu thế thị trường. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải chủ động cơ cấu lại sản xuất, tích cực đổi mới; chủ động tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, liên kết quá trình sản xuất của các tập đoàn lớn trên thế giới để mở rộng thị trường xuất khẩu và tranh thủ tiếp thu công nghệ mới.

Tin cùng chuyên mục