Sức bật của văn học trẻ đồng bằng

Sau thế hệ 7X đã định danh trên văn đàn, văn học trẻ của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang có sự chuyển giao thế hệ với những gương mặt đầy sung sức và tài năng. Không chỉ làm rạng danh văn học trẻ ĐBSCL, họ còn góp phần tạo nên một màu sắc khác biệt cho văn học trẻ nước nhà. 
Tác giả trẻ Trương Chí Hùng nhận giải nhất cuộc thi Bút ký ĐBSCL năm 2018, bên cạnh là nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Ảnh: QUỐC TUẤN
Tác giả trẻ Trương Chí Hùng nhận giải nhất cuộc thi Bút ký ĐBSCL năm 2018, bên cạnh là nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Ảnh: QUỐC TUẤN

Những cây bút tài năng 

Có một điều đặc biệt trong mùa sách hè năm nay của NXB Kim Đồng: trong 6 đầu sách đến từ miền Tây thì cả 6 tác giả cùng xuất thân ở An Giang. Trong đó, ngoài 3 nhà văn thuộc thế hệ đàn anh là Mai Bửu Minh, Hoàng Mai Quyên và Trần Tùng Chinh thì 3 tác giả còn lại cùng thuộc thế hệ 8X: Nghiêm Quốc Thanh, Trương Chí Hùng và Trần Hoàng Trâm. 

Trước tập tản văn Mật nắng biên thùy vừa xuất bản, Nghiêm Quốc Thanh (sinh năm 1983) từng có tập thơ Ta qua triền dốc nắng cùng các tác phẩm dành cho thiếu nhi: Lễ hội Ok-Om-Bok, Đố biết tớ là ai. Giống như Nghiêm Quốc Thanh, Trương Chí Hùng (34 tuổi) cũng từng xuất bản tập thơ Một nửa nhà quê trước khi có tập tản văn Trong sương thương má, vừa ra mắt. Đặc biệt, vào năm 2017, anh còn đoạt giải nhất cuộc thi Bút ký Văn học khu vực ĐBSCL lần 7.  

Xuất hiện đầy cá tính từ những ngày còn học phổ thông, đến nay Trần Hoàng Trâm (30 tuổi) đã có 5 tập sách, trong đó truyện dài Vừa buông tay đã thành xa lạ (NXB Kim Đồng) là tác phẩm mới nhất.

Ngoài 3 gương mặt trên, thế hệ 8X ở ĐBSCL còn có nhiều cái tên hiện đang hoạt động sôi nổi trong đời sống văn học trẻ nước nhà như: Lê Minh Nhựt, Trương Trọng Nghĩa, Nguyễn Mạnh Hà, Trần Sang, Nguyễn Đức Phú Thọ, Trương Tuấn, Phan Duy… 

Lê Quang Trạng (23 tuổi) cũng là một tác giả của An Giang, ra mắt truyện dài thiếu nhi Thủ lĩnh băng vịt đồng (NXB Kim Đồng). Sau 4 tháng ra mắt, cuốn sách nhanh chóng được tái bản. Lê Quang Trạng bắt đầu viết từ những năm 14, 15 tuổi và sớm bộc lộ năng khiếu văn chương qua những truyện ngắn chững chạc từng được in trong tập Dòng sông không trôi (NXB Văn hóa - Văn nghệ 2016).

Ngoài văn xuôi, Lê Quang Trạng còn làm thơ, từng xuất bản tập thơ Áp tai vào đất vào năm 2017. Xuất hiện rải rác từ trước trên các báo trung ương và địa phương, nhưng phải đến cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 6, cái tên Phát Dương (24 tuổi) mới thực sự để lại ấn tượng và kỳ vọng qua tập truyện ngắn Tự nhiên say. Tập truyện được viết dung dị, duyên dáng, đâu đó lóe lên khát khao được làm mới và khác biệt với những cây bút cùng thế hệ ở đồng bằng. 

Vượt qua áp lực 

Nhắc đến thế hệ 7X của văn học ĐBSCL là nhắc đến những cái tên đã tạo dựng được tên tuổi như: Nguyễn Ngọc Tư, Võ Diệu Thanh, Nguyễn Thị Việt Hà, Trần Tùng Chinh, Trầm Nguyên Ý Anh, Nguyễn Thị Diệp Mai… Đặc biệt, sự thành công cả trong nước lẫn nước ngoài của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vô hình trung đang phủ lên văn học trẻ đồng bằng một cái bóng quá lớn, đây cũng chính là áp lực cho các tác giả trẻ hiện nay. 

Tác giả Phát Dương bày tỏ: “Là thế hệ trẻ, chuyện gặp áp lực từ những tên tuổi vang danh trên văn đàn với chúng tôi là chuyện sẽ phải xảy ra. Dĩ nhiên, tôi sẽ bị so sánh, nhưng tôi nghĩ là “được so sánh”, vì ở hiện tại khi ai đó nói tôi viết giống người nào đó thì mang ý khích lệ nhiều hơn. Còn sau này, nếu như tôi tiếp tục bị so sánh và không thoát khỏi cái bóng của những cổ thụ trong vườn văn học thì thật sự là một chuyện đáng thất vọng”. 

Đó cũng chính là tâm tư của Lê Quang Trạng khi anh cho biết: “Là thế hệ kế tiếp những anh chị đã thành danh, tôi cảm thấy vừa là niềm tự hào, vừa là động lực phấn đấu. Tham vọng của người viết trẻ mới vào nghề, thường nhìn vào những “ngọn núi” gần mình nhất để làm thước đo phấn đấu. Vậy nên, thước đo càng cao, tuy có phần gây áp lực nhất thời, nhưng tôi tin với một người viết tỉnh táo và dấn thân, thì đó là nguồn động lực lớn để vượt thoát không chỉ với chính mình, mà còn với chính vùng đất “ao làng” để vươn ra xa hơn nữa”.

Những người bắt đầu cầm bút, việc được giao lưu, cọ xát là một cơ hội quan trọng để trưởng thành. Tuy nhiên, hiện tại ở ĐBSCL không có nhiều sân chơi. Ngoài CLB Văn thơ của Trường Đại học An Giang, Gia đình Áo Trắng thành lập hơn 10 năm nay cũng của An Giang, chỉ có duy nhất cuộc thi thơ, truyện ngắn, ký ĐBSCL được tổ chức chung cho tất cả các đối tượng sinh ra ở đồng bằng. Cây bút trẻ Phát Dương chia sẻ: “Cá nhân tôi cảm nhận có thể môi trường văn học ở ĐBSCL hiện tại chưa đủ mạnh để những cây bút trẻ phát triển, nhưng tương lai, chắc chắn sẽ tốt hơn vì mọi người đều đang nỗ lực cho điều đó”.

Từ kinh nghiệm cá nhân, tác giả Lê Quang Trạng đúc kết: “Bản thân tôi cũng từng là một cậu học sinh trường làng, hoàn toàn không biết gì về thế giới của những người viết. May mắn gặp gỡ được những anh chị viết lách, tạo nên mối quan hệ gắn kết với nhiều người đi trước, giúp mình hòa vào chung không khí văn học của tỉnh nhà, khu vực… Tất nhiên, nghề văn là nghề không ai dạy ai một cách bài bản được, nhưng không có một cộng đồng hay một không khí giữa người trước và người sau thì rất khó để người viết trẻ vững bước, hòa mình và tìm ra giọng nói riêng được”.

Tin cùng chuyên mục