Sửa luật để xử nghiêm “cát tặc”

UBND TPHCM vừa ban hành 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, xử phạt Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Quốc tế Mê Kông (trụ sở tại quận Tân Bình, TPHCM) và Công ty TNHH Thương mại Đại Phương Nam (trụ sở tại huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) mỗi doanh nghiệp 95 triệu đồng về hành vi khai thác cát trái phép tại vùng biển Cần Giờ (TPHCM). 

Ngoài hình thức xử phạt chính, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Quốc tế Mê Kông bị tịch thu 509,1m3 cát do khai thác trái phép mà có và một tàu hút dùng làm phương tiện để khai thác cát trái phép; Công ty TNHH Thương mại Đại Phương Nam bị tịch thu 614m3 cát khai thác trái phép, một tàu hút là phương tiện để khai thác cát trái phép.

Tổng giá trị tang vật, phương tiện vi phạm bị tịch thu của mỗi doanh nghiệp lên đến gần 10 tỷ đồng. Dẫu vậy, dường như những trường hợp bị xử phạt vẫn chưa đủ sức răn đe nên tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh vận chuyển cát trên các tuyến sông thuộc địa bàn TPHCM vẫn còn phức tạp. 

Từ thực tiễn thời gian qua cho thấy, một trong những khó khăn dẫn đến tình trạng khai thác cát trái phép chưa được xử lý triệt để là do quy định của pháp luật chưa phù hợp thực tế. Theo Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), đối tượng khai thác cát trái phép chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi xác định thu lợi bất chính trên 100 triệu đồng, hoặc giá trị tang vật là cát trên 500 triệu đồng, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm. Do định lượng giá trị tang vật hoặc giá trị thu lợi bất chính để cấu thành tội phạm quá cao, nên không ít vụ việc tuy bị phát hiện nhưng khó để khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, tổ chức hoạt động khai thác cát trái phép.

Ngoài ra, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản theo Nghị định 33/2017 còn nhiều điểm bất hợp lý. Chẳng hạn, hành vi khai thác cát trái phép chỉ bị tịch thu phương tiện khi tang vật là trên 50m3 cát; vì thế nhiều đối tượng khai thác cát trái phép trên sông đối phó bằng việc chỉ khai thác bằng các tàu nhỏ dưới 50m3, sau đó bơm qua các phương tiện vận chuyển khác. Đối với hành vi vận chuyển khoáng sản lậu, bất hợp pháp (cụ thể là cát), theo quy định hiện hành thì chỉ bị xử phạt hành chính với mức xử phạt rất thấp và không bị tịch thu phương tiện vận chuyển.Kẽ hở của pháp luật đã bị các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm!

Lợi nhuận cao từ việc khai thác cát trái phép, cùng với nhu cầu lớn về cát của các dự án, công trình, trong khi biện pháp chế tài không đủ mạnh, khiến cho “cát tặc” không ngần ngại hoạt động. Do vậy, việc sửa đổi quy định trong Bộ luật Hình sự theo hướng giảm định lượng cấu thành tội phạm đối với hành vi khai thác cát trái phép là cần thiết. Đồng thời, cần sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính, quy định tịch thu phương tiện vận chuyển đối với hành vi vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc. Chỉ khi có chế tài thật nghiêm khắc, thì việc xử lý “cát tặc” mới hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục