Sự vô cảm của xã hội làm tăng tình trạng bạo lực học đường

PHẠM VĂN CHUNG

Tình trạng vô cảm đối với các vấn đề của xã hội ngày càng tăng, khía cạnh nào đó đã phản ánh sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Minh chứng rõ nhất là tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng nghiêm trọng, đặc biệt là tình trạng nữ sinh đánh nhau, nhất là đánh hội đồng và quay clip tung lên mạng thời gian gần đây diễn ra khá thường xuyên, liên tục.

Nguyên nhân chủ yếu là do các cơ quan chức năng chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý hữu hiệu, phần nào đó là buông lỏng, xem nhẹ hành vi bạo lực, phản cảm này. Bên cạnh đó, sự phản ứng của dư luận xã hội chưa đủ mạnh, chưa thể hiện thái độ lên án gay gắt đối với hành vi bạo lực trên. Thậm chí trong nhiều vụ việc, một bộ phận còn hưởng ứng, hùa theo những hành vi vô văn hóa của những đứa trẻ hư bằng việc phát tán, bình luận trên các trang mạng xã hội hết sức phản cảm.

Đa số học sinh tham gia đánh nhau là học sinh phổ thông trung học, ở độ tuổi 14, 15. Đây là độ tuổi rất hiếu động, muốn thể hiện mình nhưng thể chất và tinh thần thì phát triển chưa ổn định, đầy đủ. Do đó, khả năng bắt chước lẫn nhau dẫn đến các hành động vi phạm pháp luật mà không hề hay biết đó là hành vi phạm pháp.

Tình trạng học sinh đánh bạn và phát tán lên mạng không những đã xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác mà còn để lại hậu quả nặng nề về tâm lý, tinh thần lâu dài về sau. Thực tế đã có nhiều em vì quá căng thẳng tâm lý, cảm giác bất an, xấu hổ với bạn bè, người thân mà tìm đến cái chết để giải thoát, cho dù các em là nạn nhân và hoàn toàn không có lỗi gì.

Việc ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường là rất quan trọng, không những góp phần nâng cao nhân cách, đạo đức cho thế hệ trẻ mà còn ngăn ngừa những vụ việc đáng tiếc, tiêu cực có thể xảy ra. Vì vậy, rất cần có sự chung tay giải quyết của các bậc phụ huynh, nhà trường và toàn xã hội. Trong đó, phải thường xuyên giáo dục nâng cao hiểu biết pháp luật, nhân cách đạo đức cho các em thông qua các buổi tuyên truyền trực tuyến hoặc các hoạt cảnh sinh động, sân khấu hóa. Khi có vụ việc xảy ra, các bên liên quan cần có bước đi hợp lý để giải quyết triệt để vụ việc, trong đó các nhà mạng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn kịp thời các clip nguy hại, bạo lực, tránh việc phát tán rộng ra xã hội.

Ngoài ra, dư luận xã hội cần thể hiện thái độ có trách nhiệm, lên án gay gắt đối với hành vi bạo lực học đường, tránh tình trạng vô cảm, thờ ơ hoặc tiếp tay cho hành vi này bằng việc phát tán, bình luận vô trách nhiệm, có thể gây ra hậu quả xấu đối với các em là nạn nhân. Điều này sẽ góp phần quan trọng vào việc giúp phòng ngừa, giải quyết triệt để tình trạng bạo lực học đường.

PHẠM VĂN CHUNG
Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum

Tin cùng chuyên mục