Sử dụng lãng phí sẽ thiếu nguồn nước

Đó là cảnh báo của ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Dầu Tiếng khi trao đổi với phóng viên Báo SGGP trong lần tiếp xúc gần đây.
Sử dụng lãng phí sẽ thiếu nguồn nước

Đó là cảnh báo của ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Dầu Tiếng khi trao đổi với phóng viên Báo SGGP trong lần tiếp xúc gần đây.

Sử dụng lãng phí sẽ thiếu nguồn nước ảnh 1

Nhân viên Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TPHCM kiểm tra mực nước kênh Đông bảo đảm cung ứng đủ nước sản xuất mùa khô 2016. Ảnh: Cao Thăng



Tưới luân phiên và tiết kiệm

Kết thúc mùa mưa 2015, hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) chỉ tích nước ở cao trình 23m (1,28 tỷ m3 nước), so với mực nước thiết kế là 24,4m (tương đương hơn 1,5 tỷ m3). Như vậy, việc tích nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho khu dân cư và công nghiệp năm 2016 khu vực (Tây Ninh, Bình Dương, Long An, TPHCM) chỉ đạt trên 70% dung tích, thiếu hụt 300 triệu m3 nước. Đây là con số không nhỏ trong bối cảnh khô hạn có nguy cơ kéo dài trong mùa khô 2016. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP những ngày giáp tết, ông Lê Văn Dũng cho biết, việc tích nước cao trình 23m sau mùa mưa không phải là lần đầu trong 30 năm hoạt động của hồ Dầu Tiếng, nhưng so với mấy năm qua thì đây lại là năm có mực tích nước khá thấp trong bối cảnh nhu cầu sử dụng cho cả sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và công nghiệp ngày càng tăng. Giữa năm 2015, nhận định về khả năng bất lợi của thời tiết, lãnh đạo công ty đã quyết định chuyển nước từ hồ Phước Hòa (Bình Dương) về hồ Dầu Tiếng. Điều này có nghĩa, nếu như không có nguồn nước từ hồ Phước Hòa thì mực nước hồ Dầu Tiếng sẽ còn thấp hơn so với cao trình 23m. Qua đó cho thấy, diễn biến thời tiết mùa mưa năm 2015 do chịu tác động của El Nino (các nhà khí tượng nhận xét là mạnh nhất trong khoảng 60 năm qua) nên thời tiết cả nước diễn biến một cách bất thường, hầu hết các hồ chứa đều không tích đủ lượng nước thiết kế do lượng mưa thấp.

Chính vì bất lợi này, ngay từ tháng 12-2015, lãnh đạo công ty và đại diện các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và TPHCM đã có cuộc họp để cùng phối hợp hành động sao cho hiệu quả và tiết kiệm nhất. Theo ông Lê Văn Dũng, các đơn vị thống nhất phương án tưới nước luân phiên và tiết kiệm ngay tại từng địa phương. Trong 1 tuần, hồ Dầu Tiếng cung cấp nước tưới 3 ngày cho vùng sản xuất nông nghiệp TPHCM, 4 ngày còn lại cho khu vực Tây Ninh, Bình Dương… Chính nhờ việc tưới luân phiên này nên đến nay, sau khi đã phục vụ nguồn nước cho vụ sản xuất đông xuân 2015-2016 được hơn nửa chặng đường, mực nước hồ mới giảm xuống cao trình 21,6m (ngày 4-2). Riêng 1 tuần trước và sau Tết Bính Thân 2016, nguồn nước được cung cấp đều đặn cho toàn vùng. Có thể nói, đây là sự cố gắng đầy ý nghĩa và dũng cảm của lãnh đạo công ty  trong bối cảnh thiếu hụt nguồn nước luôn là điều có thể xảy ra. Ông Lê Văn Dũng cho biết, sẽ đảm bảo nguồn nước cho đến mùa mưa 2016, với điều kiện phải biết tiết kiệm, vì nếu lãng phí, sử dụng bừa bãi có thể bị thiếu hụt nếu mùa khô 2016 kéo dài so với bình thường nhiều năm.   

TPHCM sử dụng nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt chủ yếu từ hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai và hệ thống sông Vàm Cỏ, trong đó, hồ Dầu Tiếng (tỉnh Tây Ninh) là nguồn nước ngày càng có vai trò quan trọng. Bên cạnh việc tích nước giúp cắt lũ mùa mưa, cung cấp nước sản xuất nông nghiệp và xả nước ngăn mặn vùng hạ du mùa khô, hồ Dầu Tiếng còn là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho các khu công nghiệp cả khu vực, đặc biệt là TPHCM.

Bất lợi nơi cuối nguồn

Mặc dù TPHCM có những ưu thế khi sử dụng nguồn nước từ hồ Dầu Tiếng, dù có dưới mực nước chết (17m) nhưng khả năng thiếu hụt nguồn nước là điều luôn có thể xảy ra khi ở cuối nguồn, trong bối cảnh nguồn nước khan hiếm. Bộ NN-PTNT nhìn ra điều này từ lâu nên đã có kế hoạch xây dựng thêm hồ thủy lợi Phước Hòa (giữa Bình Phước và Bình Dương). Đây là hồ có vai trò điều tiết nước cho hồ Dầu Tiếng. Bên cạnh việc cung cấp nước tưới hàng chục ngàn hécta đất nông nghiệp cho các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Long An, Tây Ninh, còn có dòng kênh dẫn với chiều dài 40,5km để đưa nước từ hồ Phước Hòa về bổ sung nguồn nước cho hồ Dầu Tiếng. Từ năm 2012, hồ Phước Hòa bắt đầu đi vào hoạt động, tạo thành hệ thống công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa liên hoàn để nâng cao khả năng cung cấp nguồn nước tưới, đặc biệt là nước sinh hoạt và công nghiệp, kể cả nước tưới theo nhu cầu sản xuất nông nghiệp cho cả khu vực. Vây nhưng, vì nhiều lý do, công trình Phước Hòa dù đi vào hoạt động, nhưng chưa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật thiết kế nên việc cung cấp nước cho hồ Dầu Tiếng không như mong muốn, làm ảnh hưởng đến việc cung cấp nguồn nước cho cả khu vực.

Trong khi TPHCM ở cuối nguồn nên dễ rơi vào tình huống thiếu hụt nếu như người dân và lãnh đạo các địa phương có nguồn nước chảy qua chưa thật sự ý thức chia sẻ việc khan hiếm nước. Điều này cũng được ông Nguyễn Văn Đam, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác thủy lợi TPHCM, chia sẻ: “Trước đây, kênh Đông được xây dựng chủ yếu cấp nước cho TPHCM, nhưng khi có hồ thủy lợi Phước Hòa, dòng kênh này có thêm nhiệm vụ cung cấp nguồn nước cho 2 huyện Đức Hòa, Đức Huệ (Long An) và Tân Biên (Tây Ninh). Việc chia sẻ trong bối cảnh nguồn nước chuyển tiếp từ hồ Phước Hòa về chưa được như mong muốn, cũng với lượng nước đó mà chia cho 2 khu vực khác sẽ tác động tiêu cực đến việc sử dụng ở cuối nguồn như TPHCM, khi mà việc quản lý và sử dụng chủ yếu dựa trên sự tự giác”.

Công Phiên

Tin cùng chuyên mục