Sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao

Chương trình Mekong 1000 được khởi động từ năm 2005 với mục tiêu đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ sau đại học ở nước ngoài để góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa vùng ĐBSCL. Từ đó, việc liên kết lại để sử dụng hiệu quả nhất nguồn nhân lực từ chương trình đang là vấn đề cấp thiết đặt ra cho các địa phương vùng ĐBSCL.
Sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao

Chương trình Mekong 1000 được khởi động từ năm 2005 với mục tiêu đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ sau đại học ở nước ngoài để góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa vùng ĐBSCL. Từ đó, việc liên kết lại để sử dụng hiệu quả nhất nguồn nhân lực từ chương trình đang là vấn đề cấp thiết đặt ra cho các địa phương vùng ĐBSCL.

ĐBSCL rất cần nguồn nhân lực trẻ, năng động, trình độ cao

Đáp ứng nhu cầu phát triển

Ông Lê Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: Đến nay, sau 10 năm thực hiện chương trình Mekong 1000, các địa phương đã đưa 552 ứng viên đi đào tạo tại 160 viện trường ở 23 quốc gia ở khắp 4 châu lục. Các ngành học theo nhu cầu và định hướng phát triển chủ yếu gồm: kinh tế, tài chính, thương mại, quản lý dự án, công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, nông nghiệp, thủy sản, luật, giáo dục và quản lý giáo dục, công nghệ thông tin, xây dựng và quản lý xây dựng… Đa phần các ứng viên được đào tạo tại những trường có uy tín, chất lượng và chính sách hỗ trợ tốt ở các quốc gia có nền giáo dục hiện đại, trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến như: Anh, Úc, Nhật Bản, Đức, Bỉ, Hoa Kỳ, Hà Lan, Pháp, Canada, Na Uy… Tổng kinh phí phục vụ chương trình này là hơn 19 triệu USD. Có gần 400 ứng viên sau khi tốt nghiệp về nước đã được bố trí công việc thuận lợi, phát huy tốt năng lực, đạt hiệu quả cao trong công việc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương và vùng ĐBSCL. Chỉ có 2% số ứng viên vì các lý do khác nhau như kết hôn tại nước ngoài trong thời gian du học, vì mục đích thu nhập kinh tế nên không nhận việc như cam kết ban đầu…

Tiến sĩ, bác sĩ Tô Minh Nghị, Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Cà Mau, một trong những ứng viên tham gia chương trình chia sẻ: “Sau khi đi nghiên cứu sinh ở Vương quốc Anh về ngành ung thư, tôi đã kiến nghị với Sở Y tế tỉnh hình thành mạng lưới phòng chống ung thư và chăm sóc giảm đau cho bệnh nhân tại các trạm y tế xã, phường. Điều này rất có lợi cho bệnh nhân vì họ sẽ được sống gần nhà, được nhiều người chăm sóc, không phải đến các bệnh viện ở xa. Bệnh nhân sẽ được áp dụng những biện pháp y tế tiên tiến nhất để giảm nhẹ đau đớn. Mô hình này hiện nay chưa có ở Việt Nam”.

Vướng mắc cần tháo gỡ

 

* Theo kế hoạch, tổng số tiến sĩ, thạc sĩ đào tạo ở nước ngoài của 13 tỉnh, thành ĐBSCL là 1.015 người (trong đó đào tạo 825 thạc sĩ và 190 tiến sĩ). Tuy nhiên, đến thời điểm này, tổng số ứng viên được cử đi chỉ đạt hơn 50% chỉ tiêu đề ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như: công tác quảng bá ở một số địa phương chưa rộng rãi, trình độ chuyên môn và năng lực ngoại ngữ của ứng viên còn hạn chế…

 

Có thể thấy, hiệu quả lớn từ chương trình Mekong 1000 mang lại. Tuy nhiên, thực tế triển khai chương trình Mekong 1000 cũng có một số hạn chế cần phải sớm tháo gỡ. Vướng mắc lớn nhất hiện nay là trình độ ngoại ngữ của các ứng viên không đồng đều. Mục tiêu hàng đầu của đề án là đưa cán bộ công chức đang công tác, nằm trong quy hoạch đi đào tạo nhưng hầu hết đối tượng thuộc diện này có trình độ ngoại ngữ thấp. Vì thế, lượng ứng viên đi du học phần lớn là sinh viên mới ra trường. Sau khi đi học về, nhiều em bị “sốc” khi nhận việc với mức lương thấp, chưa quen môi trường làm việc trong nước. Thậm chí có trường hợp về làm việc rất nổi trội, nhưng vẫn cố tình thi “rớt biên chế” để… ra ngoài làm việc cho các công ty, tập đoàn lớn với mức lương cao.

Để chương trình hiệu quả hơn, ông Trần Văn Hân, Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Long, chia sẻ: “Đến nay, Vĩnh Long hoàn thành giai đoạn 1 của chương trình với 50 ứng viên, đang tiếp tục giai đoạn 2 với 50 chỉ tiêu. Qua kiểm tra, khi các ứng viên đạt yêu cầu ngoại ngữ, căn cứ theo nhu cầu phát triển trên các lĩnh vực, chúng tôi trình lên tỉnh kế hoạch bố trí công việc cho các em sau khi hoàn tất khóa học; ưu tiên khỏi thi công chức. Thực tế cho thấy, việc định hướng tốt, bố trí đúng ngành nghề đào tạo thì các em phát huy rất tốt”. 

PGS-TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: Việc bức bách hiện nay là làm sao liên kết lại để sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực quý giá này; huy động chất xám, ý tưởng sáng tạo, táo bạo từ lực lượng ứng viên, làm cầu nối cho các địa phương xây dựng các chương trình hợp tác để cùng phát triển. Nhiều ý kiến cho rằng, tìm kiếm ứng viên tham gia chương trình đã khó nhưng để “giữ chân” ứng viên sau khi tốt nghiệp gắn bó lâu dài với địa phương lại càng khó hơn. Do đó, các địa phương cần phải tạo môi trường làm việc giúp các ứng viên phát huy được năng lực chuyên môn của mình.

HUY PHONG

Tin cùng chuyên mục