Sử dụng điện thoại khi lái xe: Nguy cơ gây tai nạn cao

Dùng điện thoại khi tham gia giao thông sẽ gây phân tâm, hạn chế khả năng quan sát, khiến người điều khiển phương tiện mất tập trung; khả năng xử lý khi gặp tình huống bất ngờ sẽ lúng túng và dễ gây ra tai nạn...
Vừa lái xe vừa xem tin nhắn trên điện thoại di động luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao
Vừa lái xe vừa xem tin nhắn trên điện thoại di động luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao
Vậy mà, tình trạng này vẫn đang diễn ra khá phổ biến trên các tuyến đường. Mặc dù, Chính phủ cũng đã có quy định cấm sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông, nhưng chưa được một bộ phận người dân thực hiện, cùng với đó là việc xử phạt vẫn còn bị bỏ ngỏ.
Lờn luật?
Quy định cấm sử dụng điện thoại khi điều khiển xe máy, ô tô đã có từ lâu, nhưng tỷ lệ người vi phạm vẫn thấy nhan nhãn trên đường phố và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Vừa lái xe vừa nhắn tin hay gọi thoại, lướt web… đã trở thành thói quen của không ít lái xe và đây chính là một trong những thói quen “chết người”.
Sử dụng điện thoại khi lái xe được xem là một cách tiết kiệm thời gian đối với những người năng động. Tuy nhiên, khi sử dụng điện thoại đồng thời với điều khiển phương tiện đã không còn đảm bảo an toàn giao thông cho chính bản thân và những người xung quanh.
Việc bị “mất” một tay do đang cầm điện thoại sẽ khiến bạn mất tập trung khi lái xe, đồng thời không thể phản ứng kịp khi gặp tình huống bất ngờ thường hay xảy ra trên đường phố vốn đông đúc phương tiện qua lại đan xen như TPHCM. Đối với xe máy, lái xe một tay không thể chắc chắn và an toàn bằng 2 tay. Hơn nữa, tay trái cầm điện thoại sẽ khiến bạn không thể sử dụng hệ thống phanh kết hợp ở xe tay ga. Nếu giật mình trước những tình huống bất ngờ sẽ khiến bạn sử dụng phanh trước đột ngột và xảy ra tai nạn là điều khó tránh khỏi.
Ghi nhận thực tế trên địa bàn TPHCM cho thấy, tình trạng người điều khiển ô tô, xe máy sử dụng điện thoại vẫn còn rất phổ biến. Nhiều người cứ “dán mắt” vào điện thoại đọc tin nhắn nên không thể quan sát được phương tiện trước mặt, sau lưng, bên cạnh đang lưu thông. Đã có người vì mải mê nghe điện thoại mà qua đường thiếu quan sát, chuyển hướng không báo hiệu, đèn đỏ quên dừng lại… gây bất bình cho những người điều khiển phương tiện cùng lưu thông. Hiện không khó để bắt gặp hình ảnh người tham gia giao thông vừa sử dụng điện thoại vừa điều khiển xe. Đây là hành vi vi phạm quy định pháp luật về đảm bảo an toàn giao thông.
Nguy hiểm hơn, thói quen sử dụng điện thoại trong lúc tham gia giao thông đã gây ra không ít vụ tai nạn cho chính người sử dụng. Chú Lê Khắc Lợi, người có nhiều năm hành nghề lái xe ôm ở khu vực Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TPHCM, cho biết: “Gần 10 năm rong ruổi ngoài đường nên tôi từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn xảy ra đối với người vừa điều khiển xe gắn máy vừa nghe điện thoại. Thậm chí có những vụ người lái tự tông xe vào vật chắn, hay lao thẳng vào xe tải đang dừng ở bên đường...”. 
Gây tai nạn cao gấp 4 lần 
Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, qua số liệu thống kê từ Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, một người nói chuyện điện thoại khi lái xe có nguy cơ bị tai nạn giao thông nhiều gấp 4 lần so với người không sử dụng điện thoại. Hàng năm, trên thế giới có hơn 1,25 triệu người chết do tai nạn giao thông và 94% trong số đó xảy ra do sai sót từ người điều khiển phương tiện.
Bà Mirjam Sidik, Tổng Giám đốc điều hành Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP), chia sẻ: “Khảo sát sơ bộ 927 sinh viên tại 7 trường đại học ở TPHCM và Hà Nội cho thấy, có đến 79% sinh viên thừa nhận đã từng sử dụng điện thoại di động ít nhất 1 lần khi lái xe. Vì vậy, chúng ta cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho mọi người khi tham gia giao thông để giảm rủi ro, hậu quả của việc vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại di động. Vừa qua, AIP đã phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ GD-ĐT phát động chiến dịch truyền thông về hậu quả của việc sử dụng điện thoại sẽ gây mất tập trung khi lái xe. Đây là một trong những hợp phần chính thuộc dự án hành trang an toàn do Quỹ UPS tài trợ.
Chiến dịch được thực hiện nhằm thức tỉnh, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người điều khiển phương tiện trên đường, đặc biệt là nhóm đối tượng thanh thiếu niên từ 15 - 29 tuổi”. Cũng theo bà Mirjam Sidik, trọng tâm của chiến dịch này sẽ là 2 đoạn phim tuyên truyền mang tên “Cuộc gọi cuối cùng” và “Tin nhắn cuối cùng”, với nội dung nhấn mạnh 2 thông điệp chính: “Cuộc gọi đó có thể khiến bạn… không bao giờ về đến đích” và “Tin nhắn đó có thể khiến bạn… không bao giờ về đến đích”. Các đoạn phim được Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chỉ đạo trình chiếu ở 10 trường đại học thuộc dự án, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, các trang mạng xã hội và toàn bộ 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. 
Luật Giao thông đường bộ đã quy định: “Cấm người đang điều khiển mô tô, xe gắn máy có hành vi sử dụng điện thoại di động”. Người dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường sẽ bị phạt tiền 600.000 - 800.000 đồng và tước giấy phép lái xe 1 - 3 tháng.
Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng người tham gia giao thông sử dụng điện thoại di động vẫn diễn ra phổ biến do nhận thức của người dân về vấn đề này còn hạn chế và một phần do mức xử phạt chưa đủ sức răn đe và hầu như số người vi phạm chưa bị xử phạt theo đúng quy định.
Do đó, để góp phần kéo giảm tai nạn giao thông do sử dụng điện thoại di động, đòi hỏi ý thức của những người tham gia giao thông. Thiết nghĩ, việc sử dụng điện thoại di động khi tham gia giao thông thật sự là không cần thiết; nếu thực sự cần thì nên tấp xe vào lề đường rồi trao đổi nói chuyện hay nhắn tin với nhau cũng không muộn mà thể hiện được nét văn hóa giao thông. Và hãy luôn tâm niệm, không có cuộc gọi hay tin nhắn nào đáng giá bằng mạng sống của bản thân và những người xung quanh mình.

Tin cùng chuyên mục