Sri Lanka thiếu sự chuẩn bị cho tình huống khủng bố

Ngày 22-4, Chính phủ Sri Lanka ban bố sắc lệnh tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, có hiệu lực từ nửa đêm, nhằm cho phép cảnh sát và quân đội bắt giữ và thẩm vấn các nghi can mà không cần lệnh của tòa án. 
Hiện trường tại một nhà thờ bị đánh bom. Ảnh: AP
Hiện trường tại một nhà thờ bị đánh bom. Ảnh: AP

Sắc lệnh trên được ban bố sau khi một chiếc xe tải đã phát nổ gần nhà thờ St. Anthony ở thủ đô Colombo, khi các lực lượng chức năng đang tìm cách tháo ngòi nổ của quả bom.

Coi nhẹ tin tình báo

Trước đó, Chính phủ đã ban bố lệnh giới nghiêm tại thủ đô Colombo từ 20 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau. Sáng cùng ngày, lực lượng chức năng Sri Lanka đã phát hiện và vô hiệu hóa một thiết bị nổ tự chế gần sân bay quốc tế Bandaranaike cũng ở thủ đô Colombo.

Hiện cảnh sát Sri Lanka đang tập trung xem xét những báo cáo cho rằng cộng đồng tình báo đã không thể phát hiện hoặc cảnh báo nguy cơ xảy ra các vụ tấn công liều chết trước khi thảm kịch trên xảy ra. Trên trang mạng Twitter, Bộ trưởng Viễn thông Sri Lanka Harin Fernando cho biết một số nhân viên tình báo đã nhận được cảnh báo về nguy cơ xảy ra tấn công khủng bố, nhưng đã phớt lờ và không lập tức hành động. Trong khi đó, Bộ trưởng Hòa hợp dân tộc Mano Ganeshan cho hay các nhân viên an ninh của bộ này đã được bộ phận an ninh cảnh báo khả năng xảy ra 2 vụ đánh bom liều chết nhằm vào các chính trị gia…

Họ đã được cảnh báo 3 lần trong những tuần gần đây rằng một cuộc tấn công có thể xảy ra trong ngày lễ thánh sắp tới. Một trong những cảnh báo đó được đưa ra chỉ 10 phút trước vụ đánh bom.

Trong khi đó, giới chuyên gia nhận định, mặc dù vẫn còn quá sớm để kết luận nhưng rõ ràng, giới chức Sri Lanka hoàn toàn không được chuẩn bị cho một loạt các vụ tấn công khủng bố đẫm máu. Trả lời phỏng vấn kênh RT, chuyên gia phân tích chính trị và địa chiến lược Javed Rana cho rằng giới chức Sri Lanka hoàn toàn “mất cảnh giác” trước loạt vụ đánh bom được lên kế hoạch kỹ càng ngày 21-4, bởi “đây là những điều họ không nghĩ sẽ xảy ra sau năm 2009, khi làn sóng nổi dậy của lực lượng Những con hổ giải phóng Tamil (LTTE) chấm dứt”.

Có dính đến mạng lưới quốc tế

Cho đến ngày 22-4, cảnh sát Sri Lanka đã bắt giữ 24 đối tượng liên quan đến loạt vụ nổ. Theo cơ quan điều tra, 7 trong 8 vụ nổ vào ngày 21-4 vừa qua là đánh bom liều chết. Bộ trưởng Y tế Sri Lanka, Rajitha Senaratne cho biết loạt vụ đánh bom đã được tiến hành với sự giúp đỡ của một mạng lưới quốc tế và nhóm vũ trang địa phương tên National Thowfeek Jamaath (NTJ) phải chịu trách nhiệm về loạt vụ đánh bom liều chết nói trên.

10 ngày trước khi loạt vụ nổ xảy ra, người đứng đầu lực lượng cảnh sát Sri Lanka Pujuth Jayasundara đã đưa ra cảnh báo trên toàn quốc. Theo đó, một cơ quan tình báo nước ngoài đã thông báo về việc NTJ đang lên kế hoạch tiến hành các vụ tấn công liều chết nhằm vào các nhà thờ và cơ quan đại diện của Ấn Độ tại Colombo. 

Tuyên bố của Văn phòng tổng thống Maithripala Sirisena nêu rõ Tổng thống sẽ đề nghị sự hỗ trợ của nước ngoài nhằm truy tìm các manh mối liên quan loạt vụ đánh bom trên. Cùng ngày, Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) đã điều Đội ứng phó sự cố (IRT), gồm các điều tra viên, chuyên gia nhân dạng, chuyên gia về thuốc nổ, tới Sri Lanka theo yêu cầu của giới chức nước này nhằm hỗ trợ cơ quan chức năng sở tại trong cuộc điều tra.

Ngày 22-4, một quan chức Mỹ cho hay nhiều khả năng nhóm thực hiện các vụ đánh bom tại Sri Lanka bị ảnh hưởng bởi tư tưởng cực đoan của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng. Trả lời phỏng vấn kênh CNN, quan chức trên cho hay đánh giá này được đưa ra dựa trên thông tin tình báo ban đầu. Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 22-4 tuyên bố Mỹ đã thành công trong việc tiêu diệt IS ở Syria, nhưng cần phải “duy trì hoạt động và cảnh giác” trên khắp thế giới.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 22-4 đưa ra cảnh báo nguy cơ tiếp tục xảy ra các vụ khủng bố tại Sri Lanka, theo đó, các phần tử khủng bố có thể tấn công các địa điểm du lịch, hệ thống giao thông, cửa hàng... Sau loạt vụ tấn công ở Sri Lanka, cảnh sát thành phố New York đã tiến hành các biện pháp an ninh nghiêm ngặt. Biện pháp tương tự cũng được áp dụng tại Maldives. Indonesia cũng cho biết đã tăng cường các biện pháp an ninh  nhằm ngăn chặn các vụ tấn công có thể xảy ra. 

Tính đến ngày 22-4, vụ tấn công tại Sri Lanka đã làm hơn 290 người thiệt mạng và 500 người bị thương, trong đó có gần 30 người nước ngoài. Theo người phát ngôn Hãng thời trang Povlsen của Đan Mạch, tỷ phủ giàu nhất nước này Anders Holch Povlsen đã mất 3 trong số 4 người con trong loạt vụ tấn công khủng bố. Đây là khoảng thời gian đi nghỉ của cả gia đình.

Tin cùng chuyên mục