Sốt xuất huyết gia tăng ở người lớn

Mặc dù không phải thời kỳ cao điểm của dịch sốt xuất huyết (SXH), nhưng theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, số ca mắc SXH đang điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP có chiều hướng gia tăng nhanh so với cùng kỳ năm 2018. Đáng lo, các ca mắc là người lớn, nhưng do chủ quan, lơ là đã để lại hậu quả nặng nề với những biến chứng nguy hiểm.

Chủ quan khiến bệnh nguy kịch

Tại Khoa Nhiễm D, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TPHCM, số bệnh nhân mắc SXH luôn trong tình trạng quá tải, thậm chí những dãy hành lang cũng được kê thêm giường để điều trị bệnh nhân.

Đang điều trị ngày thứ 4 tại đây, anh Nguyễn Hoàng Huy (24 tuổi, ngụ tỉnh Bạc Liêu) cho biết, trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, anh về quê đón tết cùng gia đình. Đến ngày 6-2 (nhằm mùng 2 tết), anh bắt đầu có triệu chứng sốt, mệt mỏi. Nghĩ mình chỉ bị cảm thông thường anh đến hiệu thuốc tây gần nhà mua thuốc về tự điều trị.

2 ngày sau dù triệu chứng sốt thuyên giảm nhưng cơ thể anh lại xuất hiện những đợt nóng, lạnh bất thường. Quá lo lắng, anh Huy đến BV địa phương khám và xác định bị SXH ở ngày thứ 5, được chỉ định nhập viện điều trị. Để thuận lợi cho công việc sau khi khỏi bệnh, anh xin chuyển lên BV Bệnh nhiệt đới điều trị.

Hiện sức khỏe của anh đã tương đối ổn định. Không may mắn như anh Huy, anh Nguyễn Ngọc Tâm (57 tuổi, quê Đắk Nông) nhập viện điều trị khi bệnh đã trở nặng.

Anh Tâm cho biết, từ ngày 9-2, anh bắt đầu có biểu hiện sốt, tay chân rã rời, nghĩ bị cảm do thời tiết nên chỉ ở nhà uống thuốc tự điều trị. Tuy nhiên bệnh không khỏi mà còn diễn tiến nặng và được gia đình đưa đến BV khám, mới biết mình mắc SXH nặng.

Sốt xuất huyết gia tăng ở người lớn ảnh 1 Bác sĩ điều trị bệnh nhân bị bệnh sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM
Theo thống kê của BV Bệnh nhiệt đới, trong tháng 1-2019, BV tiếp nhận và điều trị 1.690 bệnh nhân mắc SXH, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. BV đã ghi nhận 1 ca tử vong, 1 số ca bệnh chuyển nặng phải lọc máu.

Bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D - BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, cho biết, thông thường sau Tết Nguyên đán là chu kỳ đi xuống của bệnh SXH, nhưng hiện tại số ca mắc tại khoa vẫn luôn ở mức cao.

“BV Bệnh nhiệt đới có 2 khoa tiếp nhận bệnh nhân SXH người lớn là Khoa Nhiễm C và Nhiễm D, trong đó Khoa Nhiễm D mỗi ngày tiếp nhận trung bình 50 bệnh nhân khiến khoa luôn quá tải. Trong suốt Tết Nguyên đán, số ca mắc không giảm khiến các bác sĩ, y tá, điều dưỡng luôn phải căng mình làm việc. Nhiều trường hợp bệnh nhân SXH không được phát hiện sớm, khi vào viện đã có dấu hiệu chuyển nặng”, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong thông tin.

Chủ động phòng chống

Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, tính từ đầu năm đến ngày 10-2 trên địa bàn TP ghi nhận hơn 6.000 trường hợp mắc SXH, 978 ca sởi và 386 ca bệnh tay chân miệng.

Lý giải về nguyên nhân gia tăng trên, bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, cho rằng thời điểm giao mùa, nhiệt độ, độ ẩm thay đổi là lúc dịch bệnh có xu hướng gia tăng.

Cùng với việc nghỉ tết dài, sự biến động về di cư khiến dịch có nguy cơ lây lan và bùng phát. Hiện số ca mắc SXH ở trẻ em và người lớn tại TPHCM tương đương nhau về số lượng. Để chủ động phòng chống SXH, cần có nhận biết đúng về bệnh.

Theo đó, khi trẻ khởi phát sốt cao đột ngột kéo dài 2-7 ngày kèm theo dấu hiệu mặt đỏ, da xung huyết, đau nhức cơ khớp, đau đầu, có trường hợp kèm theo đau họng, viêm kết mạc, buồn nôn và nôn, tiếp đến là xuất huyết những chấm đỏ vùng cẳng tay, chân, nách, ngực, thắt lưng, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, đi cầu ra máu, gan to, một số trường hợp diễn biến sốc biểu hiện chân tay lạnh, mạch nhanh, huyết áp không đo được.... cần được nhập viện cấp cứu điều trị kịp thời.

Đối với người lớn nhiễm bệnh SXH, có 2 dạng thường gặp là SXH biểu hiện ra bên ngoài và SXH nội tạng. Dạng SXH có biểu hiện bên ngoài ở người lớn diễn biến bất thường và triệu chứng rầm rộ hơn trẻ em, thời gian sốt kéo dài 11-12 ngày.

SXH người lớn nguy hiểm nhất là gây tụt huyết áp và sinh ra các biến chứng xuất huyết tiêu hóa, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu… Dạng SXH gây xuất huyết nội tạng (thường gặp xuất huyết đường tiêu hóa và xuất huyết não).

SXH dạng này gây xuất huyết đường tiêu hóa ở người lớn, biểu hiện ban đầu rất bình thường chỉ sốt, không nổi ban. Sau 1-2 ngày, bệnh nhân tiêu ra máu, phân màu đen hoặc máu tươi số lượng không nhiều, trên da xuất hiện các chấm xuất huyết, da xanh người mệt mỏi…

SXH gây xuất huyết não cũng rất khó nhận biết, vì biểu hiện ban đầu không rõ ràng, thông thường người bệnh bị sốt, đau đầu, bị liệt có thể liệt tay, chân hoặc liệt nửa người và sau đó bị hôn mê rồi dẫn đến tử vong.

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, điều nguy hiểm của SXH là bệnh chỉ trở nặng sau khi bệnh nhân đã hết sốt, thường là ngày thứ 3 sau khi phát bệnh, lúc đó mới xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm như giảm tiểu cầu, suy gan, suy thận…

“Diệt muỗi và diệt lăng quăng là biện pháp chủ động phòng bệnh hữu hiệu và đơn giản nhất. Những người có dấu hiệu bị bệnh SXH nên đến các cơ sở y tế quận huyện để được tư vấn và hướng dẫn chăm sóc điều trị đúng cách. Không tự ý điều trị tại nhà’’, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong khuyến cáo. 

Tin cùng chuyên mục