Sông Hậu nhớ người “hiệp sĩ đường sông”

Với những việc làm hiệp nghĩa của chú Tư Hài (tên thật là Dương Công To) trong suốt 42 năm qua trên dòng sông Hậu và quê hương Mỹ Hòa, chú Tư đã được Thủ tướng Chính phủ phong tặng danh hiệu “Hiệp sĩ đường sông”.

Chắc chắn không ai vượt qua được quy luật sinh - lão - bệnh - tử. Nhưng đời người, khi phải về với cõi vĩnh hằng, có những người khiến cho người ở lại nuối tiếc, nhớ nhung với những chuỗi kỷ niệm dài gắn bó. Và kỷ niệm của chúng tôi - những người làm báo - là các bài viết về chú Tư Hài (tên thật là Dương Công To), với những việc làm hiệp nghĩa của chú trong suốt 42 năm qua trên dòng sông Hậu và quê hương Mỹ Hòa.

Cơn mưa chiều đầu mùa làm không khí tang thương, u ám hơn khi chúng tôi nhận được hung tin chú Tư phải nhập viện cấp cứu vì nhồi máu cơ tim, suy tim nặng, viêm phổi. Chú đã không qua khỏi và vĩnh viễn ra đi vào tối ngày 13-6 tại quê nhà (xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long).

Chúng tôi vội vã từ Cần Thơ tìm về nhà chú, đến nơi, việc chuẩn bị cho tang lễ vẫn chưa chu tất, có lẽ gia đình và hàng xóm láng giềng không ngờ chú Tư ra đi sớm như vậy. Một số người đến dự lễ tang không thể ngờ, vì ở cái tuổi thất thập trông chú vẫn khỏe re. Mấy hôm trước, chú còn lội sông cứu người nhảy cầu Cần Thơ quyên sinh!

Sông Hậu nhớ người “hiệp sĩ đường sông” ảnh 1 Sinh thời, chú Tư thường dùng ống nhòm  kiểm tra có gì bất thường trên dòng sông Hậu
Thím Tư kể với chúng tôi về những ngày mà chú - thím quen nhau: Năm 1970, ổng bị địch bắt. Thím và ổng quen nhau trong tù. Duyên số đưa đẩy thành vợ chồng.
Đưa tay lên lau nước mắt, thím Tư nói: “Ấy vậy là chú Tư bây cũng lặng lẽ làm việc nghĩa hơn 40 năm còn gì. Ổng đã cứu hàng trăm người gặp nạn, hàng chục người nhảy cầu Cần Thơ quyên sinh. Trường hợp nào ổng cũng ghi lại trong quyển sổ tay. Tính hết thảy các tỉnh miền Tây, hầu như tỉnh nào cũng có người được ổng giúp. Ổng được mọi người yêu quý đặt cho danh hiệu “hiệp sĩ”. Nhờ vậy mà tao cũng được tiếng thơm lây!”.
Anh Trần Thành Công, tên thường gọi là Thật, 42 tuổi (cư ngụ tại ấp Hòa Thuận, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) là cháu nội của bà Trần Thị Dở. Anh tâm sự với chúng tôi: Hồi đó, tôi tầm 7-8 tuổi, chưa có biết gì đâu. Lúc đó chỉ có nội tôi và hai ba người nữa là chú bác tôi đi cùng. Do họ biết bơi nên không bị chết đuối, còn nội tôi không biết bơi nên suýt chết đuối! Nhờ chú thím Tư cứu sống nên từ sau vụ tai nạn đó, nội tôi dẫn tôi qua nhà chú thím tạ ơn. Giờ hay tin chú Tư ra đi, tôi buồn lắm! 
Trong tiếng kèn, trống của tang lễ, thím Tư kể: “Trước đây, quê ổng ở xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, rồi theo thím về đây, bên bờ sông Hậu này. Hàng ngày, ổng cùng người dân trong xóm mưu sinh bằng nghề đóng đáy bắt cá trên sông. Một lần, ngồi trên ghe chờ con nước để đổ đáy bắt cá, gặp chiếc ghe hàng của một gia đình đi ngang qua bị chìm, ổng lao ghe đến giúp. Sau lần đó, dù không ai phân công, ổng vẫn tự nguyện làm người canh gác thầm lặng trên dòng sông Hậu. Mỗi khi mưa bão về, hay vào mùa gió chướng, ổng thường túc trực trên chiếc võng tre trong căn chòi lá. Bất kể ngày đêm, dông gió, ổng luôn để ý. Phát hiện tiếng kêu cứu của người bị nạn trên sông là ổng nhảy ngay xuống ghe, phát loa gọi bạn bè đóng đáy, nổ máy chạy ra cứu người”. 

Chỉ ra bờ sông Hậu, thím Tư nói: “Đó, chiếc ghe đó theo ổng cũng mấy chục năm rồi! Giờ người trẻ lo làm kinh tế, chứ ai đâu như ổng, chỉ biết ăn cơm nhà lo chuyện người ta!”.

Chỉ tiếp một người đang chạy tới lui lo trà nước tiếp khách, thím Tư cho biết đó là cháu nội của một nạn nhân được ông Tư cứu. Bà tên Trần Thị Dở, quê ở huyện Long Hồ, Vĩnh Long, chở trái cây đi bán ở miệt Vị Thanh (Hậu Giang), khi về đến khúc sông Cần Thơ thì ghe bị chìm. Do không biết bơi, bà Dở suýt chết đuối, may được ông Tư cứu sống. Cũng mấy chục năm rồi, giờ cháu nội của bà Dở đã 42 tuổi mà vẫn nhớ ơn chú Tư. Người cháu ấy tự coi mình là con cháu trong nhà, nhà có việc là tự động sốt sắng làm. 

Với việc cứu người và giữ gìn an ninh trật tự suốt thời gian dài trên sông Hậu, chú Tư đã được Thủ tướng Chính phủ và nhiều bộ ngành tặng bằng khen, phong tặng danh hiệu “Hiệp sĩ đường sông” và nhiều danh hiệu khác trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên các tuyến giao thông.

Tấm lòng nhân hậu của chú Tư, những việc làm của chú Tư khiến cho bà con chòm xóm ai cũng nể phục. Chú đã sống đúng với quan niệm: “Cứu một mạng người còn hơn xây 7 tháp chùa”.

Tin cùng chuyên mục