Sống chậm trong thế giới nhanh


“Hãy biết tận dụng cơ hội để sống chậm và chủ động phân phối, sử dụng thời gian hợp lý”.  Đó là lời tư vấn không phải chỉ từ các bác sĩ dành cho cơ thể học mà còn từ các nhà xã hội học, tâm lý học. 
Gặp gỡ, giao lưu “để sống chậm trong thế giới nhanh”. Ảnh: VIỆT DŨNG
Gặp gỡ, giao lưu “để sống chậm trong thế giới nhanh”. Ảnh: VIỆT DŨNG
Bởi, năng lượng tâm lý và “vốn xã hội” không phải là vô hạn, nếu quá mức sẽ không còn khả năng tái tạo và có thể sẽ… bứt.  
Xã hội tốc độ 
Một trong những đặc điểm dễ thấy nhất của xã hội đô thị hiện đại là sống nhanh. Với cư dân ở thành phố, quỹ thời gian trong ngày có hạn; trong khi công việc làm ăn, học hành, giao dịch lại nhiều quá, nên lúc nào cũng thấy thiếu thời gian. Ban đầu, nhịp sống nhanh xuất hiện là do yêu cầu của sản xuất công nghiệp (dây chuyền sản xuất tự động trong nhà máy được tính bằng giây) nếu làm không nhanh sẽ bị mất việc và cũng chỉ có nhanh mới tạo ra năng suất cao. Bộ phim không tiếng Thời đại tân kỳ của vua hề Chaplin đã phản ánh chân thực sự bắt đầu của nhân loại bước vào kỷ nguyên tốc độ. Từ tốc độ nhanh của công nghiệp hóa, sau đó lan tỏa ra tất cả các lĩnh vực khác của đời sống xã hội khiến người ta phải đi nhanh, ăn nhanh, suy nghĩ nhanh, quyết định nhanh. Chậm một chút có thể mất hợp đồng làm ăn; lỡ một chuyến bay, giờ làm, giờ học. 
Người ta gọi xã hội đô thị là “xã hội tốc độ” là vậy. Để phục vụ cho xã hội nhanh, người ta xây dựng nên hệ thống công nghiệp, kỹ thuật và dịch vụ đảm bảo cho cái nhanh đó được duy trì liên tục.  
 Xã hội tốc độ mang lại năng suất cao, giao dịch nhanh, nhưng hệ quả tiêu cực của nó cũng không dễ chịu chút nào. Đó là sau một đơn vị thời gian làm việc ai cũng thấy bơ phờ, mệt mỏi; nhiều người rơi vào trầm cảm bởi sức ép của công việc, của thăng tiến. Con người “được lập trình” hoạt động như robot; quan hệ xã hội hời hợt, bởi thời gian chỉ đủ cho người ta chào nhau một cách rất “công thức”, thậm chí chỉ là “hello”, “hihi”. Thêm vào nữa, khi xã hội mà mọi thứ luôn sẵn sàng làm cho người trẻ mất đi tất cả những kỹ năng sinh tồn mà các thế hệ trước có được (như kỹ năng nấu ăn, thêu thùa ,may cắt, trang hoàng nhà cửa…). Đến lúc nào đó, bất kỳ ai cũng sẽ nhận thấy có điều gì đó bất ổn trong cỗ máy đô thị. Ai cũng tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu cả xã hội đều quay cuồng; ai cũng bị cuốn vào guồng máy được chạy với gia tốc cực cao mà không sao thoát ra được. Cuối cùng, người ta nhận ra một điều thật đơn giản là “hãy tận dụng mọi cơ hội có thể để thư giãn, để sống chậm, để lấy lại cân bằng trong đời sống”. Bắt đầu từ những năm cuối thế kỷ 20, một phong trào sống chậm xuất hiện. Phong trào này bắt đầu từ việc ăn chậm. Người ta thấy khi ăn chậm, không chỉ đỡ nhọc cho bộ máy tiêu hóa mà còn giúp nhận biết cái ngon của đồ ăn, thức uống. Từ việc ăn, tiến tới việc kết hợp ăn uống và thư giãn. Đó chính là lý do mà người châu Âu, sau này cả người châu Á, chuộng kiểu BBQ cuối tuần ở ngoài trời, bên sông hồ, ở các cánh rừng, cánh đồng. 
“Ngắt nhịp” để sống chậm 
Giống như ta khi chạy xe máy nhanh quá sẽ không thấy được những bông hoa, rặng cây, thảm cỏ và những động vật ven đường. Khi chúng ta hối hả vận động quá sẽ không thấy được những khuôn mặt, nét đáng yêu của những đồng nghiệp, của hàng xóm và cả những người không quen. Không ít người hỏi có cái gì hay mà người Nhật đưa uống trà lên thành một thứ “đạo”, gọi là “trà đạo”. Và một nghi lễ trà đạo mất không dưới 1 giờ, thậm chí còn kéo dài lâu hơn nữa. Với người Nhật, đó chính là cách thức cân bằng tâm thế, tạo ra nhịp sống chậm trong một thế giới nhanh, một chút “tĩnh” trong thế giới “động”. Ở châu Âu, trong những năm gần đây xuất hiện vài làn sóng nhỏ phản ứng cực đoan với xã hội tốc độ bằng cách thoát ly hẳn khỏi đô thị, bỏ đi sống ở những hòn đảo hoang vắng; làm nhà trong rừng sâu, trên cây cao; đoạn tuyệt với tiền bạc, tiện nghi, công nghệ và cả quần áo. 
Hình thành được lối sống chậm chủ động trong xã hội vận hành nhanh là một việc khó, đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía. Trước hết là sự tự nhận thức của mỗi cá nhân rằng, trong bất kỳ một hoạt động nào cũng có thể tìm ra khoảng trống (thời gian, không gian) dành cho sống chậm. Cần phải biết chủ động “ngắt nhịp” để những hành vi sống chậm ló dạng. 
Để thực hiện được hành vi sống chậm, cần sự trợ giúp đắc lực của công nghệ và kỹ thuật. Có khá nhiều thiết bị được sáng chế đã giúp con người sống chậm trong chuỗi hành động nhanh đang lưu hành trên thị trường. Chẳng hạn, ở nhiều sân bay, siêu thị có sẵn ghế massage lưng, chân cho hành khách trong phòng đợi; các chung cư hiện đại có hồ bơi, phòng chăm sóc sức khỏe và làm đẹp (spa), tắm hơi (sauna); các công ty dành những góc thư giãn có đầy đủ trà, cà phê, sách báo, nhạc cho nhân viên tranh thủ “ngắt nhịp” trong ngày làm việc .
Khi còn giữ cương vị thủ tướng, ông Lý Quang Diệu đã đưa ra nguyện vọng là làm sao để người dân Singapore có ít nhất một ngày trong tuần, các thành viên trong gia đình đoàn tụ quanh mâm cơm. Ông gọi đấy là “ngày gia đình”, nhằm gắn kết mọi người và cũng là để mọi người thoát ly ra khỏi công việc.
Ý tưởng này đã được người dân Singapore hưởng ứng và trở thành một truyền thống. Cũng để đáp lại với “môi trường tốc độ”, ở các nước phát triển, những “ngày không công nghệ” được hưởng ứng. Vào ngày đó, người ta không đi xe hơi mà đi xe đạp hay bộ hành cho thư thả; không sử dụng điện thoại di động, không máy tính mà gặp gỡ nhau trực tiếp. Lúc ban đầu nhiều người thấy khó chịu, nhưng rồi khi quen người ta thấy sống chậm mang lại cho bản thân nhiều cơ hội tận hưởng, cuộc sống có chiều sâu hơn.

Tin cùng chuyên mục