Sớm hình thành khu công nghiệp hỗ trợ da giày chuyên nghiệp

Ngành da giày, túi xách Việt Nam đang có bước tăng trưởng khá ấn tượng trong những năm qua. Tuy nhiên, do nguồn nguyên liệu phụ thuộc chủ yếu từ nhập khẩu hoặc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nên giá trị gia tăng thấp, tính cạnh tranh không cao. 
Nguyên liệu sản xuất giày dép còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu Ảnh: THÀNH TRÍ
Nguyên liệu sản xuất giày dép còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu Ảnh: THÀNH TRÍ

Gia tăng doanh nghiệp FDI

Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, dự kiến cả năm 2018, ngành sẽ về đích xuất khẩu (XK) đạt mục tiêu 19,5 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2017. Hiện Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc về sản lượng XK giày dép ra thị trường thế giới với khoảng hơn 1 tỷ đôi các loại mỗi năm. Đáng lưu ý, giá XK trung bình của thế giới là 9,81 USD/đôi, trong khi đó giá của Việt Nam là 15 USD/đôi, cao gấp 1,6 lần so với giá trung bình của thế giới. Như vậy, chất lượng sản phẩm giày dép của Việt Nam đã được cải thiện và ghi nhận. Năm 2018, XK mặt hàng túi xách không ổn định, nhưng kim ngạch đạt được vẫn khá cao, khoảng 3,5 tỷ USD, trong đó, Mỹ vẫn là thị trường trọng điểm của mặt hàng này. Đây là mặt hàng quan trọng giúp ngành da giày về đích thành công trong năm 2018. 

Như vậy, XK da giày, túi xách của Việt Nam liên tục tăng trưởng cao, từ 10,4 tỷ USD năm 2013 lên 17,96 tỷ USD năm 2017, qua năm 2018 đạt 19,5 tỷ USD. Về thị trường XK cũng được mở rộng lên 100 nước; trong đó, có 72 nước nhập khẩu có giá trị từ 1 triệu USD trở lên. Điều này cho thấy, sản xuất, xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp da giày Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu của thị trường thế giới cùng với việc giao lưu thương mại của Việt Nam không ngừng tăng lên. “Hoạt động xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam đang tăng trưởng ổn định, có nhiều tín hiệu tốt năm 2018 và những năm tiếp theo. Trung Quốc tiếp tục chủ trương giảm ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực dệt may và da giày để tập trung cho các ngành công nghệ cao nên đơn hàng gia công giày dép, túi xách sẽ tiếp tục xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam chờ cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)”, đại diện Lefaso phân tích. 

Cũng theo đánh giá của Lefaso, đầu tư của doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực da giày tăng lên để đón đầu các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực là nguyên nhân XK da giày của Việt Nam năm 2018 tiếp tục tăng nhờ XK của khối FDI tăng. Trên thực tế, thời gian qua có rất nhiều doanh nghiệp Mỹ, châu Âu, thậm chí cả doanh nghiệp Đài Loan đang sản xuất tại Trung Quốc cũng đã tiến hành thăm dò để chuyển dịch sang Việt Nam. Tác động này sẽ thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam khi có cơ hội để xúc tiến thương mại mạnh hơn, tạo đà tăng trưởng cho ngành da giày trong giai đoạn tới. Nhiều công ty da giày hiện nay đang rất quan tâm thị trường Bắc Mỹ vì nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ tăng và hàng Trung Quốc đang giảm sức cạnh tranh tại Mỹ.  

Quy hoạch vùng chuyên ngành

Mặc dù XK của ngành công nghiệp da giày trong nước những năm qua liên tục tăng trưởng khá tốt, nhưng chủ yếu vẫn dựa trên gia công với nguyên phụ liệu phải nhập khẩu là chủ yếu. Hàng năm, ngành da giày buộc phải nhập khẩu tới gần 60% nguyên phụ liệu, trong đó nhập khẩu nhiều nhất là da thuộc. Thống kê của Lefaso, chỉ riêng nhập khẩu da thuộc, hàng năm các doanh nghiệp da giày đã tốn kém khoảng trên 1,2 tỷ USD. Chưa kể các doanh nghiệp còn phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu các nguyên phụ liệu khác.

Nguyên nhân được xác định là do hiện nay dù có một số doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành da giày như: da thuộc, vải kỹ thuật, phụ kiện làm phom, đế, chất dẻo, keo dán, hóa chất, nhưng số lượng và quy mô công nghiệp hỗ trợ da giày còn quá manh mún, nhỏ bé, chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu của các doanh nghiệp da giày. Do sự yếu kém, không phát triển công nghiệp hỗ trợ da giày, dẫn tới tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm da giày XK trong nước rất thấp, chỉ ở mức 30%-40%.

Chưa kể, chất lượng của nhiều loại nguyên phụ liệu sản xuất trong nước hiện cũng chưa đáp ứng yêu cầu XK, như các chỉ tiêu cơ lý, tính thẩm mỹ, độ đều và bền màu… Trong khi đó, các chủng loại nguyên phụ liệu được sản xuất trong nước có chất lượng tốt, đủ tiêu chuẩn cho sản xuất hàng xuất khẩu hầu hết là sản phẩm của doanh nghiệp FDI. Nhiều nhà máy thuộc da quy mô lớn tại Việt Nam đều của doanh nghiệp FDI.

Theo Lefaso, hạn chế nữa của các doanh nghiệp trong nước là sản xuất không theo bất cứ quy chuẩn, tiêu chuẩn nào. Do đó, chất lượng sản phẩm không đáp ứng yêu cầu, nhất là với hàng XK. Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, để xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ da giày chuyên nghiệp, nhà nước cần có những chính sách định hướng và hỗ trợ về công tác xử lý môi trường cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này như: Quy hoạch các vùng, khu, cụm công nghiệp chuyên ngành tại các địa phương có lực lượng lao động dồi dào, bảo đảm không gian phát triển công nghiệp hài hòa (với vị trí cách biệt các khu đông dân cư và gần các cảng nước sâu) cho các chuỗi da giày để phát triển cũng như thuận lợi trong việc xử lý chất thải.

Các vùng công nghiệp chuyên ngành này phải có nhà máy xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, số liệu quan trắc nước thải đã xử lý phải được nối mạng với trung tâm quản lý môi trường của khu vực; tạo cơ chế thu hút các doanh nghiệp có công nghệ xử lý nước thải tiên tiến hỗ trợ doanh nghiệp da giày. Bên cạnh đó, cần có sự đồng bộ cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư từ những tập đoàn đa quốc gia; kết nối doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu cho doanh nghiệp FDI.

Tin cùng chuyên mục