Sóc Trăng tạo hấp lực từ kinh tế biển

Với 72km bờ biển và hệ thống sông rạch hơn 3.000km, cùng 3 cửa sông lớn thông ra biển, Sóc Trăng có nhiều lợi thế phát triển kinh tế biển, ven biển và đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng để tạo “hấp lực” cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực đầy tiềm năng này.
Sóc Trăng tạo hấp lực từ kinh tế biển

Với 72km bờ biển và hệ thống sông rạch hơn 3.000km, cùng 3 cửa sông lớn thông ra biển, Sóc Trăng có nhiều lợi thế phát triển kinh tế biển, ven biển và đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng để tạo “hấp lực” cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực đầy tiềm năng này.

Mạnh về biển

Theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, dự kiến đến năm 2020, toàn tỉnh có hơn 370 tàu thuyền đánh bắt xa bờ, đặc biệt là tàu có công suất từ 250 CV trở lên, để đạt sản lượng khai thác từ 90.000 tấn trở lên. Để đạt mục tiêu trên, Sóc Trăng có kế hoạch hỗ trợ ngư dân vốn vay ưu đãi đóng mới tàu thuyền đánh bắt xa bờ, tàu vận tải, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác.

Hiện đội tàu cá Sóc Trăng có 1.139 chiếc, công suất 130.713 CV, trong đó tàu khai thác xa bờ 312 chiếc, tổng công suất 111.336 CV, tăng 27 tàu so cùng kỳ năm 2013 và 17 tàu dịch vụ trên biển, góp phần phát triển hoạt động dịch vụ tàu cá của tỉnh. Hưởng ứng chủ trương đánh bắt xa bờ, vừa qua ngư dân thành lập 27 tổ tàu thuyền với 405 phương tiện và 3.123 ngư dân, hỗ trợ nhau trong quá trình hoạt động khai thác, giữ gìn an ninh trật tự trên biển. Nghề khai thác biển ở Sóc Trăng chủ yếu là nghề cào đôi, lưới vây, lưới đèn, câu mực xuất khẩu…

 Khai thác nguồn lợi biển - một trong những thế mạnh của Sóc Trăng.

Sóc Trăng có lợi thế về dịch vụ hậu cần nghề cá, gồm một cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão và các cơ sở thu mua, chế biến thủy hải sản xuất khẩu. Cảng Trần Đề được xếp vào nhóm 15 cảng cá lớn trên toàn quốc và có vị trí rất thuận lợi, khi vừa gần ngư trường khai thác, vừa kết nối được các tuyến giao thông quan trọng. Những năm gần đây, lượng tàu từ các tỉnh trong khu vực và miền Đông Nam bộ vào cảng ngày càng tăng. Trong năm 2014 có trên 3.000 phương tiện qua cảng, với tổng lượng hàng hóa trên 100.000 tấn.

Để đáp ứng nhu cầu tăng nhanh của đội tàu khai thác trong tỉnh và thu hút thêm nhiều tàu ngoài tỉnh vào cảng, từ năm 2013, bằng nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) và vốn đối ứng của địa phương, thông qua dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh Sóc Trăng (CRSD), cảng cá Trần Đề đã và đang đầu tư nâng cấp một số hạng mục với tổng kinh phí hơn 52 tỷ đồng.

Tới đây, khi Khu công nghiệp Trần Đề được đưa vào hoạt động sẽ tạo thêm động lực phát triển kinh tế biển của Sóc Trăng.

Hình thành cụm kinh tế biển tổng hợp

Hiện nay, ĐBSCL chỉ có khoảng 20% - 30% lượng hàng hóa được xuất khẩu qua các cảng trong vùng, còn lại phải vận chuyển lên các cảng ở khu vực Đông Nam bộ để xuất đi. Nguyên nhân do thiếu một cảng nước sâu có khả năng đón tàu trọng tải lớn ra vào an toàn.

Qua khảo sát, một chuyên gia kinh tế biển cho rằng, vị trí xây dựng cảng biển nước sâu ở ĐBSCL tốt nhất không đâu khác vùng cửa biển Trần Đề của Sóc Trăng, do lợi thế kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông thủy bộ trong vùng, thông qua các tuyến giao thông huyết mạch như Nam sông Hậu, quốc lộ Quản Lộ - Phụng Hiệp, cùng hệ thống sông rạch chằng chịt, đặc biệt trên tuyến sông Hậu, từ Sóc Trăng có thể giao thương khắp vùng ĐBSCL, Campuchia…

Vừa qua đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm khảo sát đầu tư xây dựng hệ thống cảng tại Sóc Trăng và tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho dự án nghiên cứu khảo sát, lập dự án đầu tư khu kinh tế cảng nước sâu tại vùng duyên hải của tỉnh Sóc Trăng. Riêng đối với dự án cảng Đại Ngãi, UBND tỉnh Sóc Trăng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam thỏa thuận đầu tư giai đoạn 1 để phục vụ công tác vận chuyển vật tư, thiết bị xây dựng Trung tâm Điện lực Long Phú 1.

Cảng Đại Ngãi dự kiến được xây dựng gần ngã tư giao nhau của 2 tuyến quốc lộ Nam sông Hậu và tuyến quốc lộ 60, rất thuận lợi về giao thông thủy bộ, từ đó hình thành cụm kinh tế biển tổng hợp.

XUÂN TRƯỜNG - CAO PHONG

Tin cùng chuyên mục