Sinh viên ở KTX phải thế chân?

Gần đây, Báo SGGP nhận được thư phản ánh của một số sinh viên (SV) đang theo học tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM nêu bức xúc về những nội dung trong Quy chế công tác SV nội trú do hiệu trưởng nhà trường vừa ký quyết định ban hành. Các SV đã cung cấp cho chúng tôi xem toàn văn nội dung quy chế dày 52 trang với nhiều nội dung bất hợp lý, không cần thiết và rất khó hiểu.

Gần đây, Báo SGGP nhận được thư phản ánh của một số sinh viên (SV) đang theo học tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM nêu bức xúc về những nội dung trong Quy chế công tác SV nội trú do hiệu trưởng nhà trường vừa ký quyết định ban hành. Các SV đã cung cấp cho chúng tôi xem toàn văn nội dung quy chế dày 52 trang với nhiều nội dung bất hợp lý, không cần thiết và rất khó hiểu.

Điều 2 bản quy chế quy định đối tượng ở nội trú có các diện ưu tiên gồm: Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, con liệt sĩ, con thương binh, hộ khẩu ở khu vực 1, khu vực 2, có hoàn cảnh khó khăn, SV nữ, có nhiều thành tích đóng góp tập thể, tham gia công tác lớp, Đoàn, Hội Sinh viên và Ban tự quản. Một số SV nam thắc mắc vì không hội đủ một số tiêu chuẩn ưu tiên này (SV nữ), nên ngay từ đầu năm học đã không được xét vào ở tại KTX.

Trong khi các SV được xét vào ở KTX thì phản ánh: Khoản 4 Điều 2 quy chế bắt buộc mỗi SV phải thế chân 200.000 đồng. Số tiền trên được nhận lại khi SV ra khỏi KTX. Có SV đầu năm học chậm nộp khoản tiền thế chân trên, mặc dù thuộc diện ưu tiên nhưng vẫn bị từ chối vào KTX ở.

Cũng trong bản quy chế này, còn quá nhiều điều bất hợp lý đến mức vô lý được áp đặt cho SV ở KTX. Cụ thể, khoản b Điều 5 quy định: “Sau 7 ngày, phòng ở nào không nộp tiền nước đã sử dụng, KTX áp dụng biện pháp cưỡng chế cắt nước phòng đó” - có cần phải chế tài quá bức bách và căng thẳng với SV của mình như vậy không? Điều 8 quy định về giờ giấc sinh hoạt trong KTX, có nhiều quy định vô lý như: Trước 5 giờ 30 phút, SV không được ra khỏi KTX, trường hợp đặc biệt phải có đơn xin phép và được sự đồng ý của Ban Giám đốc KTX; về trễ sau 23 giờ phải xin phép trước và được Ban Giám đốc KTX đồng ý…

Ở phần hình thức xử lý, nội dung vi phạm và mức kỷ luật cũng rất bất hợp lý. Trong đó, nhà trường quy định có 9 hình thức kỷ luật (từ a đến i), nặng nhất là phạt tiền sung vào Quỹ hỗ trợ SV nghèo vượt khó học giỏi, với mức thấp nhất 50.000 đồng, mức cao lên đến 200.000 đồng.

Ở nội dung vi phạm và khung xử lý kỷ luật SV cũng có quá nhiều điều vô lý và mang tính áp đặt đối với SV. Trong 68 nội dung vi phạm được đưa ra, có nhiều điều SV không thể nhớ hết để thực hiện, và nếu vi phạm phần lớn đều bị áp dụng hình thức cảnh cáo toàn KTX và mời gia đình đến làm việc.

Cụ thể, các vi phạm như: tiếp khách trong phòng quá giờ quy định, cạo trọc tóc, nhuộm tóc, mở nhạc gây tiếng ồn, ra vào cổng không xuống xe dẫn bộ, chơi thể thao không đúng giờ, bỏ rác không đúng quy định, không đóng tiền điện nước đúng thời hạn… Hình thức nặng hơn như: phơi quần áo không đúng quy định, bán hàng hóa trong phòng ở, trong KTX… sẽ bị tịch thu; bỏ rác không đúng quy định, khạc nhổ bừa bãi… sẽ bị phạt tiền; dùng nước uống từ hệ thống lọc để rửa mặt, rửa tay… sẽ bị giải tán phòng…

Hiện nhiều SV năm thứ nhất mới nhập học ĐH Sư phạm TPHCM được xét vào KTX ở đang rất hoang mang về những quy định bất hợp lý và khó hiểu trên, vì rất dễ vi phạm và bị xử lý kỷ luật bất cứ lúc nào.

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục