Sinh viên chuộng phòng trọ “nhiều không”

Tối tăm, ẩm thấp, xập xệ và thiếu an toàn là những gì chúng tôi ghi nhận được, sau khi dạo một vòng quanh các khu trọ. Những dãy phòng trọ này đều chật hẹp và rất bí, chỉ có một cửa chính, một số phòng có thêm một cửa sổ nhỏ, diện tích 7-15m².
Đường vào dãy nhà trọ được cho là sang nhất nhì khu làng đại học
Đường vào dãy nhà trọ được cho là sang nhất nhì khu làng đại học

Phía trước dãy nhà trọ san sát, T. (sinh viên năm 1, Đại học Bách khoa TPHCM) cởi trần, nhễ nhại mồ hôi đang lắp mô hình mạch điện, réo gọi người bạn cùng phòng: “Mày ở trỏng mà chịu nổi hả, ra đây vừa sáng sủa mà đỡ nóng. Bật quạt cho lắm tới tháng đóng tiền điện rồi than!”… Nắng thì nóng rát da, mưa thì ủ dột… là tình cảnh chung của các khu nhà trọ giá rẻ quanh khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM.

Thiếu an toàn và nhếch nhác

Từ ngã ba 261 theo đường Trục chính, hướng về vòng xoay Quốc tế rẽ 2 nhánh. Một nhánh là đường A2 qua khu phố 6, đường Linh Trung quận Thủ Đức để ra Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM. Một nhánh là đường vào Đại học Quốc gia TPHCM qua ấp Tân Lập (thị xã Đông Hòa, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương) để tới Thư viện Trung tâm ĐHQG TPHCM. Ở khu làng đại học, đây là khu vực khá nhộn nhịp, chợ buôn bán từ sáng đến chiều, các quán cơm, cà phê, tiệm net….

Và chính lợi thế gần chợ, gần các trường đại học nên nơi đây có khá nhiều dãy nhà trọ giá rẻ dành cho sinh viên. Vũ Vân Anh (sinh viên Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM) nói: “Đúng là ở làng đại học không gì nhiều bằng quán cơm và nhà trọ, nhưng em dám chắc, mọi người sẽ không tìm được phòng nếu thiếu người giới thiệu”.

Theo hướng dẫn của Vân Anh, chúng tôi rảo nhiều vòng qua các dãy trọ để khảo sát. Thấy vậy, nhiều người chạy xe máy theo mời chào thuê phòng. Bấm số điện thoại được in trên tờ thông báo cho thuê nhà trọ của người tên Hạnh, người này liền trả lời gọn lỏn: “Đang hết phòng. Không gấp thì cọc đây, 1 tuần nữa dọn tới”, rồi cúp máy. Sau nhiều cuộc gọi thuê phòng thất bại, với những lý do khá giống nhau,  chúng tôi đành nhờ sự trợ giúp của một người đàn ông tên H.

Tối tăm, ẩm thấp, xập xệ và thiếu an toàn là những gì chúng tôi ghi nhận được, sau khi dạo một vòng quanh các khu trọ. Những dãy phòng trọ này đều chật hẹp và rất bí, chỉ có một cửa chính, một số phòng có thêm một cửa sổ nhỏ, diện tích 7-15m². Phòng 1 triệu đồng/tháng không có gác lửng, phòng từ 1,2 triệu đồng/tháng trở lên thì có thêm một gác lửng nhỏ. Cửa ra vào là cửa sắt với ổ khóa nhỏ nhưng phần bản lề đã han gỉ, hoàn toàn có thể phá vỡ nếu dùng lực mạnh để đập, hoặc cạy cửa. Trong khi đó, tường nhà xuống cấp và bẩn, nhiều đoạn tường thấm nước mưa đóng rêu.

Chủ dãy phòng trọ gõ cửa một phòng của nhóm 3 bạn sinh viên chuẩn bị trả phòng vào cuối tháng, cho chúng tôi vào tham quan. “Dây điện dư chứ hông có gì đâu, không giật đâu, mấy bạn này ở đây có bị sao đâu. Nếu mà tụi em ở, để cuối tháng anh cuộn lên cao chút, mấy đứa này nó lùn đi tới đi lui đâu có đụng chạm gì”, anh B., chủ phòng trọ, trấn an. Các đường dây điện được móc nối từ nhà này sang nhà khác lộn xộn. Phần dây dư thừa cuộn tròn và treo lủng lẳng ở trần nhà hoặc phía cửa sổ, có đoạn còn nằm ngay cửa ra vào. Nhiều đoạn dây quá cũ kỹ, hoàn toàn là dây trần, không có bất kỳ đường ống hay thiết bị cách điện nào bảo vệ bên ngoài.

Khi ngỏ ý tìm phòng tốt hơn, ông H. đưa chúng tôi tới gặp một người tên Bình, chủ của 4 dãy nhà trọ ở gần quán cơm, địa chỉ 30/10. Ở khu làng đại học, nhà trọ của Bình được xếp vào loại sang nhất, nhì khu. Bình cho chúng tôi xem 3 loại phòng, phòng có giá 1,2 triệu đồng/tháng phải đi sâu vào hẻm, có diện tích khoảng 7m², có nhà vệ sinh riêng, có gác lửng nhưng rất thấp, bí bách và ẩm thấp. Phòng giá 1,4 triệu đồng/tháng thì cao ráo hơn một chút, ở phía gần đường nhưng cũng chỉ 7m2. Riêng phòng 2,3 triệu đồng/tháng thì rộng rãi hơn, có bếp nhưng vách, trần nhà bằng tôn lạnh và tiếp giáp với một khu đất trống hoang vu.

Bình báo giá luôn: “Tiền điện 4.000 đồng/số, phòng 1,2 triệu đồng thì bao nước 50.000 đồng/tháng nhưng chỉ có nước giếng, muốn nước máy thì thuê phòng 1,4 triệu đồng hoặc 2,3 triệu đồng/tháng”. Để thuyết phục chúng tôi thuê phòng giá cao, Bình chỉ về phía phòng 1,2 triệu đồng/tháng và tiết lộ: “Thấy cưng thiện chí nên mình nói thật, dãy phòng này thường xuyên bị nghẹt nước vì không có cống, phòng xây cũng đã mười mấy hai chục năm mà ngày đó không làm đường ống cống, nước thấm tự nhiên nên hơi chậm”.

Chê ký túc xá tiện nghi

Trong khi nhà trọ bên ngoài xập xệ, thiếu an toàn thì ký túc xá (KTX) Đại học Quốc gia vô cùng khang trang, rộng rãi được xây dựng trên diện tích 50,77ha có tổng 30.000 chỗ ở, gồm khu A và khu B với 27 tòa nhà 15-16 tầng và 20 tòa nhà 5 tầng. Ký túc xá khu A luôn kín chỗ ở vì gần trung tâm làng đại học, còn khu B dù khang trang hơn, hiện đại hơn nhưng nhiều sinh viên vẫn thờ ơ.

KTX khu B tọa lạc trên một diện tích rất rộng có nhiều tiện nghi như căn tin, siêu thị, phòng gym, thư viện, sân thể thao… hiện vẫn còn vài tòa nhà chưa sử dụng với gần 6.000 chỗ ở. Mục sở thị cuộc sống của sinh viên sống trong KTX, chúng tôi khá ngạc nhiên bởi tiện nghi và an ninh tại đây. Để lên được phòng, sinh viên phải quẹt thẻ vào cổng và quẹt thẻ vào thang máy. Mỗi tòa nhà được trang bị 3-6 thang máy phục vụ sinh viên. Phòng ốc rất sạch sẽ, thoáng đãng, mỗi căn phòng có diện tích 30-35m2, dành cho 4-8 người ở, 2 phòng dùng chung 1 khu nhà vệ sinh với 3 buồng tắm, vệ sinh…

Hiện tại, mức giá phòng tại KTX với nhiều lựa chọn: Phòng 8 người 130.000 đồng/tháng/người; phòng 6 người 175.000 đồng/tháng/người; phòng 4 người 325.000 đồng/tháng/người. Bên cạnh đó, còn có phòng trang bị máy lạnh để phục vụ những sinh viên có nhu cầu về phòng ở tiện nghi hơn. Với mức giá này, một phòng 6 người ở, bao gồm tiền ở, tiền điện, nước và cả tiền internet,… trong một học kỳ, mỗi người phải đóng chưa đầy 1,5 triệu đồng, tiết kiệm hơn rất nhiều so với việc ở trọ.

Ông Trần Thanh An, Giám đốc Trung tâm Quản lý KTX Đại học Quốc gia TPHCM, cho biết, hiện KTX không chỉ đáp ứng cho sinh viên của ĐHQG TPHCM tại làng đại học mà còn “cân” được cả sinh viên của các trường trên địa bàn quận Thủ Đức và tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, cũng còn khá đông sinh viên hiện nay vẫn chọn ở trọ bên ngoài, bởi muốn tự do, không phải tuân thủ các quy định trong KTX, như không được nhậu nhẹt, hút thuốc, đánh bài, 23 giờ đã đóng cổng KTX, không đưa bạn khác giới lên phòng…

Hãi hùng cơm bụi, chợ cóc

Vừa ăn miếng đầu tiên, chúng tôi đã gặp ngay cục cơm cứng ngắc, rời rạc và nguội lạnh. Món sườn ram nhiều nước sốt nhưng có mùi ngai ngái ôi thiu. Riêng cá kho thì như chạy qua lửa, ngoài gia vị keo keo và thơm mùi tiêu, hành ra thì miếng cá chưa hề thấm gia vị nên mùi tanh xộc lên mũi. Đó là bữa cơm bụi sinh viên mà chúng tôi ghi nhận được khi thực tế tại khu vực Làng đại học Thủ Đức.

Các quán cơm tại khu vực làng đại học đa phần được cất tạm bằng cột kèo, che bạt hoặc mái tôn, mái lá lụp xụp, xập xệ, nền đá dăm bụi mù nhưng được cái rộng rãi để kê bàn ghế và có khu vực để xe thức ăn cho khách chọn món. Theo giới thiệu của các sinh viên, chúng tôi chọn một quán có chất lượng được đánh giá tương đối tốt là quán M.N ở ấp Tân Lập (thị xã Đông Hòa, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương).

Đồ ăn vô cùng bắt mắt với hơn 20 món, chủ yếu là món sốt, kho, xào. 6 năm nay, quán cơm này vẫn duy trì được giá 15.000 đồng/phần. Ghé quán vào thời điểm đông khách nhất, cũng xếp hàng gọi món và chờ nhận đồ ăn luôn, chúng tôi gọi món sườn ram và cá basa kho. Thế nhưng vừa ăn miếng đầu tiên, chúng tôi đã bị dội ngược bởi từ cơm đến thức ăn đều khó nuốt.

Các quán khác trong khu vực này cũng nhếch nhác và xập xệ, nhiều xe cam vắt, chanh dây pha chế ngay cạnh đường đi, không hề che chắn hay tránh bụi. Nhiều quán cơm trưa, thức ăn được chế biến nóng và hấp dẫn bên ngoài, nhưng bên trong thì kém chất lượng. “Có bữa, cơm gà ăn gần một nửa mới phát hiện ra bên trong có dòi, mình ám ảnh cả tuần không dám ăn cơm”, K.L., sinh viên Trường Đại học KHXH-NV TPHCM, cho hay.

Làng đại học có khoảng 50 quán cơm với mức giá 15.000 - 20.000 đồng/ phần, có những tiệm vẫn giữ giá 15.000 đồng/phần bao no. Vì giờ giấc sinh viên ăn thất thường nên các quán cơm gần như mở bán cả ngày. Với đủ lựa chọn như hủ tiếu, bún riêu, bánh cuốn… cho buổi sáng, cơm trưa, chiều và có cả hình thức phiếu bán cơm theo tháng để tiết kiệm hơn cho khách ăn.

Cả khu làng đại học có một chợ cóc bán hai bên của một đoạn đường vào Đại học Quốc gia (thuộc ấp Tân Lập, Đông Hòa, Dĩ An, Bình Dương) với hơn 20 quầy, sạp. Đây cũng là nơi cung cấp thức ăn, rau, củ, quả, thịt, cá cho hầu hết sinh viên ở trọ tại đây. Chợ bán cả ngày, nhưng nhộn nhịp nhất vào buổi chiều, công nhân tan ca, sinh viên tan học…

Theo chân một nhóm sinh viên đi chợ, chúng tôi ghé lại một sạp cá đang rất đông người mua. Cá ở đây đã được làm sẵn với nhiều loại, từ cá nước ngọt đến cá biển, khá tiện lợi. Thấy chúng tôi băn khoăn về độ tươi của cá, người bán nhanh miệng: “Cá mới mần đó, tươi chứ sao không”. Và tỏ ra khó chịu khi bị chê: “Cá vầy mà bảo không tươi. Rẻ mà đòi cá bơi thì vào thành phố mà mua”.

Ghé sạp thịt cũng không khá khẩm gì hơn, chợ chiều mà thịt còn đầy cả sạp, lác đác tốp công nhân rồi vài bạn sinh viên ghé lại. Ở đây người bán liên tục cầm cây đuổi ruồi. Miếng thịt tái nhợt, có những miếng đã chuyển sang màu thâm tím, khô quắt...

Khoảng 19 giờ 30 phút, vì không đèn đường nên cả khu tối thui, chỉ có ánh đèn của các quầy, sạp hắt ra. Lúc này chợ vắng tanh, các tiểu thương bắt đầu gom đồ nhưng chưa vội về mà còn ngồi tám chuyện. Nán lại chợ, chúng tôi mới biết họ chờ các quán cơm tới gom đồ ế ẩm để làm hàng.

Thắc mắc sao thực phẩm ở đây đủ làm hàng cơm phục vụ cả làng đại học, chị Hương, chủ một sạp thịt, bảo: “Mấy tiệm nhỏ nhỏ thì lấy hàng ở đây, chứ tiệm lớn chút là phải xuống chợ Thủ Đức hoặc đi đầu mối mới đủ”.

KIM NGUYỄN - MINH VÂN

Tin cùng chuyên mục