Siết lỗ hổng pháp lý

Thời gian gần đây, Chính phủ đã và đang có những động thái tích cực gỡ vướng hàng loạt rào cản, gút mắc để doanh nghiệp (DN) thuận lợi phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế. Điển hình là hàng chục ngàn DN đã quay trở lại hoạt động vào những tháng cuối năm. Đây là thông tin đáng mừng, trong khi chỉ còn vài tuần nữa sẽ khép lại năm 2017, chuẩn bị đón chào năm mới 2018.
 Có thể dẫn chứng, đầu năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết 19-2017/NQ-CP nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia… Chính nghị quyết này đã thổi bùng ngọn lửa cải cách diễn ra đối với hàng loạt bộ ngành, từ trung ương xuống các địa phương. Chẳng hạn như, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất bãi bỏ, sửa đổi gần 120 điều kiện kinh doanh; Bộ Công thương cắt giảm, đơn giản hóa hơn 670 điều kiện đầu tư… Song song đó, từng địa phương cũng có những chính sách ưu đãi, phát triển rất cụ thể, thiết thực, chuyên biệt để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, mà TPHCM là một trong những ví dụ điển hình. 

Bên cạnh việc cải cách, hỗ trợ DN đạt được những kết quả nhất định, vẫn còn những ràng buộc mang tính dắt dây, có hệ thống chưa được gỡ rối kịp thời. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đây là câu chuyện dài gây tốn kém, điêu đứng cho hàng loạt DN nước ta. Theo ông N.M.A, giám đốc DN chuyên về hàng dệt may xuất khẩu tại TPHCM, các vụ tranh chấp liên quan đến cạnh tranh “bẩn” phần nhiều đều dính dáng đến xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Theo ông N.M.A, những vụ kiện thế này vốn dĩ rất căng thẳng và thông thường DN sẽ chọn cách khởi kiện tại tòa hoặc nhờ sự can thiệp của các trung tâm trọng tài thương mại; nhưng đôi khi theo hướng “dĩ hòa vi quý”. “Làm rùm beng, báo chí biết được sản phẩm bên mình bị nhái, bị làm giả thì xấu hổ, uy tín bị ảnh hưởng nghiêm trọng, doanh thu sụt giảm. Do vậy, nguyên tắc của chúng tôi thường là xử kín, không thông báo công khai. Việc lựa chọn các trung tâm trọng tài thương mại uy tín là một trong những giải pháp ưu tiên hàng đầu”, bà L.X, cố vấn pháp lý của một DN chuyên về hóa mỹ phẩm và hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam, cho biết. Thực sự, trường hợp như bà X. không phải là cá biệt, bởi rất nhiều DN hiện nay khi lâm vào tình cảnh bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đều lặng thinh, ngấm ngầm đi xử lý vụ việc. 

Tại sao lại có tình trạng này? Nhiều luật sư, chuyên gia kinh tế uy tín đã nói thẳng rằng, luật pháp còn nhiều kẽ hở là nguyên nhân chính gây ra hệ quả này. Ngoài ra, các rào cản về cơ chế, chính sách, quy trình thủ tục rườm rà… khiến DN rất mệt mỏi trong hành trình bảo vệ chính mình. Chưa kể, chính kẽ hở pháp luật lại là mảnh đất màu mỡ cho không ít DN bất hảo trục lợi, mà thời gian gần đây, một số DN, đại gia lần lượt bị đưa ra ánh sáng do kinh doanh hàng dỏm, là minh chứng khá rõ cho lập luận này. 

Để gỡ vướng rào cản thành công, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát vi phạm; siết lại lỗ hổng pháp lý… Và trên hết, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chuyên trách phải thực sự dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. 

Tin cùng chuyên mục