Siết chặt hoạt động vận tải trá hình

Tại cuộc họp với các doanh nghiệp vận tải và các cơ quan liên quan về dự thảo sửa đổi Nghị định 86 ngày 13-7, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định sẽ siết chặt các hoạt động vận tải trá hình làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, gây mất trật tự an toàn giao thông, thất thu thuế cho Nhà nước.
Thông tin từ cuộc họp cho biết, các loại hình vận tải đang ngày càng phức tạp, “xe dù, bến cóc” xuất hiện ngày càng nhiều trong sự bất lực của các cơ quan chức năng. Ví dụ, hoạt động của Grab tại Việt Nam vẫn chưa được quản lý chặt chẽ. Grab tự nhận mình không phải là kinh doanh vận tải mà chỉ là kinh tế chia sẻ nhưng với việc quyết định giá, điều động xe, doanh nghiệp này rõ ràng đang hoạt động kinh doanh vận tải. Lĩnh vực taxi công nghệ càng trở nên khó quản lý hơn trong bối cảnh nhiều phần mềm ứng dụng gọi xe trong nước cùng tham gia vào thị trường. Các cơ quan chức năng đang không thể kiểm soát được số lượng phương tiện lợi dụng công nghệ để hoạt động, không kiểm soát được doanh thu cũng như nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp. Khi xảy ra sự cố, việc truy cứu trách nhiệm cũng không dễ dàng. Trong khi đó, xe hợp đồng vận tải hành khách trá hình vẫn tiếp diễn phức tạp ở nhiều địa phương, nhất là Hà Nội và TPHCM, dẫn đến tình trạng “xe dù, bến cóc” mọc lên nhan nhản, gây ùn tắc giao thông nội đô, nguy cơ mất an toàn cao, trong khi tuyến xe cố định thất thu nghiêm trọng. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, ranh giới giữa taxi và vận tải hợp đồng, taxi công nghệ rất mong manh. Đây là vấn đề hết sức bức xúc và Nghị định 86 sửa đổi sẽ điều chỉnh để tất cả các loại hình vận tải đảm bảo hoạt động công bằng theo đúng pháp luật, có các chế tài, giải pháp quản lý được “xe dù, bến cóc”, xe trá hình. 

Trước những diễn biến phức tạp trong quản lý hoạt động vận tải, Nghị định 86 sửa đổi được ban hành càng sớm càng tốt. Bởi lẽ, nếu kéo dài Nghị định 86 sẽ phải kéo dài Quyết định 24 về thí điểm ứng dụng gọi xe, mà càng kéo dài càng phức tạp. Dự kiến, trong tháng 7, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ xem xét và cho ý kiến ban hành Nghị định 86 sửa đổi. Bộ GTVT cũng sẽ báo cáo Quốc hội, Chính phủ sửa đổi Luật Giao thông đường bộ trong nhiệm kỳ này. Sau khi sửa đổi, các khái niệm sẽ được bổ sung để phân biệt rõ các loại hình vận tải. Các điều kiện về kinh doanh cũng sẽ đảm bảo thuận lợi hơn cho công tác quản lý, tạo môi trường cạnh tranh công bằng. Bộ sẽ không bỏ các tuyến vận tải cố định mà tạo điều kiện để các loại hình vận tải có thể phát triển, cạnh tranh lành mạnh, đúng luật. 

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến đề nghị Bộ GTVT tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp cũng đã được lãnh đạo Bộ GTVT ghi nhận. Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM, cho rằng, quy định lái xe 6 tháng khám sức khỏe 1 lần trong khi doanh nghiệp có hàng chục ngàn lái xe sẽ gây tốn kém, do đó nên tính toán kéo dài lên 12 tháng. Việc kiểm định đồng hồ taxi trong 12 tháng cũng không hợp lý dẫn đến tăng chi phí cho doanh nghiệp. Đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội và nhiều ý kiến cũng đề nghị Bộ GTVT xem xét, xếp tất cả các loại xe dưới 9 chỗ là loại hình taxi, chịu chung quy định quản lý. Phải gắn mào để tránh tình trạng doanh nghiệp lách luật. Xe hợp đồng phải từ 9 chỗ trở lên. Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, cũng kiến nghị, thay vì “gò ép” mô hình mới, các cơ quan quản lý nên có cách nhìn nhận mới và giải quyết xung đột với loại hình kinh doanh cũ. Đồng thời, Bộ GTVT cần xem lại việc có quá nhiều điều kiện bó buộc, quá nhiều rào cản về điều kiện kinh doanh đối với loại hình vận tải truyền thống. Đã đến lúc cần rà soát, cắt giảm những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp để các doanh nghiệp vận tải truyền thống có thể đứng chung một sân chơi với những loại hình vận tải mới cùng những luật lệ rõ ràng và sòng phẳng.

Tin cùng chuyên mục