Sẽ có những bộ sách giáo khoa tốt

Bắt đầu từ năm học 2020-2021, Bộ GD-ĐT chính thức triển khai chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT) mới đối với lớp 1. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, về công tác chuẩn bị SGK theo chương trình GDPT mới.
Ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học
PHÓNG VIÊN: Xin ông cho biết về tiến độ chuẩn bị SGK lớp 1 để triển khai từ năm học 2020-2021?
Ông THÁI VĂN TÀI: Hiện nay Bộ GD-ĐT đang thẩm định SGK lớp 1. Rất vui là tinh thần xã hội hóa theo Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT và Nghị quyết 88 của Quốc hội về triển khai chương trình, SGK GDPT mới đã trở thành hiện thực bước đầu. Đó là một chương trình mà ở mỗi môn học có thể có nhiều SGK. Sau khi ban hành chương trình GDPT mới, các nhà khoa học tâm huyết và các nhà xuất bản (NXB) có đủ chức năng đã tích cực biên soạn SGK. Đã có 5 bộ SGK cho lớp 1 của 3 NXB trình thẩm định là NXB Giáo dục Việt Nam, NXB Đại học Sư phạm TPHCM, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội. Chúng ta không dùng đồng ngân sách nào cho việc biên soạn SGK. Đó là thành công bước đầu.
Đánh giá sơ bộ thì chất lượng các bộ SGK như thế nào, thưa ông?
Theo đánh giá sơ bộ của hội đồng thẩm định quốc gia, các SGK được thể hiện đa dạng theo đúng tinh thần và độ mở của chương trình. Do đó, chắc chắn khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT công bố SGK, địa phương sẽ có nhiều lựa chọn SGK phù hợp với điều kiện địa phương mình. Qua theo dõi chúng tôi thấy, có nhóm tác giả viết cho vùng trung tâm với yêu cầu cao hơn một chút, cũng có nhóm tác giả hướng đến đối tượng là học sinh vùng nông thôn, khó khăn. Tùy theo tiếp cận thì các nhóm tác giả viết SGK có cách thể hiện khác nhau, nhưng yêu cầu tiên quyết là SGK phải đảm bảo đúng yêu cầu của chương trình. Chương trình chỉ có một, còn SGK có thể đa dạng.

Đáng mừng là đội ngũ viết SGK là những nhà giáo dục, nhà khoa học có uy tín, năng lực về chuyên môn của họ đã được khẳng định qua thực tiễn nhiều năm nay. Nhiều tác giả viết SGK vì tâm huyết để cống hiến những gì mình có cho thế hệ sau, không phải là viết SGK vì lợi nhuận. Chúng tôi rất trân trọng khi thấy nhiều tác giả thể hiện được tâm huyết đó.

Hội đồng thẩm định SGK lần này có nhiều điểm mới. Mỗi hội đồng thẩm định từ 7 - 15 người/môn. Trước đây chỉ có một bộ SGK, quyết định của hội đồng là sống còn cho bộ sách đó. Còn bây giờ, hội đồng làm việc trên tinh thần nếu các bộ sách đều đáp ứng được quy định tại Thông tư 33/2017 của Bộ GD-ĐT (quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK) thì hội đồng đều thông qua.

SGK hội đồng thông qua có phải là SGK hay nhất?

Tôi xin trả lời, đó là bộ SGK đúng nhất, còn hay nhất, tốt nhất hay không do người học đánh giá trong thời gian thực hiện. Trách nhiệm của hội đồng thẩm định là làm sao có những bộ SGK tốt nhất. Cơ cấu hội đồng thẩm định rất đa dạng, đó là những nhà khoa học uy tín, thầy cô đến từ các trường đại học sư phạm và có ít nhất 1/3 giáo viên hiện đang giảng dạy tại các trường tiểu học ở khắp 3 miền, đặc biệt là có đủ thời gian cho hội đồng xem xét tỉ mỉ, kỹ nhất nội dung SGK.

Bao giờ thì công bố những bộ SGK lớp 1 được lựa chọn thưa ông?

Theo kế hoạch, khoảng đầu tháng 10, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ công bố kết quả thẩm định SGK lớp 1 đạt yêu cầu.

Sẽ có những bộ sách giáo khoa tốt ảnh 2 Học sinh ngập trong SGK theo chương trình mới. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Vậy sau đó, khi có các nhóm tác giả khác tiếp tục gửi SGK đến để thẩm định thì Bộ GD-ĐT có tiếp tục thẩm định hay không?

Khi hội đồng kết luận về SGK, thì có thể có những bộ sách đạt, chưa đạt, không đạt. Đối với bộ sách chưa đạt thì cần chỉnh sửa, còn bộ sách không đạt thì theo Thông tư 33, các tác giả có quyền chỉnh sửa và đề nghị Hội đồng thẩm định lại. Việc Bộ GD-ĐT có tiếp tục thẩm định các bộ SGK mới hay không thì trên cơ sở đề nghị của các nhóm tác giả, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ xem xét. Mặt khác, dựa trên việc theo dõi đánh giá việc triển khai SGK lớp 1, bộ sẽ thông báo tiếp tục thẩm định SGK, có thể cả SGK lớp 1, rồi SGK lớp 2 để triển khai trong năm 2021-2022. Những điều này Thông tư 33 đã nêu rõ.

Đến thời điểm này chỉ có 5 bộ SGK lớp 1 được thẩm định, nếu không có bộ nào đạt thì sao, liệu có kịp tiến độ triển khai từ năm học 2020-2021?

Thường bộ SGK có nhóm tác giả, có tổng chủ biên, chủ biên. Việc biên soạn SGK là việc nghiêm túc, thể hiện ở 2 yếu tố: những người viết sách có tính tự trọng nghề nghiệp, đa số là nhà khoa học uy tín, họ làm với tính cống hiến nhiều hơn là tính thương mại. Chúng tôi có thể khẳng định các bộ SGK được chuẩn bị chu đáo, là sự tâm huyết cao, nghiêm túc. Mặt khác, SGK được thông qua một NXB để trình Hội đồng thẩm định. 

Việc biên soạn SGK là rất tốn kém, không ai bỏ ra một khoản tiền tốn kém để làm sản phẩm không tốt. Do đó, cả 5 bộ SGK không có sản phẩm kém. Cá nhân tôi tin tưởng sẽ có những bộ SGK tốt nhất cho người học.

Mời tham gia diễn đàn “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa”

Hiện Bộ GD-ĐT đang thẩm định SGK lớp 1 biên soạn theo chương trình GDPT mới. Theo Hội đồng quốc gia thẩm định SGK, các SGK mà các nhà xuất bản gửi đến thẩm định được thể hiện đa dạng theo đúng tinh thần mở và bám sát các yêu cầu. 

Trong quá trình thẩm định, Bộ GD-ĐT cũng lắng nghe những đóng góp của các chuyên gia giáo dục, các tầng lớp trí thức và nhân dân để hoàn thiện các bộ SGK theo hướng nâng cao chất lượng dạy và học, đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực hội nhập, trình độ quốc tế.

Dịp này, Báo SGGP cũng mở diễn đàn “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa” để đón nhận và đăng tải các ý kiến góp ý nhằm hoàn thiện chất lượng SGK phổ thông. Mọi ý kiến xin gửi về địa chỉ: phuocbinhsggp@gmail.com hoặc toasoan@sggp.org.vn.

Tin cùng chuyên mục