Sẽ có bước đột phá trong đào tạo, dạy nghề

Theo Bộ LĐTB-XH, số thanh niên trong độ tuổi lao động hiện nay là 24,3 triệu người, chiếm 44% lực lượng lao động. Hiện có trên 2/3 số người thất nghiệp hiện nay là thanh niên...
 Các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017-2022. Ảnh: VGP
Các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017-2022. Ảnh: VGP

Trong khuôn khổ ngày làm việc thứ nhất Đại hội đoàn TNCS HCM toàn quốc lần thứ XI, đã có 8 diễn đàn thanh niên đối thoại với các bộ trưởng được tổ chức về các vấn đề nóng mà giới trẻ quan tâm như việc làm, khởi nghiệp sáng tạo, bảo vệ môi trường, xung kích bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc… Tại diễn đàn đối thoại với Bộ LĐTB-XH, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung đã giải đáp nhiều băn khoăn của các đại biểu đồng thời khẳng định năm 2018 sẽ là năm đột phá của giáo dục đào tạo nghề cho thanh niên.

Nhiều chính sách chưa phát huy hiệu quả

Nhiều ý kiến tại diễn đàn đã cho rằng, hiện có nhiều chủ trương chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp được ban hành nhưng một số chính sách vẫn còn chung chung, chưa cụ thể, do đó chưa phát huy được hiệu quả trong thực tế. Trong đó, một số chính sách cần được điều chỉnh về mức vay, thời gian vay, ví dụ như chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ dạy nghề cho bộ đội xuất ngũ, tín dụng cho học sinh sinh viên, cho vay tín dụng đi xuất khẩu lao động, hỗ trợ học nghề để xuất khẩu lao động...

Đại biểu Thân Trung Kiên (Bắc Giang) kiến nghị, hiện ngân hàng chính sách xã hội đang cho vay vốn để phát triển kinh tế với mức vay 50 triệu đồng/hộ, nên chăng có chính sách cho đoàn viên thanh niên vay vốn để nếu một gia đình có 2 vợ chồng là đoàn viên thì mức vay được tăng lên 100 triệu đồng. Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nữa là công tác hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp chưa tốt, dẫn đến tỷ lệ các dự án khởi nghiệp thất bại còn cao, chiếm đến 80%, là một sự lãng phí nguồn lực xã hội.

Đại biểu Nguyễn Tiến Hưng (học viên Ngân hàng Hà Nội) kiến nghị, một trong những thiếu hụt lớn của thanh niên khởi nghiệp hiện nay là kiến thức về pháp lý, về vấn đề bản quyền và sở hữu trí tuệ, về kỹ năng quản trị doanh nghiệp... vì vậy, các cơ quan như Trung ương Đoàn và các bộ, ngành cần phối hợp tháo gỡ, trang bị kiến thức cho thanh nhiên qua nhiều kênh thông tin, từ trong trường đại học cho đến các khóa đào tạo ngắn hạn. Trả lời những băn khoăn này, đại diện Trung ương Đoàn cho biết, hiện đang có nhiều đề án lớn được xây dựng nhằm hỗ trợ thiết thực hơn nữa cho thanh niên, trong đó sẽ tổ chức tìm kiếm và phát triển ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo trong sinh viên, thành lập các hội đồng tư vấn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp với nhiều đối tượng như sinh viên, thanh niên nông thôn, doanh nhân trẻ khởi nghiệp. Bên cạnh đó, sẽ thành lập các mô hình “vườn ươm khởi nghiệp”, “công viên khởi nghiệp”, tổ chức các khóa đào tạo, các diễn đàn đối thoại về khởi nghiệp cho các bạn trẻ. Đặc biệt, sẽ xây dựng chương trình hỗ trợ vốn cho thanh niên khởi nghiệp với các quỹ khởi nghiệp của Trung ương Đoàn, liên kết nguồn vốn với các quỹ đầu tư mạo hiểm, các tổ chức tài chính quy mô...

Sẽ có chuẩn đầu ra trong đào tạo nghề

Bên cạnh những băn khoăn về khởi nghiệp, việc làm, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nhất là làm thế nào giải quyết được tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” hiện nay, nhất là việc thiếu các lao động có tay nghề cao. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, công tác hướng nghiệp đã và đang được đặt lên hàng đầu trong chính sách phát triển của nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, công tác này còn nhiều hạn chế, mới chỉ dừng ở mức độ chỉ dẫn, chưa phải là tư vấn. Đặc biệt, ở Việt Nam đang thiếu hẳn đội ngũ chuyên gia, giáo viên về hướng nghiệp, dẫn đến hậu quả là đa số học sinh PTTH vẫn chọn con đường thi đại học dù không hiểu rõ lắm về ngành nghề mà mình đã chọn, không biết mình có phù hợp với ngành nghề đó và xã hội có cần hay không, trong khi đó, các trường dạy nghề thì không có học sinh.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, từ 1-1-2017, Bộ GD-ĐT đã bàn giao cho Bộ LĐTB-XH chức năng quản lý giáo dục nghề nghiệp và năm 2018 sẽ là năm đột phá về giáo dục nghề nghiệp, tạo ra nguồn lao động chất lượng cao. Trong số nhiều giải pháp được đưa ra, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tâm đắc với 3 nhóm giải pháp được cho là sẽ làm thay đổi về chất hệ thống dạy nghề hiện nay. Đó là, sẽ tạo cơ chế cho các cơ sở, giáo dục nghề nghiệp tăng tính tự chủ, tự chọn loại hình, ngành đào tạo phù hợp với thực tế. Cơ quan quản lý chỉ ấn định khung chương trình cơ bản, các trường được tự chọn môn học, thời lượng đào tạo; giảm thời gian học lý thuyết, tăng thời gian thực hành. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp trong giảng dạy, thực hành, tổ chức đi thực tập có trả lương, thậm chí có trường cam kết chịu trách nhiệm về việc làm, nếu không giải quyết được thì trả lại tiền chi phí học tập.

Đặc biệt, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ LĐTB-XH vừa “nhập khẩu” 34 bộ giáo trình chuẩn về đào tạo nghề của các nước Đức, Nhật Bản, Australia với trên 300 chuẩn đầu ra cho các ngành nghề, trong đó có chuẩn trong nước, chuẩn ASEAN và chuẩn quốc tế, đảm bảo người lao động sau đào tạo được công nhận trên thị trường lao động quốc tế. Mới đây, Bộ LĐTB-XH cũng đã cử 340 giáo viên dạy nghề đi tu nghiệp ở Australia. Đây sẽ là những bước đi vững chắc để nâng cao từng bước chất lượng đào tạo trong các trường nghề, tạo được nguồn lao động chất lượng cao cho xã hội.

Theo Bộ LĐTB-XH, số thanh niên trong độ tuổi lao động hiện nay là 24,3 triệu người, chiếm 44% lực lượng lao động. Hiện có trên 2/3 số người thất nghiệp hiện nay là thanh niên; tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên cao gấp 3 lần tỷ lệ thất nghiệp chung; mức độ thất nghiệp của thanh niên có xu hướng tăng dần theo trình độ, trong đó sơ cấp, trung cấp là 5,3%-11,8%, cao đẳng 18,1%, đại học 23%.

Tin cùng chuyên mục